Giáo viên Nghệ An nhận định về đề thi 2 tổ hợp
(Baonghean.vn) - Đề thi đã thực hiện được hai mục tiêu dành cho hai đối tượng học sinh, đó là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Kết thúc các bài thi tổ hợp Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhận định về đề thi môn Lịch sử với mã đề 324 cô giáo Trần Thị Lan Anh, Trường THPT Nguyễn Sĩ Sách (Thanh Chương)cho biết: Đề có sự phân hóa và phù hợp với các đối tượng học sinh để xét tốt nghiệp và học đại học. Đề nằm trong cấu trúc của Bộ, tuy khó nhưng vẫn sát với đề thi minh họa, có tính kế thừa cách ra đề của năm trước. Với đề này học sinh không bất ngờ, trong quá trình ôn tập giáo viên đã dạy cơ bản, học sinh đã được ôn kỹ, không hoang mang khi làm bài.
Với đề này từ câu 1 đến câu 20 học sinh rất dễ dàng để lấy điểm, nhưng từ câu 30 trở đi cần phải có sự loại trừ chắc chắn.
Với đề thi này, cô giáo Trần Thị Lan Anh cho rằng, điểm Lịch sử vẫn khả quan và dễ có điểm 10. Nếu đề ở các năm trước có mức độ 50/50 thì đề năm nay ở mức độ 60/40 nằm trong tầm học sinh làm được.
Về môn Vật lý, thầy giáo Nguyễn Văn Thọ - giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) nhận định, đề Vật lý năm nay có độ phân hóa tương đối ổn, phù hợp xét tốt nghiệp THPT và các trường đại học, cao đẳng lấy căn cứ xét tuyển. Cụ thể, 30 câu đầu của đề rất cơ bản và không khó. Nếu như học sinh trung bình đặt mục tiêu tốt nghiệp và những em khá đặt mục tiêu xét tuyển đại học, thì các em sẽ thấy hài lòng với đề này, cảm thấy dễ thở.
Tuy nhiên, để lấy điểm trên 8 sẽ bắt đầu khó khăn, trong đó có 4 câu cuối mang tính vận dụng cao, rất ít học sinh có thể làm được. Trong đó, câu hỏi về con lắc lò xo (phần dao động cơ) có tính lạ, dữ liệu đưa ra “con lắc có thêm lực ma sát” ít gặp trong các dạng đề trước đó. Điều này sẽ gây khó cho thí sinh xác định hướng giải. Chỉ những học trò xuất sắc, tinh tế mới phát hiện ra vấn đề để xử lý, tìm ra đáp án.
Còn câu đồ thị của điện tuy không lạ, nhưng đòi hỏi kỹ năng giải của học trò rất cao. Các em phải nắm chắc kiến thức, hiểu rõ bản chất vật lý, tính toán chính xác thì mới đưa ra được câu trả lời.
Trong số các câu hỏi từ phần vận dụng trở lên, nhiều học sinh có thể còn gặp khó với câu hỏi về hạt nhân nguyên tử. Đây là câu được đánh giá thuộc mức độ 3+ trên tổng số 4 mức độ của đề. Tức là câu chuyển tiếp giữa phần vận dụng và vận dụng cao. Với câu hỏi này đã đòi hỏi thí sinh có tư duy cao, nhưng nếu đã từng ôn tập qua và giải dạng đề này thì không quá khó. Trong quá trình dạy học, nếu giáo viên có kinh nghiệm, chắc chắn sẽ đưa vào chương trình ôn tập, luyện đề.
Về tổng thể, đề thi môn Vật lý bám sát đề tham khảo của Bộ, trong đó có 4 câu hỏi của chương trình lớp 11, còn lại nằm trong chương trình lớp 12. Với 90% câu hỏi Vật lý 12 cũng bao phủ hết các chương, phần kiến thức. Tuy nhiên, như đã phân tích, nhiều thí sinh cảm thấy đề khá dễ nếu đặt mục tiêu không quá cao. Còn để đạt điểm 10 tuyệt đối sẽ rất ít.
Nhận xét về đề thi môn Địa lý năm nay, thầy giáo Nguyễn Minh Chiến- giáo viên môn Địa lý - Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) cho biết:
Đề thi ra kiến thức cơ bản nằm trong chương trình quy định, phân hóa rõ rệt từ câu 69 đến 80. Các câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao phần lớn tập trung ở học kì 2 lớp 12 phần các vùng kinh tế. Các câu lí thuyết ở mức vận dụng đáp án có 2 vế dẫn, câu hỏi vận dụng cao có từ 2-3 vế dẫn, điều đó gây khó khăn cho thí sinh khi chọn đáp án chính xác.
Phần kỹ năng Địa lí gồm 19 câu (15 câu Át lát, 2 câu biểu đồ, 2 câu bảng số liệu) chiếm 47,5% điểm bài thi. Khác biệt năm nay tất cả các câu hỏi Át lát chỉ hỏi nội dung trang chứ không nói rõ trang mấy (trang số). Riêng hai câu kỹ năng đặt tên nội dung biểu đồ và lựa chọn biểu đồ rất khác đề minh họa và đề các năm trước. Ở hai câu hỏi này, thầy giáo Nguyễn Minh Chiến đánh giá cao sự sáng tạo, khoa học của đề thi môn Địa lí năm nay.
Thầy Chiến nói thêm, năm nay phần câu hỏi lý thuyết hỏi rất rõ ràng, cụ thể khá giống với đề chính thức năm 2022 và đề minh họa đầu tháng 3. Về mức độ nhận thức và nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, có 2 câu kỹ năng rơi vào lớp 11 ở bài 11- Đông Nam Á.
Về cơ bản tôi thấy đề thi rất khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh phục vụ mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét kết quả tuyển sinh một số trường đại học hiện nay. Với đề thi năm nay tôi dự đoán phổ điểm môn Địa lí tăng lên dao động từ 6,0 - 6,8 điểm.
Thầy giáo Nguyễn MinhChiến- giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn)