Cuộc 'cách mạng' tinh gọn bộ máy, cắt giảm 25 tổng cục

Ảnh: Hoàng Hà - Nhật Bắc, Thiết kế: Ngọc Nguyễn  08/06/2023 07:08

5 năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 Trung ương 6 (khóa XII), cả nước đã cắt giảm 25 tổng cục, hiện chỉ còn 13 tổng cục (không tính Bộ Quốc phòng).

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực”.

Trong các kết quả nổi bật được Tổng Bí thư nhắc đến có ghi nhận việc sắp xếp “bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Nhìn lại sau 5 năm triển khai Nghị quyết 18 Trung ương 6 (khóa XII) về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đến nay, Bộ Chính trị ghi nhận “về cơ bản, đã hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2021, nhất là sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và cơ cấu lại tổ chức bên trong, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối cấp tổng cục, cấp vụ, cấp phòng, đội”.

Nói về việc sắp xếp bộ máy bên trong các bộ, ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối cấp tổng cục, Bộ Công an là đơn vị tiên phong từ cách đây gần 5 năm.

Trao đổi với VietNamNet, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, quán triệt và gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 18, Trung ương 6 (khóa XII), Bộ Công an đã đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22/2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

Tháng 8/2018, Bộ Công an công bố bỏ 6 tổng cục gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục 1), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục 2), Tổng cục Chính trị (Tổng cục 3), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục 4), Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8).

Sau đó, Bộ Công an sắp xếp thêm Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chuyển thành đơn vị tương đương cấp cục.

Từ đó, Bộ Công an đã xóa bỏ 6 tổng cục và 2 đơn vị tương đương tổng cục; 55 đơn vị cấp cục.

Ngoài ra, Bộ Công an còn cắt giảm 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; 7 trường (1 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 2 trường văn hóa); 1.014 đơn vị cấp phòng (cơ quan Bộ Công an giảm 316 phòng; công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các địa phương giảm 528 phòng, các học viện và trường giảm 170 phòng và trên 2.300 đơn vị cấp đội).

Thời gian qua, Bộ Công an đã giảm hơn 30.000 biên chế, trong đó, nghỉ hưu hơn 19.000 người, thôi phục vụ trước thời hạn 4.100 người, thực hiện chính sách tinh giản hơn 5.100 người, tinh giản theo nghị định của Chính phủ hơn 1.400 người.

Chia sẻ với VietNamNet ngay sau khi thực hiện cắt giảm tổng cục, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an cho biết, lúc đầu đa số anh em đồng ý nhưng cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn. Đặc biệt, một số cán bộ hưu trí, cán bộ lão thành có những người cả cuộc đời gắn bó với tổng cục, có rất nhiều tình cảm, kỷ niệm khi nghe không còn tổng cục nữa cũng băn khoăn.

“Vì vậy, chúng tôi tổ chức những "Hội nghị Diên Hồng" để trưng cầu ý kiến, đóng góp, phân tích, đồng thời, có điều kiện để giải thích, nói rõ những quan điểm, chủ trương để tạo sự đồng tình. Cuối cùng, các cấp đều ủng hộ. Đặc biệt, Đảng ủy Công an Trung ương, trong tập thể bỏ phiếu, phát biểu ý kiến, từ lãnh đạo tập trung lan tỏa đến cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, mọi người đều thấy đây là việc làm đúng và có hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ đồng tình ủng hộ”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Tại Hội nghị tổng kết ngành Nội vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn chứng, Bộ Công an có những tổng cục hình thành 35 năm nhưng đã cắt một lúc 8 tổng cục. Sau khi cắt giảm đến bây giờ mọi việc “vẫn êm”, nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành.

“Đây là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của lực lượng công an. Tổ chức bộ máy được đổi mới theo hướng tinh gọn, đồng bộ, bảo đảm hoạt động nhịp nhàng, ổn định, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đối với công an các đơn vị, địa phương trên các mặt công tác”, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định với VietNamNet.

