Những bài học đắt giá cho các đội bóng tại V.League

Hoài Hoan 02/07/2023 15:25

(Baonghean.vn) - Mới đây, bóng đá Việt Nam xuất hiện một sự cố đáng tiếc đến từ CLB SHB Đà Nẵng. Sau phán quyết của Tòa án FIFA, CLB đã phải mất 72.000 USD cho CLB Banik Prievidza của Slovakia, đó là khoản chi phí đào tạo cầu thủ Phạm Thanh Tiệp.

Đằng sau câu chuyện này là một vấn đề khiến các đội bóng Việt Nam phải thức tỉnh.

Trong quá khứ, câu chuyện các CLB tại Việt Nam phải bồi thường cho các ngoại binh lẫn các CLB nước ngoài vì không am hiểu quy định của FIFA không còn là chuyện xưa nay hiếm. Điển hình trong số đó là các đội bóng như Hải Phòng, Nam Định và đặc biệt là Thanh Hóa.

bna _ FIFA giảng dạy.jpeg
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Bóng đá châu Âu tổ chức đào tạo, phổ biến kiến thức cho đại diện các đội bóng tại V.League hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: Trung Kiên

Bị phạt nặng vì ngoại binh không được giữ hợp đồng lao động

Năm 2019, FIFA ra thông cáo cho rằng, CLB Hải Phòng vi phạm quy định và phải đền bù khoảng 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) cho Stevens. Số tiền bao gồm lương thưởng, phí lót tay, lãi suất ngân hàng, phí xử kiện và phí tổn thất tinh thần cho Stevens... Theo hợp đồng, lương của chân sút 33 tuổi là 8.000 USD mỗi tháng.

Vụ việc này bắt đầu từ khi Stevens đầu quân cho Hải Phòng năm 2015 và trở thành trụ cột trên hàng công của đội bóng đất cảng. Tháng 5/2017, anh đạt được thỏa thuận gia hạn thêm 2 mùa giải (2018 và 2019). Đôi bên ký vào 4 bản hợp đồng, nhưng Stevens không được giữ bất cứ bản nào. Mãi cho đến khi ngoại binh này xin hợp đồng lao động để làm hộ chiếu cho con trai sinh ở Việt Nam, anh không được đáp ứng và lúc đó mọi chuyện mới vỡ lẽ khi Stevens đâm đơn kiện, CLB Hải Phòng dính án phạt.

Những lần mất tiền oan của CLB Thanh Hóa

bna _ FIFA.jpeg
Liên đoàn Bóng đá châu Âu phổ biến kiến thức. Ảnh: Trung Kiên

Cũng chính vì thiếu am hiểu quy định và luật của FIFA mà năm 2022, Thanh Hóa bị FIFA xử thua kiện tiền đạo Gramoz Kurtaj. Theo quyết định của tổ chức này, đội bóng xứ Thanh phải trả 42.500 USD, tương đương với khoảng gần 1 tỷ đồng cho Gramoz. Đó là khoản tiền lương mà CLB Thanh Hóa còn thiếu cầu thủ sinh năm 1991. Cụ thể, tiền lương tháng 9 là 7.500 USD, tiền thù lao từ tháng 10 là 35.000 USD. Cả 2 khoản này đều được tính thêm 5% lãi suất.

Trước đó, Thanh Hóa đã thanh lý hợp đồng với Gramoz hồi cuối tháng 8/2021. Nhưng theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, Thanh Hóa vẫn phải có trách nhiệm trả nốt 2 tháng lương còn lại cho Gramoz theo lý thuyết ngay cả khi giải dừng vì dịch Covid-19. Vậy nên, việc bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn khiến Gramoz quyết định kiện Thanh Hóa ra FIFA, để rồi phần thắng nghiêng về Gramoz.

Đáng nói, đó không phải lần đầu CLB Thanh Hóa bị FIFA xử thua. Những lần trước, Thanh Hóa phải trả 1,3 tỷ đồng đền bù cho Idrissa Sega Cisse, 4,5 tỷ đồng cho HLV Fabio Lopez cũng như 1,45 tỷ đồng cho Errol Stevens cũng liên quan đến việc thanh lý hợp đồng nhưng không trả nốt phần quỹ lương như cam kết trước đó. Ngoài ra, CLB Thanh Hóa cũng thua kiện đau vì vi phạm hợp đồng, phải đền bù 4 tỷ đồng cho ngoại binh Igor Jelic dù anh chưa đá phút nào. Không chỉ vậy, liên quan đến những vụ việc này, các đội bóng còn phải mất thêm các khoản phí rất cao cho Tòa án thể thao của FIFA.

Bị phạt vì chưa cập nhật thông tư mới của FIFA

Tháng 2/2019, CLB SHB Đà Nẵng ký hợp đồng với Phạm Thanh Tiệp, cầu thủ Việt kiều gia nhập lò đào tạo Banik Prievidza của Slovakia từ năm 12 tuổi trước khi lên đội 1 năm 17 tuổi. Phía đội bóng nghĩ rằng, mọi thứ đã xong vì quá tin tưởng người đại diện, nhưng không, FIFA phán quyết đội bóng sông Hàn phải trả 72.000 USD cho đội bóng cũ của cầu thủ này.

Bởi theo Thông tư 769 của FIFA nhằm “Khuyến khích đào tạo cầu thủ trẻ và gia tăng trách nhiệm giữa các CLB”. Khi cầu thủ ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên ở quốc gia không phải nơi anh ta đào tạo, CLB đăng ký phải có trách nhiệm chi trả khoản phí đào tạo cho đội bóng cũ.

Theo đó, khoản thanh toán dựa trên khung phân loại Liên đoàn châu lục và xếp loại CLB và nhân theo từng năm đào tạo. Ví dụ trường hợp của SHB Đà Nẵng và cầu thủ Thanh Tiệp, đội bóng của Slovakia thuộc CLB loại 3 và AFC, số tiền sẽ là 10.000 USD, nhân với 6 năm đào tạo, số tiền phải trả cho Banik Prievidza FC là 60.000 USD.

FIFA cũng quy định CLB mới có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền này trong vòng 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Vì không nhận được, đội bóng của Slovakia đã 2 lần gửi thư yêu cầu thanh toán, trước khi đâm đơn kiện lên FIFA. FIFA phán quyết rằng đội bóng sông Hàn cần hoàn thành nghĩa vụ đối với Banik Prievidza FC. Ngoài khoản phí đào tạo họ sẽ phải trả thêm 5% lãi suất mỗi năm. Vì lý do nào đó, CLB này đã không phản hồi FIFA, đồng thời bỏ qua thời hạn kháng cáo cho đến ngày 28/12/2020. Vậy nên mới có chuyện, SHB Đà Nẵng mất nguyên 72.000 USD cho 1 cầu thủ mới chỉ ra sân 3 trận.

Thiết nghĩ, trong những vấn đề này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và chính các câu lạc bộ cần ý thức hơn về việc cập nhật và chấp hành các quy định và thông tư. Bởi chỉ cần một sơ sẩy, số tiền phải bỏ ra là rất lớn, đúng nghĩa “tiền mất, tật mang”./.

Hoài Hoan