Bố mẹ thích gì?
(Baonghean.vn) - Bạn biết rõ những người bạn thân của mình thích gì, người yêu thích gì, sếp của bạn thích gì, nhưng bạn không biết bố mẹ của mình thích gì!
Đó là sự thật. Chúng ta luôn mải miết tìm cách kết nối với cả thế giới mà quên rằng với bố mẹ, bạn chính là cả thế giới. Chúng ta luôn nghĩ còn nhiều thời gian để về với bố mẹ, để chuyện trò và thấu hiểu bố mẹ hơn, mà quên rằng tóc mẹ cha đã bạc, thời gian chẳng còn lại nhiều, đến khi giật mình thảng thốt quay lại thì tất thảy đã muộn màng rồi…
Hôm nọ, một người bác đến chơi nhà tôi, kể câu chuyện cười ra nước mắt. Tuần trước, nhà bác có khách đến chơi. Bữa ăn đãi khách thịnh soạn, trong đó có món cá hấp dưa. Trò chuyện qua lại vui vẻ, đột nhiên vị khách nữ để ý thấy bác gái cứ bận rộn chăm sóc, hỏi han, gắp món cho người này người kia mà chưa ăn được miếng nào ngon, bèn nhiệt tình thúc giục: Chị ơi, chị cứ mặc kệ bọn em! Món cá hấp này ngon thật đấy chị ạ, chị tranh thủ ăn đi cho nóng.
Con trai của bác năm nay đã học đại học năm 2, nghe vậy bèn nhanh nhảu tiếp lời: Mẹ cháu không thích ăn thịt cá đâu cô ạ. Mẹ cháu chỉ thích gỡ đầu cá với xương cá thôi! Cả bàn ăn bỗng lặng phắt, rồi chốc lát lại cười cười nói nói hùa theo câu trả lời vô tư của chàng trai trẻ, chỉ có bác gái lặng lẽ với nụ cười gượng gạo trên môi mà trong lòng đắng chát. Bác kể với tôi, nào có ai thích ăn xương xẩu, chỉ là do thói quen nhịn nhường cho chồng, cho con nên mới nói tránh ra như thế, còn con thì hồn nhiên, lớn rồi cũng chưa thấu lòng cha mẹ.
Chuyện “mẹ cháu chỉ thích gỡ đầu cá với xương cá thôi” chắc hẳn không phải là ngoại lệ. Nhìn quanh ta, nhìn chính ta, hẳn rằng cũng có những câu chuyện thể hiện nhận thức, hiểu biết ngô nghê về mẹ cha như thế. Thói thường, đấng sinh thành “nước mắt chảy xuôi”, muôn sự đều đặt con lên hàng đầu, luôn nhận về mình những thiệt thòi, tủi cực, mệt mỏi, nén chặt nỗi niềm vào thẳm sâu để dành cho con tất thảy điều tốt đẹp nhất.
Bố mẹ thường nói: Mẹ không thích cái này; Bố không thích cái kia; Như vậy là được rồi; Mẹ thấy ổn rồi không cần thêm gì nữa…, nhưng làm người ai mà chẳng có mong cầu khát vọng, chỉ là mẹ cha đã quen ẩn giấu chúng đi, lờ đi nỗi mong muốn của bản thân mình, vì sợ con buồn, con tốn kém, con mệt mỏi…, vì nhường nhịn để con được ăn ngon, mặc đẹp, được bằng bạn bằng bè.
Từ bé đến lớn, con cái đã quen với hình ảnh mẹ cha tiết kiệm, gần như cả năm chẳng mua sắm gì cho bản thân, thấy gì cũng chê, cũng tiếc, lâu dần hình thành nên suy nghĩ cha mẹ mình chẳng thích, chẳng thiết gì cả; do vậy, ta cũng vô thức lãng quên đi nhu cầu của họ. Ta lớn lên, mải miết chinh phạt những phương trời xa, tình yêu và nỗi nhớ mẹ cha lưu dấu trong tim, nhưng biết bao bận mải cứ cuốn trôi đi, để rồi dần dà thưa vắng những lần về thăm cha mẹ. Ta luôn nghĩ thời gian còn nhiều, không về với cha mẹ lần này thì còn lần khác, nhưng chuyến du lịch với cơ quan đã lên lịch rồi không thể trễ, bạn bè có việc đột xuất cần đến mình cũng chẳng thể chối từ… Ta nhìn lại đi, có phải dường như tất cả đều không thể bỏ qua, chỉ riêng mẹ cha là luôn có thể lùi lại phía sau chờ đợi?
Rốt cuộc, trưởng thành là hành trình đẩy ta về phía trước, cũng đẩy ta ngày càng xa bố mẹ. Khi ta lớn lên, dường như cách ứng xử giữa bố mẹ với con cái có sự “đổi vai”: chúng ta càng ngày càng mạnh bạo, bố mẹ càng ngày càng dè dặt; chúng ta luôn bận rộn, bố mẹ trở thành người ngóng chờ; dần dà hình thành nên khoảng cách như có như không giữa cha mẹ và con cái. Khoảng cách ấy chỉ có thể được kéo gần bằng việc sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mỗi người. Và trước hết, có thể bắt đầu bằng tự hỏi: Bố mẹ mình thích gì?