Nhổ răng khôn có thể gặp biến chứng gì?

BS Lê Thị Thương 21/06/2023 15:18

Răng số 8 hay còn gọi là răng khôn thường mọc rất muộn, gây ra biến chứng gây khó chịu cho người bệnh. Việc nhổ răng số 8 là giải pháp được nhiều người lựa chọn để chấm dứt những cơn đau và các rủi ro do loại răng này đem lại.

Răng khôn khi nào cần nhổ?

Răng khôn nằm ở vị trí trong cùng của hàm, thường được biết đến với tên gọi răng khôn và chúng bắt đầu phát triển khi chúng ta bước vào độ tuổi trưởng thành (từ 17 - 25 tuổi). Răng số 8 có thể cân nhắc nếu gây nên các vấn đề sau:

- Khi mọc răng khôn khiến người bệnh bị đau nhiều, chèn ép răng số 7, nhiễm trùng nhiều lần, u nang...

- Trong trường hợp răng số 8 chưa gây biến chứng, nhưng hình ảnh X-quang cho thấy răng số 8 khi mọc có thể làm ảnh hưởng đến răng số 7.

- Khi mọc răng khôn ngầm sẽ gây viêm lợi và đau nhức dai dẳng, chỉ được phát hiện khi chụp X-quang. Hình dạng của răng khôn bất thường (dị dạng, nhỏ), hay làm dắt thức ăn, nguy cơ sâu răng và viêm nha chu do răng khôn.

- Nếu răng số 8 bị sâu hoặc mắc các bệnh lý về nha chu thì nên nhổ bỏ.

- Trong trường hợp muốn niềng răng, làm răng giả hoặc có nhu cầu chỉnh hình, hay răng số 8 là nguyên nhân dẫn đến những bệnh lý toàn thân khác… cũng cân nhắc phải nhổ.

Vì vậy, nhổ răng khôn hay không phụ thuộc vào quá trình các bác sĩ kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

a1.jpg
Răng số 8 hay còn gọi là răng khôn thường mọc rất muộn.

Nhổ răng khôn gây biến chứng gì?

Đây là câu hỏi nhiều người lo sợ khi muốn nhổ răng số 8. Việc nhổ răng số 8 là khá phổ biến và ngày nay cũng ít khi xảy ra biến chứng nhờ công nghệ máy móc đã hiện đại hơn. Tuy vậy, nhổ răng khôn vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ như sau:

- Nhiễm trùng và viêm ổ răng đã phẫu thuật: Viêm nhiễm khiến hàm và lợi bị đau âm ỉ, bốc mùi hôi, có dịch mủ trắng hoặc vàng tiết ra từ ổ răng khôn, sốt cao, sưng đau kéo dài... Điều này có thể là do sau khi nhổ răng người bệnh không biết cách vệ sinh và chăm sóc răng miệng hợp lý.

- Nhiễm khuẩn huyết: Ổ răng bị nhiễm khuẩn nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng máu với các triệu chứng như rét run, sốt cao , mạch nhanh, nhỏ...

- Dây thần kinh liên quan bị tổn thương: Triệu chứng nhận biết tổn thương dây thần kinh do nhổ răng số 8 đó là tê và ngứa vùng lưỡi, răng, môi dưới và nướu. Các biểu hiện này thường xảy ra trong khoảng thời gian khá ngắn, ít có trường hợp bị vĩnh viễn.

- Nhổ răng số 8 có thể gây ra một số biến chứng nếu người bệnh không chăm sóc vệ sinh đúng cách.

Nhìn chung để phòng tránh và hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng sau khi nhổ răng số 8, người bệnh cần phải kiểm tra một cách kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật. Đồng thời tuân thủ theo đúng hướng dẫn chăm sóc răng miệng sau khi nhổ.

a2.jpg
Nhổ răng số 8 tuy là một phẫu thuật phổ biến được nhiều người thực hiện nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định. Ảnh minh họa.

Sau khi nhổ răng số 8 cần lưu ý những gì?

Dưới đây là một số lưu ý cần thiết cần ghi nhớ khi nhổ răng số 8:

- Nhổ răng xong không nên nói chuyện hoặc cử động cơ hàm nhiều, vì sẽ làm máu chảy ra nhiều hơn. Ngoài ra, không dùng ngón tay, lưỡi hay đồ vật, dụng cụ nào để đụng chạm đến vết thương.

– Sau nhổ răng số 8 không khạc nhổ để tránh làm tổn thương cục máu đông đang hình thành, tốt nhất là nên nuốt nước bọt.

- Sau nhổ răng số 8 để giảm sưng và cầm máu nhanh, có thể chườm đá bên ngoài má. Mỗi lần chườm từ 10 - 20 phút.

- Dùng thuốc giảm sưng, giảm đau : Việc nhổ răng số 8 sẽ khiến hàm bị phù nề và đau, vì thế nên uống thuốc chống viêm, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

- Sau khi nhổ răng số 8 nên vệ sinh răng miệng bằng nước muối ấm: Súc miệng nhẹ và chậm, thực hiện sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Trong vòng 24h đầu sau khi nhổ răng bạn đã có thể chải răng và nhớ làm sạch cả lưỡi. Tuy nhiên, cần tránh khu vực vừa nhổ răng ra.

- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Trong 2 ngày đầu sau khi nhổ răng, tốt nhất bạn không nên tham gia hoạt động thể chất, chỉ nên nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và kê đầu cao hơn bình thường một chút.

Chế độ ăn sau khi nhổ răng số 8

- Sau nhổ răng số 8 nên ăn thức ăn được chế biến mềm, nhừ, dễ nhai dễ nuốt. Tránh đồ cứng, quá nóng hoặc quá lạnh, đồ giòn, thức ăn dính răng, đồ uống có cồn, cafein, nước ngọt... vì chúng sẽ gây tổn thương cho vết thương.

- Sau nhổ răng khôn không được bỏ bữa, cần phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng . Sau vài ngày nên chuyển dần từ thức ăn mềm, lỏng sang thức ăn đặc và cứng hơn.

- Sau nhổ răng khôn không nên uống rượu bia và hút thuốc lá trong vòng ít nhất 24h sau khi nhổ răng.

Tóm lại, Nhổ răng khôn tuy là một phẫu thuật phổ biến được nhiều người thực hiện nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định. Sau khi nhổ nếu xảy ra hiện tượng bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ và đi khám lại ngay. Điều quan trọng cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện, đồng thời sau khi phẫu thuật cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để tránh rủi ro gặp phải các biến chứng nguy hiểm./.

BS Lê Thị Thương