Đổi mới cách đi cơ sở

Anh Đặng 04/06/2023 07:59

(Baonghean.vn) - Đi cơ sở như thế nào cho đúng xuất phát từ cái tâm, cái tầm của cấp trên, của từng cán bộ.

Cơ sở là cái làm nền tảng trong quan hệ với những cái xây dựng trên đó hoặc dựa trên đó mà tồn tại, mà phát triển. Cơ sở là đơn vị ở cấp dưới cùng, nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động như sản xuất, công tác,... của một hệ thống tổ chức, trong quan hệ với các bộ phận lãnh đạo cấp trên. Cơ sở là nơi thể hiện sinh động, là "tấm gương phản chiếu" các chủ trương, chính sách và hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Chủ trương, nghị quyết, đề án, kế hoạch dù có đúng, có hay đến mấy, chặt chẽ đến mấy nhưng dân không hiểu, không tin, không làm thì cũng chỉ là trên giấy tờ. Muốn các chủ trương, nghị quyết thành hiện thực thì phải thể hiện bằng phong trào cách mạng từ cơ sở.

Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo đầu bờ. Ảnh minh họa

Đi cơ sở. Đó là việc mà các cấp từng chủ trương và đúc kết từ hàng chục năm qua. Đã từng có những chủ trương được nói gọn cho dễ nhớ, dễ thực hiện như "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", "hội thảo đầu bờ", "cầm tay chỉ việc", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin",... Bác Hồ thì dạy cán bộ phải "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm,..." Vậy mà, khi kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, cấp nào cũng có, rất nhiều cán bộ tự nhận hoặc được góp ý là "chưa dành thời gian thích đáng đi cơ sở". Đó không chỉ là một thực tế nhưng cũng là một khuyết điểm có vẻ "dễ chịu", nghe qua có vẻ như "vô tội"?

Thực tế, đã có những cán bộ khi đến cơ sở có những phát hiện sắc sảo, mang đến cho cơ sở một tầm nhìn toàn diện, chỉ ra những cách làm hay, hiệu quả, được cán bộ và nhân dân quý mến. Có những chủ trương, việc làm hay được đúc kết, nhân ra diện rộng, rất thiết thực.

Tuy nhiên, cũng có những cán bộ đến cơ sở không giúp được gì mà lại làm cho cơ sở nản. Có những cán bộ nắm không chắc chủ trương, cách làm - cấp trên mà không hướng dẫn được cho cấp dưới. Có những cán bộ làm dáng "ta đây", lấy thế cấp trên để hạch sách. Có những cán bộ gợi ý chia chác, phong bao, chè chén, phiền hà, làm hư hỏng cả cán bộ cấp dưới,... Có hiện tượng "đi cơ sở đều đều" nhưng cuối tháng, cuối quý phản ánh trong giao ban, báo cáo toàn là: Nhân dân đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng,... tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi; giá cả vật tư lên cao; nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng trên báo chí làm dân hoang mang... trở thành những điệp khúc ở nơi nào cũng nói được. Trong khi nhiều vụ việc dân lúng túng, không biết hỏi ai, thậm chí kêu kiện cả mấy tháng mà không biết, như chuyện của ai?

Đi cơ sở phải xác định rõ mục đích, yêu cầu - đi để làm gì? Đi để phát hiện vấn đề, để đúc rút kinh nghiệm, hay đi để đôn đốc, kiểm tra, giải quyết khó khăn hay để hướng dẫn thực hiện,... Cấp trên phải tùy mục đích công việc để phân công cho hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường của cán bộ, phải xác định rõ mục đích, nội dung, từ đó mới định ra lịch trình, phương pháp cụ thể.

Cái mới, cái hay như những nụ mầm. Nếu được phát hiện đúng lúc, nâng niu, tìm cách nuôi dưỡng, uốn nắn sẽ được sinh sôi. Cái mới mà gặp cái nhìn bảo thủ, giáo điều, rập khuôn, định kiến, ghẻ lạnh rất dễ bị lụi tàn, tiêu diệt.

Những sự vụ, khó khăn, vướng mắc nếu được phát hiện sớm, tìm cách khắc phục sẽ dễ "khoanh vùng", làm cho "cái đại sự thành tiểu sự, cái tiểu sự thành vô sự", không để "cái sảy nảy cái ung".

Những chủ trương, chính sách mới nếu được tuyên truyền rộng rãi, giải thích, vận động cặn kẽ, bài bản thì dân dễ hiểu, tin tưởng và hành động có hiệu quả.

***

Nếu cán bộ chỉ vác ô đến ngồi công sở, "ngâm cứu, cạo giấy" thì sẽ mắc bệnh quan liêu, xa rời thực tế, xa dân. Cán bộ mà xa rời thực tế, xa dân thì rất nguy hiểm.

Đi cơ sở như thế nào cho đúng xuất phát từ cái tâm, cái tầm của cấp trên, của từng cán bộ. Nếu cứ với khẩu hiệu "Hướng về cơ sở", người trước chưa về, người sau đã đến thì không khéo "chú đi dân ở, chú ở dân đi"?

Anh Đặng