Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Đến hẹn lại ... lo!

Tiến Hùng 24/06/2023 07:16

(Baonghean.vn) - Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp cũng như các ngành liên quan ở Nghệ An đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn không như mong muốn.

Vẫn còn “học bơi trên giấy”

Buổi sáng 21/6, không thấy đứa cháu nội mới hơn 1 tuổi ở đâu, người đàn ông ở xóm Đội Cung, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ) hốt hoảng đi tìm. Trước nhà người này là một cái ao rất sâu, nhưng không được rào chắn cẩn thận. Nghi có chuyện chẳng lành, ông liền lặn xuống ao tìm thì phát hiện cháu nội đã tử vong. Đây là một trong những vụ đuối nước mà nạn nhân là trẻ em xảy ra mới nhất ở Nghệ An.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 17 vụ đuối nước khiến 20 trẻ em thiệt mạng. Trong những năm gần đây, gần như năm nào trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng có trên 50 trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh là vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, song tai nạn thương tích, đuối nước hàng năm vẫn diễn ra, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em, học sinh. Một trong những nguyên nhân đầu tiên đó là hầu hết các em đều không biết bơi. Theo một thống kê của UBND tỉnh Nghệ An vào năm 2022, toàn tỉnh có hơn 870.000 trẻ em, tuy nhiên, chỉ có khoảng 29.000 trẻ em trong số này biết bơi. “Muốn giảm thiểu tai nạn đuối nước đau lòng xảy ra thì trước tiên các cháu phải biết bơi. Dù thực tế có một số trường hợp biết bơi nhưng vẫn tai nạn đuối nước, tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp. Vì vậy, phải đầu tư làm thế nào tăng tỷ lệ học sinh biết bơi an toàn lên” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nói trong một cuộc họp về phòng, chống đuối nước cách đây không lâu.

ab1.jpg
Một trong những trường học hiếm hoi có bể bơi để dạy cho học sinh. Ảnh tư liệu

Hầu hết trong số các em biết bơi đều được gia đình, bạn bè dạy. Số lượng các em được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, được học bơi từ nhà trường còn hạn chế. Trong khi đó, điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là bể bơi còn ít so với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn xã hội (toàn tỉnh mới có 127 bể bơi). Còn đối với trong trường học, thống kê gần đây nhất cho biết, trên toàn tỉnh cũng chỉ mới có được 56 bể bơi, trong đó, chỉ có 8 bể bơi cố định, còn lại là bể bơi di động.

Có thể thấy, ngoài việc thiếu kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi, thì một trong những nguyên nhân nữa đó là việc quản lý và giáo dục con em trong việc phòng, chống chống tai nạn thương tích, đuối nước của các gia đình nhìn chung còn lỏng lẻo; cá biệt có gia đình còn lơ là để xảy ra đuối nước thương tâm ngay chính trong khuôn viên của gia đình. Nhiều bậc phụ huynh vẫn coi nhẹ việc cung cấp cho con các kỹ năng cần thiết như học bơi, học kỹ năng thoát hiểm,…

Trong khi đó, môi trường sống tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Mặt khác, việc xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất, đá tràn lan, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố, ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào, không có người trực cảnh báo và ngăn chặn.

Cùng với đó, sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt: công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và chưa hiệu quả; việc phân công người trực, quản lý ở những khu vực nguy hiểm chưa cụ thể và thường xuyên; điều kiện và phương tiện để sẵn sàng cứu nạn chưa đảm bảo; việc triển khai công tác phổ cập môn bơi chưa được thực hiện đồng loạt trong toàn tỉnh; việc phân công nhiệm vụ thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước giữa các đơn vị còn chồng chéo.

ab2.jpg
Số lượng trẻ em ở Nghệ An biết bơi còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Ảnh tư liệu

Cần sớm phát huy hiệu quả các bể bơi

Là địa phương nằm sát bên dòng sông Lam, hầu như mỗi chiều tại xã Đại Đồng (Thanh Chương) đều có từng đoàn trẻ em rủ nhau ra sông để tắm mát. Đó cũng là nỗi lo luôn đau đáu đối với nhiều bậc phụ huynh cũng như nhà trường và chính quyền địa phương ở đây.

