Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các địa phương đạt 6,32%

Phạm Bằng 28/06/2023 17:14

(Baonghean.vn) - Tính đến ngày 15/6, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các địa phương đạt 6,32%, trong đó, có 16 địa phương chưa giải ngân vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương.

Chiều 28/6, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023. Đồng chí Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính chủ trì.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện các sở, ngành, địa phương: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Y tế, Du lịch, Giao thông Vận tải, và TX.Hoàng Mai.

bna_IMG_5111.jpg
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn cấp phát là hơn 16.000 tỷ đồng, được phân bổ cho 50/63 địa phương; Vốn vay lại là hơn 18.000 tỷ đồng, được phân bổ cho 57/63 địa phương. Tính đến ngày 15/6, số kế hoạch vốn đã phân bổ và nhập Tabmis là hơn 27.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/6, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các địa phương đạt 6,32%, trong đó, nguồn cấp phát từ ngân sách Trung ương đạt 8,2%; nguồn vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đạt 4,7%. Có 8/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%; 16/50 địa phương chưa giải ngân vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các địa phương đạt thấp hơn so với khối các bộ, ngành. Vướng mắc chính là khâu triển khai điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện và sử dụng vốn dư.

bna_IMG_5109.jpg
Đại diện các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Mặt khác, một số dự án đang đấu thầu, giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng giải ngân; biến động giá cả các loại vật liệu xây dựng gây khó khăn cho thi công. Nhiều dự án vướng mắc trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh do thiết kế phát sinh, ảnh hưởng chính sách.

Đối với Nghệ An, năm 2023, kế hoạch vốn nước ngoài ODA được Thủ tướng Chính phủ giao là gần 296 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ và giao chi tiết, nhập Tabmis được 100% cho 6 dự án. Bên cạnh đó, kế hoạch năm 2022, kéo dài sang năm 2023 là 4 dự án, với hơn 94 tỷ đồng. Tổng vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2023 của tỉnh Nghệ An là 264 tỷ đồng và đã giao chi tiết đạt 100%, nhập Tabmis gần 90 tỷ đồng.

Đến ngày 20/6, tỉnh đã giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương hơn 40 tỷ đồng, đạt 13,75% kế hoạch. Các dự án mới được kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 chưa thực hiện giải ngân. Vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng, đạt 3,8%.

bna_IMG_5128.jpg
Đại diện các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn. Đại diện các bộ, ngành Trung ương đã trao đổi, giải đáp những vướng mắc của các địa phương.

Kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay vốn nước ngoài, vay ưu đãi nước ngoài.

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân; trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay.

m94a265120230628115209.jpg
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long kết luận hội nghị. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam

Ông Trương Hùng Long nêu rõ, các chủ dự án cần tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai.

Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi.

Phạm Bằng