Phát động phong trào 'Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập'

Mỹ Hà 10/06/2023 12:08

(Baonghean.vn) - Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi người dân cả nước không ngừng học tập để góp phần xây dựng và phát triển đất nước, đưa Việt Nam sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới.

Sáng 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. Lễ phát động được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước.

Tham dự lễ phát động, tại điểm cầu chính có đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc học tập: Học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu và khách quan của mỗi cá nhân trong xã hội. Công dân được tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.

Các đại biểu dự lễ phát động tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Việc triển khai lễ phát động đúng dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) càng có ý nghĩa thiết thực. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi công dân.

Thời gian tới, thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, để có sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, Thủ tướng yêu cầu cần phải có sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế một cách thực chất với nhiều chính sách về nguồn lực tài chính, con người, cơ chế giám sát...

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người có nhu cầu học tập đều được đáp ứng, thỏa mãn, hỗ trợ người yếu thế, người hết tuổi lao động, người nội trợ... được học tập suốt đời. Huy động sự chung tay đóng góp của toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp về nguồn lực vật chất, ý chí và quyết tâm nhằm đột phá trong xã hội học tập, khuyến khích phát triển bình đẳng đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt công lập, ngoài công lập, không phân biệt liên doanh, liên kết...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần xây dựng và phát huy hiệu quả các quỹ, hương ước tại các cộng đồng, cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh học tập suốt đời. Thực hiện tốt các chương trình đẩy mạnh phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa... Bên cạnh đó, có hình thức khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt, hiệu quả, các tấm gương sáng đến mọi người, đến cộng đồng, phổ biến những cách làm hay, hiệu quả để khích lệ tinh thần nhà nhà học tập, người người học tập, xã hội học tập, huyện học tập, tỉnh học tập và cả nước học tập...

Việc học tập sẽ góp phần xây dựng và phát triển đất nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp mỗi người không tự ti, không tự mãn, để xây dựng đất nước ngang tầm với các nước phát triển, học tập để chứng minh dân tộc Việt Nam không thua kém bất cứ đất nước nào, sức mạnh của dân tộc bắt nguồn từ tri thức và văn hóa.

Các đại biểu đại diện các ban, ngành tham dự lễ phát động tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập cho các giai đoạn 2005 – 2010, 2011 – 2020 và 2021 – 2030. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy còn những hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa đúng mức. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...

Để tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết, tác động và ích lợi của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, cần triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

Lễ phát động có sự tham gia của các ban, ngành trong toàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu hưởng ứng tại lễ phát động, đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã nêu bật những kết quả đã đạt được của tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” và triển khai phong trào “Chống mù chữ - Phổ cập giáo dục”. Nhờ đó, số người trong độ tuổi 15- 35 biết chữ đạt tỷ lệ 99,7%; 100% huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2...
Phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng nghề trong lực lượng lao động được quan tâm, 76% lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng; tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn ngày càng tăng; lao động qua đào tạo của tỉnh cuối năm 2022 đạt 67,7%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 27,4%...

Mỹ Hà