Sau khi Bộ Công an mạnh dạn cắt bỏ cấp tổng cục từ năm 2018, các bộ, ngành khác vẫn “án binh bất động”.

Đến đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đốc thúc, chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu các bộ, ngành phải “cắt giảm tổng cục, giảm tầng nấc trung gian”.

Hơn 1 năm (từ đầu năm 2022 đến nay), Bộ Nội vụ đã miệt mài với việc sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành.

Lý do việc cắt giảm tổng cục kéo dài hơn so với yêu cầu của Thủ tướng như Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ với VietNamNet, khi mới bắt tay làm, cũng có ý kiến này, ý kiến kia kêu khó khăn, vướng mắc. Đây là việc rất khó, “khó trong các loại khó nhưng không thể không làm”.

“Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy vừa rồi, thật sự nhiều hôm tôi và anh em trong bộ “mất ăn, mất ngủ”. Bởi trên thực tế, có những tổng cục có tính lịch sử, tiền thân là một bộ, nay sắp xếp lại thành cấp cục là cả một vấn đề không đơn giản chút nào”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà kể.

Nhưng nhờ vào sự quyết liệt của Thủ tướng và sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, đến nay, việc sắp xếp các tổ chức bên trong các bộ, ngành cơ bản hoàn thành.

Cụ thể, với việc ban hành Nghị định số 28/2023 vào ngày 2/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ đã hoàn tất việc ban hành các nghị định về tổ chức bộ máy của các bộ, ngành (trừ Bộ Công an đã sắp xếp xong, Bộ Quốc phòng có quy định riêng).

Trước khi sắp xếp bộ máy bên trong, các bộ, ngành có tất cả 30 tổng cục và tương đương. Đến nay, con số này chỉ còn 13 tổng cục, giảm 17 tổng cục so với trước đây.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 4 tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo.

Bộ Nội vụ có 2 cơ quan tương đương tổng cục là Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được sắp xếp lại tương đương cấp cục.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xóa bỏ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tách thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chuyển 4 Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản và Phòng, chống thiên tai thành cấp cục.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chuyển Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và không còn Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (tương đương cấp tổng cục).

Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cũng chuyển 2 Tổng cục Thể dục, thể thao, Du lịch thành Cục Thể dục, thể thao và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trước đây tương đương cấp tổng cục nhưng được sắp xếp lại không còn như tổng cục.

Tổng cục Dân số của Bộ Y tế cũng được sắp xếp thành Cục Dân số.

Sau khi sắp xếp, cắt giảm tổng cục, hiện các bộ, ngành còn 13 tổng cục và tương đương.

Trong đó, có một số bộ, ngành vẫn giữ nguyên số tổng cục như trước đây. Cụ thể, Bộ Tài chính giữ nguyên 5 tổng cục và tương đương: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bộ Ngoại giao giữ nguyên 2 cơ quan tương đương tổng cục là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia.

Các bộ, ngành giữ nguyên 1 tổng cục gồm có: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giữ lại Giáo dục nghề nghiệp; Bộ Công Thương có Tổng cục Quản lý thị trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Tổng cục Thống kê; Bộ Tư pháp giữ nguyên Tổng cục Thi hành án dân sự; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ nguyên Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi cắt giảm 4 tổng cục còn lại Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, bên cạnh việc cắt giảm 17 tổng cục, còn giảm được 8 cục, 145 vụ thuộc bộ và các tổng cục. Đi liền với việc cắt giảm bộ máy, số lãnh đạo phải sắp xếp, giải quyết là trên 500 người.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, bộ máy đã cắt giảm được rất nhiều tổ chức bên trong các bộ, ngành từ cấp tổng cục cho đến cấp cục, vụ”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Ảnh: Hoàng Hà - Nhật Bắc, Thiết kế: Ngọc Nguyễn