Bột sắn dây mà ai cũng muốn mua khi đến Nam Đàn

Ngọc Khánh - Trân Châu 17/06/2023 11:04

(Baonghean.vn) - Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Nam Anh - Nam Đàn, anh Trần Đình Sơn đã sớm ấp ủ cùng bà con phát triển kinh tế từ cây sắn dây. Với cách sản xuất sạch từ gốc đến ngọn, chế biến an toàn thực phẩm, mỗi năm HTX xanh Đại Huệ bán 15 tấn tinh bột sắn và không đủ hàng để bán. 

Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp xanh Đại Huệ. Ảnh: Ngọc Khánh

Tâm nguyện tốt vực dậy cây trồng đặc sản

Theo Đông y, sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam, nôn ra máu, trĩ xuất huyết và tai ù tai điếc... Vì có nhiều tác dụng như vậy nên tinh bột sắn dây ngày càng được ưa chuộng và người tiêu dùng ở Nghệ An đã quen với địa chỉ sắn dây ở Nam Đàn - vùng quê có nhiều cây trồng này.

Sắn củ nhập về nhà máy. Ảnh: Ngọc Khánh

Vùng quê Nam Anh, huyện Nam Đàn nằm sát dưới chân núi Đại Huệ, vùng đất trù phú, đặc biệt thích hợp với sự phát triển của cây sắn dây. Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này, anh Trần Đình Sơn - GIám đốc HTX nông nghiệp xanh Đại Huệ đã sớm ấp ủ cùng bà con phát triển kinh tế từ cây sắn dây. Qua nhiều nỗ lực, kiên trì hỗ trợ bà con và chính gia đình phát triển kinh tế, hiện cơ sở sản xuất của anh được thị trường cả nước ưa chuộng, sản xuất và tiêu thụ rất ổn định.

Anh Trần Đình Sơn cho biết, từ nhỏ lớn lên trên mảnh đất này, cùng với bố mẹ, các anh, chị em sản xuất nông nghiệp, gắn bó với ruộng đồng. Ngoài cây lúa, ngô, khoai, vùng Nam Anh còn có loại nông sản đặc trưng là cây sắn dây. Loài cây này rất hợp với thổ nhưỡng đất cát pha thịt, cho năng suất cao và một thời gian dài còn là cây chống đói cho người dân bản xứ. “Theo kết quả kiểm nghiệm của Sở Khoa học và Công nghệ, củ sắn dây trồng trên vùng đất Nam Anh có nhiều đặc trưng nổi trội hơn hẳn so với trồng ở những địa phương khác. Đặc biệt là hàm lượng tinh bột và các khoáng chất, hương vị. Đây cũng là một trong những động lực để tôi theo đuổi quyết tâm xây dựng tinh bột sắn dây thành sản phẩm OCOP của tỉnh” - anh Sơn bộc bạch.

Với sự phát triển của khoa học càng tiến bộ, các nhà khoa học còn phát hiện ở củ sắn dây còn chứa nhiều dưỡng chất, nhiều tác dụng quý đối với sức khoẻ con người. Dần dà, mảnh đất Nam Anh ngày càng có nhiều hộ trồng sắn dây, đưa loài cây này trở thành đặc sản. Cùng với đó, nhiều hộ, tổ chức đoàn thể cũng đứng ra thực hiện sản xuất, kinh doanh bột sắn dây chiết xuất từ củ sắn dây.

Xưởng sản xuất bột sắn dây của HTX Nông nghiệp xanh Đại Huệ đặt tại xóm 4 (xóm 5 cũ), xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Mùa đông là mùa thu hoạch sắn dây, cơ sở nhộn nhịp thu mua sắn, rồi mài sắn, lọc sắn, phơi sắn cho tới các công đoạn quan trọng khác.

