Thiếu điện, trạm bơm tạm dừng, nhà nông lo chậm tiến độ vụ hè thu

Q.A 10/06/2023 16:53

(Baonghean.vn) - Hiện đang trong đợt cao điểm gieo cấy vụ hè thu trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, nhiều địa phương đã bị chậm tiến độ do thiếu điện, không thể bơm nước để phục vụ gieo cấy.

Thời điểm này, trên các cánh đồng, bà con nông dân tập trung cày xới để gieo cấy vụ hè thu, các trạm bơm phải hoạt động liên tục để cung cấp nước tưới.

Bên cạnh các địa phương đã cơ bản khép kín diện tích vụ hè thu như Diễn Châu (90%), Quỳnh Lưu (80%)... thì vẫn còn nhiều địa phương như Nghi Lộc, Yên Thành, Hưng Nguyên... đang bị chậm tiến độ do đối mặt với "khó khăn kép" là thiếu điện và thiếu nước.

Nhiều nhánh sông mực nước xuống thấp, ảnh hưởng đến gieo cấy vụ hè thu. Ảnh: Q.A

Tại huyện Nghi Lộc, vụ hè thu năm nay địa phương cơ cấu gần 6.000ha, đến nay mới phủ kín được trên 50%. Những xã bị chậm tiến độ như: Nghi Phương, Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam, Nghi Mỹ...

Bà Bùi Thị Loan, xã Nghi Thuận cho biết: Nhà tôi có 3 sào lúa hè thu nhưng đến nay mới cấy được hơn 1 sào, những cánh đồng còn lại nước chưa về nên chưa cày bừa, làm đất được. Giờ điện sinh hoạt cứ mất liên tục, không biết bao giờ nước mới về mà cấy cho xong...

Trạm bơm trên địa bàn xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc phải tạm dừng vì không thể hoạt động liên tục do thiếu điện. Ảnh: Q.A

Ông Trần Nguyên Hoà - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết: Hiện nay, địa phương đang đối mặt với 2 khó khăn là thiếu điện và thiếu nước. Nguồn nước tại các sông ngòi, kênh rạch, hồ đập đang xuống thấp, những trận mưa vừa rồi không cải thiện được nhiều.

Hiện, huyện đang lên phương án trình tỉnh để đắp sông Cấm, ngăn mặn giữ ngọt để cải thiện nguồn nước. Bên cạnh đó, việc cắt điện khiến nhiều trạm bơm không thể hoạt động được, việc cung ứng nước cũng bị chậm trễ hơn so với các mùa trước.

Được biết, huyện Nghi Lộc có 5 trạm bơm với 19 máy công suất 1.000m3/h và 3 tổ máy 6.500m3/h, cung cấp nước tưới cho 5.864 ha lúa vụ hè thu. Tranh thủ những ngày có điện, các máy bơm phải hoạt động hết công suất để phục vụ người dân. Ông Ngô Ngọc Hoan - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Nghi Lộc cho biết: Toàn bộ máy bơm đều chạy bằng điện lưới, do đặc thù là máy công suất lớn nên phương án dự phòng như máy phát điện hay bơm dầu không khả quan vì không đủ tải.

Mỗi khi có điện, Xí nghiệp Thuỷ lợi Nghi Lộc đều tranh thủ bơm nước để phục vụ người dân sản xuất. Ảnh: Q.A

Huyện lúa Yên Thành cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự, đặc biệt là việc thiếu điện. Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới chỉ gieo cấy được 7.000/11.000ha lúa vụ hè thu. Trong khi lượng nước vẫn có thể cầm cự được thì việc mất điện liên tục đã khiến các trạm bơm không thể hoạt động. Đặc biệt là tại các xã như: Công Thành, Mã Thành, Lăng Thành... chưa thể gieo cấy đúng thời vụ vì không có kịp nước để canh tác. Dự kiến trong 10 ngày nữa, huyện mới cơ bản khép kín vụ hè thu.

Huyện Hưng Nguyên là một trong những địa phương có tiến độ gieo cấy muộn nhất trên địa bàn tỉnh. Hết ngày 8/6, toàn huyện gieo cấy được khoảng 1.800ha/4.000ha. Nguyên nhân do thiếu điện nên việc bơm nước cho sản xuất không ổn định, bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến tiến độ của các xã trên địa bàn.

Người dân xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương tranh thủ thời điểm có nước để làm đất gieo cấy vụ hè thu. Ảnh: Q.A

Ông Bùi Văn Hào - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuỷ lợi Nam cho biết: Công ty Thuỷ lợi Nam phụ trách cung cấp nước tưới cho 5 địa phương bao gồm Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP. Vinh và TX. Cửa Lò với diện tích sản xuất nông nghiệp trên 16.000ha. Hệ thống bơm của công ty gồm 36 trạm bơm, trải đều các địa phương. Mất điện là mối lo lớn nhất của công ty vì máy nổ hay máy bơm dầu dã chiến không thể đủ để tải được công suất lên đến 4.000 - 5.000 m3/giờ của các máy bơm bằng điện.

Hiện nay, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị phía điện lực về việc đây là thời điểm quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nên cần có sự ưu tiên để bà con gieo cấy đúng thời vụ. Nếu như có lịch cắt điện thì xin thông báo sớm để phía Công ty có phương án dự phòng và thông báo lịch bơm rộng rãi đến các địa phương, người dân nắm được.

Ông Bùi Văn Hào – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thủy lợi Nam

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An, sản lượng điện tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 đạt 436 triệu kWh, đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Đơn cử như trong tháng 6/2022, tháng cao điểm nắng nóng năm ngoái, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh cũng ở mức 393 triệu kWh.

Trong mùa nắng nóng, Nghệ An sẽ phải tiết giảm từ 53 – 124 MW trên tổng công suất toàn bộ tỉnh Nghệ An dự kiến từ 920MW – 950 MW, vào các khung giờ từ 11h00 - 16h00 và từ 20h30 đến 24h00 trong những ngày nắng nóng khi nền nhiệt trên 38 độ C. Sản lượng điện tiêu thụ trong ngày nắng nóng dự kiến toàn tỉnh đạt xấp xỉ 17,5 triệu kWh, trong khi đó sản lượng được phân bổ chỉ đáp ứng được khoảng 90%. Do đó, việc thiếu điện hoàn toàn có thể xảy ra, buộc phải cắt điện luân phiên tuỳ vào từng thời điểm.

Q.A