Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
(Baonghean.vn) - Sáng 5/6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 6/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An |
Thảo luận tại Tổ 3 với đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn và Bạc Liêu, ĐBQH đoàn Nghệ An đã có 6 đại biểu phát biểu thảo luận. Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội đồng ý việc điều chỉnh tại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); tuy nhiên trong dự thảo thể hiện chưa rõ, chưa thấy tính đặc thù, nhất là nên thể hiện được đối tượng là cá nhân, tổ chức người nước ngoài ngay tại điều luật này để thể hiện chính sách về nhà ở của Việt Nam rất cởi mở.
Các đại biểu Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Nam An |
Tướng Thuận cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật gồm: Sở hữu, phát triển, quản lý, vận hành, giao dịch về nhà ở, quản lý về nhà ở; do đó cần tính toán kỹ để không chồng chéo với các luật khác, cũng như thống nhất một số khái niệm liên quan, nhất là các nội dung quy định tại bảo hộ quyền sở hữu nhà ở; khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà.
Về quyền sử hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài được xây dựng trong dự thảo luật, trao đổi quan điểm, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng, chưa có sự khác biệt nào trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài, so với cá nhân, tổ chức trong nước.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nam An |
“Như vậy, quy định này có mâu thuẫn với Điều 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cá nhân người nước ngoài không có quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”, vị đại biểu đoàn Nghệ An đặt câu hỏi và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về công nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đại biểu Trần Đức Thuận phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An |
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng tỏ ra băn khoăn, khi dự thảo Luật cũng mở rộng trường hợp chủ đầu tư được xây dựng dự án xây dựng nhà ở thương mại. Đó là ngoài có quyền sử dụng đất ở; có quyền sử dụng đất ở và đất khác như quy định tại Luật Đất đai hiện hành, còn mở rộng thêm 2 trường hợp là có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất quy định 3 trường hợp trên. Vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, nội dung này nên để Luật Đất đai (sửa đổi) điều chỉnh còn Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ dẫn chiếu Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An |
Cũng băn khoăn về nội dung trên, đại biểu đoàn Nghệ An Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần cân nhắc rất kỹ, thảo luận một cách thấu đáo để có phương án xử lý thống nhất liệu có nên mở ra những trường hợp này không?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị cần được thảo luận, giải trình và báo cáo riêng, làm rõ nét hơn định hướng chính sách liên quan đến các điều luật tại Luật Đất đai (sửa đổi) về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài vì dự thảo Luật đã quy định phạm vi sở hữu của đối tượng rộng hơn các quy định hiện hành, chưa phù hợp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật liên quan. Cơ quan thẩm tra Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng nên tiếp tục phối hợp để xử lý thỏa đáng nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An |
Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng cho rằng, việc quy định các điều khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ chế ưu đãi đối để thực hiện các dự án cải tạo nhà chung cư là chưa phù hợp, chưa rõ căn cứ, cũng như sự cần thiết phải ban hành các cơ chế ưu đãi này. Trên cơ sở các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về thuế, đại biểu Nguyễn Vân Chi nêu quan điểm nên được đưa về các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, chứ không đề cập các luật chuyên ngành.
Còn đại biểu đoàn Nghệ An Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, dự thảo luật còn một số điểm chưa được rõ ràng, cụ thể, chưa tương thích với các luật khác liên quan đến chính sách về nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cho người nước ngoài ở Việt Nam, thấy rằng trong dự thảo luật còn một số điểm chưa được rõ ràng, cụ thể, chưa tương thích với các luật khác.
Đại biểu Phạm Phú Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An |
Đồng thời đối với chính sách nhà ở xã hội, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng chỉ ra sự trùng lặp trong 12 nhóm đối tượng được hưởng tại dự thảo Luật, gồm nhóm hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn và nhóm hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ông cũng nhận định, việc quy định nhà ở xã hội chỉ là nhà chung cư thì sẽ gây khó khăn trong thực tế triển khai chính sách nhà ở xã hội. Vì qua khảo sát, giám sát tại Tây Nam Bộ, một số tỉnh đang phải bố trí những nhà được coi là nhà ở xã hội cho những người di cư từ Campuchia về mà chưa có giấy tờ chứng minh là công dân Việt Nam là các nhà xây dựng liền kề, thậm chí bố trí đất canh tác cho những đối tượng này.
Đại biểu Thái Văn Thành phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh |
Đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tán thành cao việc sửa đổi Luật Nhà ở; cũng như đánh giá cao ban soạn thảo khi đã thể hiện quan điểm phân cấp của Chính phủ cho các địa phương; đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến quyền, lợi ích của người lao động; song đề nghị rà soát lại để đảm bảo thống nhất trong sử dụng một số thuật ngữ như “quản lý vận hành nhà ở” hay “quản lý nhà ở” tại dự thảo Luật để tránh lẫn lộn giữa quản lý Nhà nước về nhà ở và quản lý nhà ở của các ban quản lý khu chung cư, khu dân cư…
Đại biểu Đặng Xuân Phương phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh |
Đặc biệt, Giáo sư Thái Văn Thành đánh giá cao việc luật định việc xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển về nhà ở. Tuy nhiên, để thực hiện Chiến lược này thành công và Chính phủ chỉ đạo, toàn diện sâu sắc từ Trung ương đến địa phương; cũng như Quốc hội có thể giám sát được thì nên giao Chính phủ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về việc cụ thể, có các chỉ số, mục tiêu.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương - đại biểu đoàn Nghệ An góp ý một số nội dung về kỹ thuật soạn thảo văn bản; đất nhà ở xã hội, nên quy định tỷ lệ % tối thiểu thu tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội; cũng đề nghị có cơ chế chính sách bảo đảm cho việc cải tạo, đồng thời giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử của nhà ở có giá trị cao về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa lịch sử;…