85 học viên hoàn thành chương trình tập huấn nghệ thuật truyền thống trình diễn dân gian cho đồng bào dân tộc Mông

Công Khang 07/06/2023 11:39

(Baonghean.vn) - Sáng 7/6, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức Lễ bế giảng lớp Tập huấn Nghệ thuật trình diễn dân gian cho đồng bào dân tộc Mông năm 2023.

Tham dự có lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện lãnh đạo các huyện có học viên tham gia; các giảng viên và học viên tham dự lớp tập huấn.

Qua 3 ngày học tập và làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, lớp tập huấn nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đã hoàn thành toàn bộ chương trình, nhiệm vụ đề ra. Tuy thời gian có hạn nhưng lớp học đã giải quyết được nhiều nội dung quan trọng, gợi mở ra nhiều vấn đề mới mẻ, lý thú.

Tiết mục biểu diễn của các diễn viên Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Ảnh: Công Khang

Lớp tập huấn nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông không chỉ là môi trường để các học viên gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường mối đoàn kết cộng đồng mà còn trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông.

Giảng viên truyền dạy là những người có hiểu biết sâu rộng về văn hóa dân gian dân tộc thiểu số, nhiệt tình, tâm huyết và có phương pháp truyền dạy phong phú, linh hoạt, đi đúng trọng tâm. Nội dung bài học đúng với thực tế, đi sâu về văn hóa âm nhạc dân gian dân tộc Mông.

Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho các học viên huyện Tương Dương. Ảnh: Công Khang

Học viên tham gia lớp học với thái độ nghiêm túc, nhiều học viên phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn góp ý về những vấn đề chưa rõ, có nhiều ý kiến phản biện và đề xuất mới mẻ, thiết thực. Đó là ý kiến của anh Xồng Bá Lầu (cán bộ xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) về vấn đề quan tâm công nhận thêm nhiều nghệ nhân để họ có động lực trao truyền di sản; đồng thời đề xuất công nhận khèn Mông là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, hoặc lớn hơn nữa là cấp quốc gia.

Hay như ý kiến của nghệ nhân Và Bá Đùa (xã Nhôn Mai, Tương Dương) đề xuất các ban ngành cấp tỉnh mở thêm nhiều lớp dạy khèn Mông và đầu tư xây dựng bộ chương trình tài liệu hỗ trợ lớp dạy khèn Mông cho nghệ nhân trẻ, bởi việc truyền dạy khèn Mông rất khó khăn, phức tạp, cần nhiều thời gian và hiện nay ít người theo học.

Các học viên chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức. Ảnh: Công Khang

Kết thúc lớp tập huấn, các học viên sẽ trở về địa phương, cùng nhau gìn giữ và trao truyền nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông để bảo tồn và phát huy trong cuộc sống đương đại, mãi là di sản văn hóa quý báu, trở thành niềm từ hào của dân tộc./.

Công Khang