Giá cà phê trong nước giảm mạnh; Sầu riêng Thái cạnh tranh với hàng Việt

Việt Phương (Theo Congthuong.vn/Vietnamnet.vn) 30/06/2023 06:55

(Baonghean.vn) - Giá cà phê trong nước giảm mạnh; Giá lúa gạo ổn định, giá phụ phẩm bật tăng; Khách có tâm lý chờ vụ mới, giá tiêu cao nhất 70.000 đồng/kg; Sầu riêng Thái cạnh tranh với hàng Việt... là những thông tin về thị trường hôm nay

Giá cà phê trong nước giảm mạnh

Giá cà phê hôm nay 30/6/2023 ở thị trường trong nước giảm từ 800 - 900 đồng/kg, dao động ở mức 65.600 - 66.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 65.500 – 65.600 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg.

Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 65.700 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk giảm 900 đồng/kg, ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 65.700 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 65.800 đồng/kg.

cf.jpeg
Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao nhất là 66.000 đồng/kg, giảm 900 đồng/kg.

Giá cà phê thế giới trên hai sàn tiếp tục lao dốc khi USD Index bất ngờ tăng vọt.

Thông tin bên lề, ngày 5/7, lô container cà phê đặc sản đầu tiên của của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Nhật Bản là thị trường lớn của cà phê Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 48,68 nghìn tấn, trị giá 128,57 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản ở mức 2.641 USD/tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá lúa gạo ổn định, giá phụ phẩm bật tăng

Giá lúa gạo hôm nay 30/6 tại thị trường trong nước tiếp tục khởi sắc khi giá gạo xu hướng tăng còn giá lúa duy trì ổn định; riêng giá một số loại phụ phẩm như tấm, cám tăng nhẹ.

Ghi nhận tại kho An Giang giá lúa hôm nay tiếp đà đi ngang. Cụ thể, lúa IR 50404 tươi được thương lái thu mua ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg. Lúa OM 5451 duy trì mức 6.300 - 6.500 đồng/kg. Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa Nhật trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 18 giá 6.800 đồng/kg; Lúa Nàng Hoa 9 khoảng 6.600 - 6.800 đồng/kg.

Nếp Long An (khô) tiếp tục giữ ổn định 7.700 - 7.900 đồng/kg. Nếp khô dao động quanh mốc 7.400 – 7.600 đồng/kg. Lúa Nàng Nhen (khô) có giá là 13.000 đồng/kg.

2457_lua2.jpeg
Tại các địa phương khác trong vùng như Long An, Cần Thơ… giá lúa cũng không có biến động nhiều.

Đối với gạo nguyên liệu và thành phẩm vẫn xu hướng tăng nhẹ. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 HT dao động quanh mức 9.950-9.970 đồng/kg. Gạo thành phẩm IR 504 có giá 11.250-11.300 đồng/kg.

Đối với phụ phẩm, hiện tấm IR 504 được chào bán ở mức 9.600 - 9.650 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg và cám khô dao động quanh mốc 7.500 - 7.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu giữ ổn định sau phiên điều chỉnh tăng nhẹ vào hôm qua. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 508 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 488 USD/tấn và gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn.

Hiện đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu gạo, buộc doanh nghiệp của Việt Nam phải có những chiến lược bài bản để duy trì và giữ thị phần.

Đồng thời chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống; chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo.

Khách có tâm lý chờ vụ mới, giá tiêu cao nhất 70.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 30/6/2023 tại các thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm từ 500-1.000 đồng so với hôm qua. Hiện giá tiêu cao nhất ở mức 70.000 đồng/kg.

Như vậy sau hai ngày liên tiếp điều chỉnh giảm, giá tiêu hiện ở mức khá thấp, trong đó giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên thấp nhất. Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) chỉ còn 67.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay cũng giảm còn 68.000 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg).

Tương tự, giá tiêu tại khu vực Đông Nam bộ cũng giảm 1.000 đồng/kg. Trong đó tại tỉnh Bình Phước hiện thương lái thu mua tiêu ở mức 69.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai giảm còn 68.500 đồng và tại Bà Rịa Vũng Tàu giảm còn 70.000 đồng/kg.

tiêu.jpeg
Giá tiêu cao nhất 70.000 đồng/kg.

Lý giải việc giá tiêu giảm, giới kinh doanh hồ tiêu cho biết, xuất phát từ việc các thị trường truyền thống và trọng điểm của hồ tiêu Việt Nam như EU, Trung Quốc tục trầm lắng khi khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp diễn. Hiện khách mua hàng có tâm lý chờ vụ mới từ Indonesia vào tháng 7.

Trên thị trường thế giới, theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch gần nhất thì giá tiêu hiện ổn định sau hai phiên điều chỉnh tăng nhẹ.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2023 của Việt Nam đã cơ bản kết thúc với sản lượng ước đạt khoảng gần 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, giá tiêu có xu hướng tăng nhưng trong những ngày gần đây giá đã giảm mạnh và nhiều địa phương trượt mốc 70.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại dù người dân vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên, chưa đủ hấp dẫn họ tái trồng tiêu vụ mới trong bối cảnh phải cạnh tranh với các loại cây khác cạnh tranh hơn về lợi nhuận.

Sầu riêng Thái Lan cạnh tranh với hàng Việt

Thái Lan và Việt Nam đang là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Người Thái liên tục có những bước đi mới để tăng sức cạnh tranh với hàng Việt, giữ vững thị phần tại thị trường 1,4 tỷ dân.

Sầu riêng Thái Lan "phủ sóng" tại Trung Quốc nhiều năm nay. Nhờ đó, nông dân xứ chùa Vàng thu về vài tỷ USD/năm. Song, từ giữa tháng 9/2022, Việt Nam bắt đầu đưa sầu riêng sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Thái Lan có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường này.

sr-1685520220-7985-1685520566.jpeg
Năm nay xuất khẩu sầu riêng bội thu nhờ thị trường Trung Quốc.

Từ đó đến nay, đơn hàng sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bùng nổ, có thời điểm cung không đủ cầu, tiền thu về tăng đột biến. Năm 2022, sầu riêng đem về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm 2021. Đây cũng là năm quả sầu riêng lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu.

Sự đổ bộ của sầu Việt vào thị trường Trung Quốc khiến người Thái bất an. Tháng 3, khi chính thức bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, Thái Lan quyết định nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái.

Theo chuyên gia bảo vệ thực vật, chất khô trong quả tăng thì nước ít đi. Như vậy quả sầu riêng sẽ chắc và ngon hơn. Đây là một động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc. Nước này cũng mở tuyến vận chuyển đường sắt Thái Lan - Lào - Trung Quốc để đưa sầu riêng sang Trung Quốc trong khoảng thời gian nhanh và tiết kiệm chi phí nhất.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giúp Thái Lan thu về khoảng 3,5 tỷ USD năm ngoái. Song, Thái Lan cũng chịu áp lực khi sầu riêng Việt thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc.

Về phía sầu riêng Việt, không chỉ có Thái Lan, nước ta còn phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Malaysia, Philippines. Do đó, ngoài đáp ứng các vấn đề về an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc, cũng cần có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sầu riêng xuất khẩu giống Thái Lan đang làm. Đồng thời, chú trọng vấn đề giống, thương hiệu sản phẩm…

Việt Phương (Theo Congthuong.vn/Vietnamnet.vn)