Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thành Duy 12/06/2023 19:22

(Baonghean.vn) - Chiều 12/6, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất; giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Toàn cảnh phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất; giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và một số sở, ngành và địa phương.

DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP LỚN NHẤT CẢ NƯỚC

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích được quy hoạch trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi khai mạc phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Theo kết quả cập nhật diễn biến tài nguyên rừng năm 2022, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh hơn 962.230 ha (rừng tự nhiên là gần 789.934 ha; rừng trồng hơn 172.296 ha); và diện tích rừng trồng chưa thành rừng vào khoảng 51.844 ha. Độ che phủ rừng năm 2022 đạt 58,36%.

Giai đoạn 2018 - 2022, Nghệ An đã giao hơn 158.611 ha rừng gắn với đất lâm nghiệp cho 22.901 hộ gia đình và 317 cộng đồng; và giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho tổ chức để quản lý và sử dụng với tổng diện tích 556.127,85 ha, trong đó, giao cho các tổ chức là Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vào khoảng 484.238 ha, giao cho các tổ chức kinh tế là gần 71.000 ha, giao cho cộng đồng thôn, bản là gần 921 ha tại huyện Quế Phong.

Đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đặt câu hỏi tại phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, kết quả giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo Đề án giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 59,68% so với Đề án được phê duyệt.

Đồng thời, kết quả giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho tổ chức để quản lý và sử dụng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, phần lớn các chủ rừng là tổ chức mới chỉ được giao quản lý, sử dụng theo quyết định thành lập, chưa bàn giao trên thực địa, chưa được đo đạc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc ranh giới theo đúng quy định.

Đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An giải trình các nội dung mà đại biểu quan tâm. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng đang đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vẫn còn thiếu so với quy định; tuy nhiên, các đơn vị vẫn phải thực hiện giảm biên chế 10% trên tổng số biên chế được giao. Tình trạng công chức, viên chức xin chuyển công tác, xin nghỉ ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ;…

Tại phiên giải trình, trên cơ sở ý kiến các đại biểu, lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng một số sở, ngành liên quan và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đã giải trình các nội dung xung quanh những bất cập, khó khăn trong giao công tác bảo vệ rừng tự nhiên nghèo kiệt; vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong giải quyết tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng và người dân vốn dĩ diễn ra tương đối phức tạp ở một số địa phương; giải pháp quản lý, kiểm soát, cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp; bố trí kinh phí để thực hiện Đề án giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm quản lý đối với hơn 40% diện tích rừng chưa được giao theo Đề án; chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ những trăn trở khi Nghệ An là tỉnh có diện tích quy hoạch rừng, cũng như diện tích rừng thực tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tỉnh lại đang gặp những khó khăn trong việc phát triển lợi thế về rừng, kinh tế lâm nghiệp. Đặc biệt là diện tích rừng lớn, nhưng diện tích để sản xuất lâm nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung lại hạn chế.

Để giải quyết vấn đề trên, theo Chủ tịch UBND tỉnh cần có sự vào cuộc từ lãnh đạo Tỉnh ủy, tham gia giám sát của HĐND tỉnh, và trách nhiệm tổ chức thực hiện của UBND các cấp trong tỉnh. Trong đó, việc Thường trực tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất; giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh là hoạt động hết sức quan trọng và cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Nhấn mạnh, qua phiên giải trình đã gợi lên được những vấn đề cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đức Trung khẳng định, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm túc các chương trình như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;…

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh giải pháp phải rà soát các quy hoạch và chuẩn hóa các diện tích rừng, nhất là phân loại 3 loại rừng để nâng cao hiệu quả trong thực hiện quy hoạch 3 loại rừng.

Đặc biệt, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về Nghệ An có giao cho bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, tỉnh đang giao các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng cho biết: UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo quy định; cũng như triển khai có hiệu quả, thực hiện có hiệu quả Đề án giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An cũng sẽ tăng cường thu hút đầu tư vào kinh tế rừng; tập trung để thực hiện xây dựng được Khu Lâm nghiệp công nghệ cao Khu vực Bắc Trung Bộ; tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý rừng và nâng cao hiệu quả của lực lượng kiểm lâm; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho các chủ rừng.

SỚM ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH 3 LOẠI RỪNG

Kết luận phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất; giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đây là vấn đề rất quan trọng, được nhân dân rất quan tâm, cử tri rất chú ý.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đánh giá cao nỗ lực trong công tác giao đất; giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần lưu ý.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở đó, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị, thời gian tới cần thường xuyên rà soát kỹ lại các hệ thống văn bản chỉ đạo của tỉnh, Trung ương trên địa bàn tỉnh. Nếu bất cập, lạc hậu, không sát với thực tiễn thì tham mưu điều chỉnh, bổ sung đối với những văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh và kiến nghị, đề xuất nếu thuộc thẩm quyền của Trung ương, để thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu tiến hành nhanh nhất có thể công tác đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; trong quá trình đó, thống nhất đưa ra khỏi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ khoảng 58.000 ha rừng như báo cáo của Sở NN&PTNT nhằm bổ sung vào diện tích rừng sản xuất để giao cho tổ chức, cá nhân; đi liền với đó là bổ sung nguồn lực để thực hiện thông qua tranh thủ tối đa các nguồn lực khác để thực hiện.

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng đề nghị đánh giá, tổng kết bài bản, nghiêm túc Đề án 4213 về giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2023; trên cơ sở đó, đề ra giải pháp cho giai đoạn mới, đặc biệt, hết sức lưu ý giải pháp tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Cùng với hình thành, phát triển Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, người đứng đầu HĐND tỉnh đề nghị lưu ý cần quan tâm kêu gọi xã hội hóa để phát triển rừng, ngành lâm nghiệp, nhất là đầu tư vào sản xuất các bộ giống cây lâm nghiệp đạt chất lượng cao để cung cấp cho nhân dân.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát trên đường tuần tra. Ảnh tư liệu: PV

Một vấn đề hết sức quan trọng cũng được Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh là công tác kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm và các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ rừng; qua đó, đề nghị Sở Nội vụ nghiên cứu để tinh giản biên chế hài hòa, phù hợp, khoa học, hiệu quả, để lực lượng bảo vệ rừng được chăm lo cả về mặt con người và chính sách.

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng đề nghị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống cháy rừng nhằm giảm thiểu mức cao nhất số lượng thiệt hại và vụ cháy; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thực hiện tốt công tác tuần tra, truy quét để giảm thiểu các vụ việc vi phạm về lâm luật; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế khác tham gia.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thống nhất đề xuất vào kỳ họp thường lệ tới đây của HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách cho chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên nghe báo cáo, xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện các thông báo kết quả phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay. Ảnh: Thành Duy

Trước đó, Thường trực HĐND tỉnh nghe báo cáo, xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện các thông báo kết quả phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, gồm 3 nội dung: Tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh; việc sắp xếp nhà, đất sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh “Quy định một số giải pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025” và việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Thành Duy