Nhận thấy tiềm năng, vốn quý của loài nông sản này, từ kinh tế hộ, năm 2019, anh Sơn được chính quyền hỗ trợ thành lập HTX, thu hút vốn và lao động, hỗ trợ người dân Nam Anh tiêu thụ nông sản quê hương, sản xuất ra sản phẩm OCOP nức tiếng với cách làm riêng. Đó là sắn dây được trồng theo quy trình VietGAP, cơ sở chế biến được kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, tinh chất nguyên chất, sạch sẽ, đảm bảo kỹ thuật phơi sấy, bao gói bắt mắt, hấp dẫn.

Tinh bột sắn dây của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ được chế biến từ đặc sản của vùng đất Nam Đàn. Trong ảnh: Bột sắn dây và tinh chất chanh leo. Ảnh: Ngọc Khánh

“Thời gian đầu khá khó khăn khi mình tôi phải lăn lộn trực tiếp đi liên hệ, giới thiệu sản phẩm và kết nối các đầu mối tiêu thụ. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ, đồng hành cùng với bà con - những đối tác của tôi trong chăm sóc chất lượng cây sắn dây cũng mất nhiều thời gian, tâm huyết. Đến nay, hầu hết nguyên liệu người dân Nam Anh sản xuất ra, có nhu cầu bán HTX đều thu mua theo giá thị trường” - anh Sơn chia sẻ.

Cách làm của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ không chỉ dừng lại ở việc quảng bá nông sản, bán sản phẩm bột sắn dây ra thị trường, mà còn là hỗ trợ người dân sản xuất ra nguyên liệu đạt chất lượng cao nhất.

Cụ thể, cây sắn dây thu hoạch bắt đầu từ tháng 10 hàng năm. Sau khi thu hoạch xong, hợp tác xã sẽ cung cấp cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để người dân tái sản xuất. Mọi chi phí đầu tư trồng trọt hợp tác xã đều cho vay không lấy lãi.

“Đến mùa thu hoạch, người dân bán sản phẩm cho hợp tác xã. Chúng tôi thu mua và trừ khoản chi phí vật tư bằng với giá thời điểm cung cấp. Đồng thời, trong quá trình trồng, chăm sóc cây sắn dây, hợp tác xã cũng luôn hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện đúng các khâu chăm sóc để cây sắn tươi tốt, cho năng suất cao và đạt tiêu chuẩn an toàn theo hướng nông nghiệp xanh bền vững” - anh Trần Đình Sơn cho biết.

Đến nay, mỗi mùa vụ thu hoạch củ sắn dây, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ tiêu thụ khoảng 150 - 200 tấn sắn tươi của người nông dân chủ yếu ở địa bàn xã Nam Anh và một số ít ở các xã lân cận.

Ngoài ra, hợp tác xã thành lập thường xuyên có 7 lao động được trả mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Những lúc cao điểm mùa sản xuất, hợp tác xã còn thuê thêm nhân công người địa phương.

Chất lượng sản phẩm là sống còn trong hội nhập

Thời gian đầu, sản phẩm của hợp tác xã chỉ tập trung một loại là tinh bột sắn dây nguyên chất. “Quá trình sản xuất luôn đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật. Đặc biệt là khâu lắng lọc. Loại nước để lắng tinh bột cũng phải đảm bảo sạch và quy trình lắng lọc phải qua 8 - 10 lần” - anh Trần Đình Sơn cho biết.

Mỗi củ sắn dây rời đồng đất quê hương, đến xưởng sản xuất được rửa sạch vỏ, xay nhỏ và lắng qua 10 lần nước, chỉ chắt chiu lấy tinh bột đọng lại rồi mang phơi khô trong bóng mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Những ngày thời tiết mưa lạnh thì được đưa vào tủ sấy khô. Với tần suất tiêu thụ khoảng 200 tấn sắn củ, mỗi năm hợp tác xã sản xuất được khoảng 26 tấn tinh bột sắn dây.

