Châu Âu kêu gọi đóng góp thêm 66 tỷ euro cho Ukraine

Mạnh Hà 21/06/2023 15:21

 Uỷ ban châu Âu (EC) hôm qua đã kêu gọi các nước thành viên đóng góp thêm 66 tỷ euro cho ngân sách tài khoá chung trong vòng 4 năm tới để giải quyết những khó khăn về kinh tế và chính trị hiện nay, nhất là tỷ lệ lạm phát phi mã, lãi suất tăng cao cũng như các gói tài trợ ồ ạt dành cho Ukraine.

Phát biểu tại phiên họp báo, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu bà Usurla Von der Leyen nhận định châu Âu và các quốc gia thành viên đã phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong 3 năm qua, nổi bật trong đó là đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Đây là những nguyên nhân khiến cho giá năng lượng nhảy vọt, lạm phát phi mã và lãi suất tăng cao tại châu Âu.

Chu tich EC- ba Ursula von der Leyen.jpeg.jpg
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu bà Usurla Von der Leyen. Ảnh: Reuters

Uỷ ban châu Âu đã phải tăng cường sử dụng ngân sách để đối phó với các cuộc khủng hoảng ngoài dự kiến này, đặc biệt là tài trợ cho Ukraine số tiền kỷ lục khoảng 30 tỷ euro.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu bà Usurla Von der Leyen nhấn mạnh ngân sách tài khoá của châu Âu giai đoạn 2021-2027 sẽ cần thêm 66 tỷ euro để có thể ứng phó với các thách thức lớn trong vòng 4 năm tới:

“Thế giới đã thay đổi sâu sắc kể từ năm 2020, thời điểm mà chúng ta ấn định mức ngân sách hiện nay. Vậy nên, tôi muốn đưa ra một đề xuất mới có tính mục đích cao, tập trung và thực sự thiết yếu vào 3 vấn đề: thứ nhất là cuộc khủng hoảng Ukraine, thứ 2 là nhập cư và những thách thức từ bên ngoài và cuối cùng là duy trì khả năng cạnh tranh của châu Âu”.

Người đứng đầu Uỷ ban châu Âu cho biết sẽ dành phần lớn ngân sách bổ sung dự kiến để lập một quỹ dự phòng tài chính trị giá 50 tỷ euro phục vụ các chương trình cho vay cũng như viện trợ cho Ukraina trong việc tái thiết đất nước và phục hồi nền kinh tế.

Ưu tiên thứ hai là dành 10 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư, trong đó đặc biệt tập trung vào vấn đề tăng cường quản lý biên giới châu Âu và hỗ trợ các quốc gia như Tunisia, Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các khó khăn kinh tế để ngăn chặn dòng người di cư xâm nhập vào châu Âu.

Phần còn lại khoảng 6 tỷ euro sẽ được sử dụng để thúc đẩy tài trợ cho các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như số hoá, chuyển đổi xanh và công nghệ sinh học.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu bà Usurla Von der Leyen thừa nhận đây là số tiền lớn và khó có thể đạt được sự đồng thuận ngay lập tức trong bối cảnh ngân sách các quốc gia thành viên cũng đã thâm hụt nhiều do các cuộc khủng hoảng nói trên.

Để giảm bớt áp lực, Uỷ ban châu Âu cũng đang hy vọng về các nguồn thu mới hàng năm như khoảng 7 tỷ euro từ việc cải cách thị trường carbon, 1,5 tỷ euro thu từ việc đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu và nhất là 16 tỷ euro thu từ thuế lợi nhuận doanh nghiệp./.

Mạnh Hà