“Vào dịp Hè, hầu như chiều nào ở ngoài sông cũng rất đông đúc trẻ em, học sinh ra tắm mát. Trong khi đó, đoạn sông Lam chảy qua địa bàn lại thường xuyên khai thác cát, để lại những xoáy ngầm dưới lòng sông rất nguy hiểm. Đó là nỗi lo lớn nhất của chúng tôi”, thầy Nguyễn Cảnh Thành – Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng nói. Trong khi đó, trên địa bàn xã cũng đã được đầu tư, xây dựng 1 bể bơi cố định, nhưng lại bỏ hoang không sử dụng suốt nhiều năm qua. Theo đó, bể bơi được xây dựng từ năm 2017, do các đoàn viên trên địa bàn xã kêu gọi quyên góp để làm nơi vui chơi, dạy bơi cho trẻ em. Nhưng hoạt động được một thời gian ngắn, bể bơi này đã phải ngừng. Theo lãnh đạo xã, nguyên nhân là do bể bơi này chưa được cấp phép hoạt động.

Nhìn chung trên địa bàn tỉnh bể bơi vốn đã thiếu, lại thêm nhiều cái không được sử dụng sau khi xây dựng hoặc hoạt động không hiệu quả. Đó chính là thực trạng chung đáng buồn hiện nay. Tại các trường học trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, chỉ có mỗi Trường THCS Mai Hùng được đầu tư bể bơi, nhưng cũng hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chỉ vì nhà trường thiếu nguồn lực để vận hành cũng như các cơ chế quản lý, giám sát.

bna_aa2.jpg
Bể bơi tại Trường THCS Nghĩa Hội. Ảnh: Tiến Hùng

Còn tại huyện Nghĩa Đàn, Trường THCS Nghĩa Hội được huyện đầu tư, xây dựng 1 bể bơi cố định từ 6 năm trước. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, bể bơi này cũng hoạt động cầm chừng, số lượng học sinh được học bơi tại trường vì thế không nhiều. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hội – thầy giáo Lương Hữu Bình, thì mỗi năm sau dịp tổng kết, nhà trường cũng chỉ tổ chức dạy bơi cho các em trong chưa đầy 1 tháng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên cũng chỉ “năm dạy, năm không”. Như dịp Hè năm nay, do giáo viên bận, nên nhà trường đã không tổ chức dạy bơi cho học sinh, vì thế mà bể bơi đành bỏ không.

“Trong trường có nhiều giáo viên biết bơi, nhưng không phải ai cũng biết dạy bơi. Ngoài ra, do không có nhân viên y tế nên mỗi lần dạy bơi phải nhờ cán bộ y tế từ trạm qua. Mỗi buổi dạy bơi, các giáo viên cũng chỉ đủ sức khỏe để dạy trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vì thế, mỗi năm học, nếu đưa vào hoạt động cũng chỉ có thể dạy được chưa đến 50 em. Trong khi, nhà trường có hơn 400 học sinh”, thầy giáo Lương Hữu Bình nói thêm.

bna_aa1.jpg
Số lượng bể bơi ở Nghệ An còn rất thiếu. Ảnh tư liệu

Để việc dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả, thầy giáo Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên. “Trước tiên, cần phải có hướng dẫn các trường đã có bể bơi vận hành chúng một cách hiệu quả, phải có cơ chế hoạt động rõ ràng, cụ thể. Thứ hai, là sở cần phải tổ chức các đợt tập huấn, rồi cấp chứng chỉ dạy bơi cho các giáo viên. Vì không phải cứ biết bơi là có thể dạy bơi. Do thực trạng hiện nay bể bơi trong trường học còn quá ít, nên sau khi cấp chứng chỉ cho các thầy, cô, thì theo tôi, sở cần tập hợp lại đội ngũ này, liên kết với các trung tâm văn hóa để tổ chức dạy bơi cho các em vào dịp Hè. Phụ huynh sẽ đóng một ít kinh phí để trả tiền thuê bể bơi”, thầy giáo Hồ Tuấn Anh nói.

Tiến Hùng