Nghệ An tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Mỹ Hà 16/06/2023 18:48

(Baonghean.vn) - Với nhiều nỗ lực, ngành Giáo dục Nghệ An tiếp tục đạt được kết quả nổi bật về chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học. Trong đó, kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế liên tục ở tốp dẫn đầu của cả nước. 

Chiều 16/6, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy ; Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Ngọc Kim Nam – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Kim Chi – Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thành, thị.

Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 29. Đặc biệt, 10 năm triển khai thực hiện cũng là 10 năm tỉnh Nghệ An thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Trong thời gian đó, giáo dục và đào tạo Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt và là một trong những tỉnh có chất lượng giáo dục và đào tạo hàng đầu. Điều này cũng đã góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, 10 năm thực hiện công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc tổ chức hội nghị tổng kết sẽ đánh giá quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết, trao đổi, thảo luận làm rõ, bổ sung thêm những nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị, giải quyết các vướng mắc để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, để Nghị quyết số 29 triển khai có hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 19 văn bản (nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch, kết luận...) để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành 22 nghị quyết quy định các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và UBND tỉnh đã ban hành hơn 70 quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa chính sách, pháp luật về giáo dục trên địa bàn tỉnh và các quyết định, chỉ thị triển khai nhiệm vụ năm học. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến kết luận về đánh giá tổng kết năm học trước và định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học tiếp theo.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực, chủ động ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, kết hợp dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Nhiều địa phương tham mưu và triển khai có hiệu quả về kế hoạch triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; dạy học tăng cường; phân luồng, hướng nghiệp; dạy học ngoại ngữ, kỹ năng sống.

Nghệ An cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về việc xây dựng, công khai và thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng đối với mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều công khai mục tiêu, chuẩn chất lượng đầu ra của từng cấp trình độ, môn học, chương trình học, ngành học, chuyển đào tạo theo khả năng của nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Với nhiều nỗ lực, ngành Giáo dục Nghệ An tiếp tục đạt được kết quả nổi bật về chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học. Trong đó, chất lượng giáo dục phổ thông đạt kết quả khá toàn diện. Kết quả, học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế liên tục ở tốp dẫn đầu của cả nước. Kết quả thi THPT Quốc gia hàng năm có sự tăng trưởng từ xếp thứ 40 (năm 2017) vươn lên thứ 20 (năm 2022). Hàng năm số học sinh thi THPT Quốc gia đạt điểm cao thuộc tốp đầu toàn quốc. Chất lượng giáo dục miền núi được nâng lên, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và số học sinh khá, giỏi tăng qua các năm. Học sinh Nghệ An tích cực tham gia và đạt kết quả cao tại hội thi, cuộc thi bổ trợ cho học tập.

Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được quan tâm và đã có chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt khá, giỏi trong các trường cao đẳng, trung cấp tăng từ 12,8 % năm 2013 lên 45% năm 2022. Tỷ lệ có việc làm chung sau đào tạo nghề nghiệp đạt 80,7% (tăng 13,7% so với năm 2013). Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 44% cuối năm 2012 lên 67,7% vào cuối năm 2022.


Chủ động, xây dựng môi trường giáo dục phát triển toàn diện

Tại hội nghị, các tham luận của các địa phương và một số ban, ngành cũng đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện thực tiễn tại cơ sở. Bên cạnh đó, cũng chỉ ra một số khó khăn, bất cập, khi Nghệ An là tỉnh có quy mô số lượng học sinh lớn, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội chưa đồng đều, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học, nhất là trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận những kết quả nổi bật của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. Bên cạnh đó, đánh giá cao vai trò của ngành Giáo dục trong công tác tham mưu, triển khai, tổ chức và bước đầu khẳng định được vị trí của giáo dục Nghệ An đối với khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các ban, ngành, địa phương cần cầu thị, nhìn nhận đúng những mặt còn hạn chế, khó khăn cản trở sự đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đó là, việc thể chế hóa các văn bản để chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của chính quyền cấp cơ sở còn ít; một số nơi vận dụng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương...

Tỉnh đã hoàn thành việc sáp nhập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhưng việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập. Chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên chưa được quan tâm đầy đủ và đúng mức. Số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng…

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu khen thưởng cho các tập thể xuất sắc. Ảnh: Mỹ Hà

Lấy dẫn chứng từ thực tế, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cũng cho rằng, một nền giáo dục kém sẽ không thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, nếu thiếu nhân lực tốt, thì sẽ tụt hậu, không thể phát triển được trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Vì thế, thời gian tới, việc quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải là sứ mệnh thiêng liêng. Để làm tốt điều này, trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị hệ thống chính trị, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển bền vững giáo dục và đào tạo thành nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn và trung hạn; làm cơ sở khoa học định hướng thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục; phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, đảm bảo phát triển bền vững giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần chú trọng quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp như: tái cơ cấu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thành Đại học Nghệ An; Ưu tiên xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, nhất là cấp tiểu học, trường phổ thông chất lượng cao, trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; Tiếp tục sáp nhập trường lớp gắn với chủ trương sáp nhập địa bàn hành chính; dồn dịch các điểm trường đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Huy động xã hội hóa xây dựng trường học ngoài công lập.

Ngành cũng cần phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo số lượng, có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm; đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường và đồng chí Bùi Đình Long khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, các cấp quản lý và cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh phát huy trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Đồng thời, cần tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, kiên trì của hệ thống chính trị và đội ngũ nhà giáo toàn tỉnh; cùng với sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân.

Tại lễ tổng kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW.

Mỹ Hà