Ông Nguyễn Thúc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: "Hiện nay Nam Anh có 10 sản phẩm OCOP, trong đó Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ có 7 sản phẩm, trong đó chủ lực vẫn là tinh bột sắn dây. Ở Nam Anh, bột sắn dây được hầu hết các gia đình sử dụng và là vị thuốc Nam truyền thống của người dân, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người đã được nhiều thế hệ cha ông truyền lại. Các sản phẩm tinh bột sắn của Nam Anh được công nhận đạt 3 sao OCOP hiện nay không chỉ được thị trường trong huyện, trong tỉnh đón nhận, mà bà con cho biết sản phẩm này đã được bán ở nhiều thị trường ngoại tỉnh. Đối với sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ, chính quyền địa phương đang hỗ trợ hợp tác xã thực hiện các tiêu chuẩn để đạt OCOP 4 sao" - ông Quang cho biết.

Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ qua thời gian hoạt động không chỉ đóng góp cho xã Nam Anh trong xây dựng các sản phẩm OCOP, mà còn là đơn vị tạo việc làm, thu nhập cho nhiều hộ dân, góp phần làm phong phú các sản phẩm OCOP của Nam Anh, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một khởi sắc.

Bước sang năm thứ 5 Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ sản xuất, phát triển sản phẩm tinh bột sắn dây, cũng là chừng đó thời gian các thành viên hợp tác xã nỗ lực giữ chất lượng và ngày càng hoàn thiện, làm phong phú hơn mặt hàng của mình.

bna_1.jpg
Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Đại Huệ Trần Đình Sơn và vợ trưng bày các sản phẩm tại xưởng sản xuất. Ảnh: Ngọc Khánh

Từ hàng chục tấn tinh bột sắn, ban đầu hợp tác xã chỉ phát triển một loại tinh bột đóng hộp, nay dựa theo thị hiếu của thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ đã có thêm sản phẩm mới như tinh bột sắn dây vị chanh, tinh bột sắn dây vị chanh leo.

“Sản phẩm mới này tiện dụng hơn loại nguyên chất khi được trộn với tinh chất chanh hoặc chanh leo và đường theo tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ pha trộn này cũng được tôi học tập từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp và nông dân Nhật Bản thông qua các đợt tập huấn, học hỏi kinh nghiệm tại nước bạn cũng như các hội thảo của các cấp, ngành Nghệ An tập huấn” - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ cho biết.

Xưởng sản xuất của anh Trần Đình Sơn tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 lao động địa phương. Ảnh: Ngọc Khánh

Đến nay, sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ không chỉ dừng lại ở thị trường trong tỉnh, mà còn vươn ra ngoài tỉnh, đến khắp các địa phương trong nước. Và hầu như lượng sản phẩm làm ra không đủ để đáp ứng các đơn hàng. Hiện tinh bột sắn dây của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ đạt chuẩn OCOP 3 sao và đang nỗ lực để nâng hạng sao, nâng chất lượng lên tiêu chuẩn 4 sao OCOP.

Điều đặc biệt là với cái tâm, cái tầm của người sản xuất, sản phẩm tinh bột sắn dây của anh Sơn được nhiều tỉnh, thành ưa chuộng, đặt hàng, được huyện tin tưởng giới thiệu đi triển lãm tại nhiều hội chợ.

Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ có địa chỉ tại xóm 5, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.

Số điện thoại liên hệ: 0384.607.778 - 0383.621.109

Các sản phẩm hiện có của Hợp tác xã: tinh bột sắn dây đóng gói thành phẩm 0,5 - 1 kg, các loại: sắn dây vị chanh và sắn dây vị chanh leo.

Các sản phẩm khác: Trà ngũ sắc; tinh bột nghệ; viên hoàn tinh nghệ mật ong; tinh bột và viên hoàn hà thủ ô đỏ và mật ong; Bột ngũ cốc dinh dưỡng; Bột ngũ cốc dành cho bà bầu và bột ngũ cốc lợi sữa.

Ngọc Khánh - Trân Châu