Nhiều vướng mắc trong giải ngân đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia
(Baonghean.vn) - Hiện nay, tiến độ giải ngân đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh vẫn chậm. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân, hoặc giải ngân thấp hoặc không đạt cam kết. Để đẩy nhanh tiến độ, địa phương cần được hỗ trợ gỡ các vướng mắc.
Dự án “chờ” văn bản
Tại huyện Kỳ Sơn, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023 của Chính phủ, thực hiện giải ngân đầu tư công các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ông Phạm Văn Hòa - Phó phòng Dân tộc UBND huyện cho biết, Kỳ Sơn được phân bổ kinh phí năm 2022 và 2023 là hơn 300 tỷ đồng. Song đến tháng 6/2023, nguồn vốn của cả 2 năm chỉ mới giải ngân được 25,75%. Trong đó, vốn kéo dài từ 2022 sang 2023 hơn 30 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do nhiều dự án vẫn đang phải chờ văn bản hướng dẫn, chờ các quy định cụ thể mới có thể hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp, ngành xét duyệt mới tiến hành giải ngân. Ví như Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến thời điểm ngày 30/6/2023, huyện Kỳ Sơn mới chỉ giải ngân được 3,66%.
Cụ thể, theo quy định, mỗi hộ gia đình khó khăn về nhà ở được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà, quy trình thủ tục hồ sơ thực hiện theo hình thức dự án đầu tư. Tuy nhiên, hồ sơ các dự án này hiện đang chờ hướng dẫn của UBND tỉnh thực hiện Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
“Thông tư 01/2022/TT-BXD quy định UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tham mưu UBND tỉnh ban hành 3 mẫu nhà phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để áp dụng lập hồ sơ đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đến 30/6/2023 vẫn chưa có văn bản công bố các mẫu nhà ở được phép áp dụng cho dự án, nên huyện vẫn đang chờ văn bản này để thực hiện hoàn thiện các bước thẩm định, đấu thầu” - ông Hoà cho biết.
Cũng liên quan đến Dự án 1, nội dung Nghị định 38 điều chỉnh bổ sung một số nội dung của Nghị định 07/2022 của Chính phủ về cách xử lý vốn đầu tư phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà ở hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể, chưa có định mức quy định vốn hỗ trợ nhà ở, đất ở cho người dân.
“Từ vấn đề chưa có định mức để lập hồ sơ thì chưa thể thực hiện các nội dung về hỗ trợ đồng bào chuyển đổi nghề. Bởi chỉ những hộ thiếu đất sản xuất mới được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Cho nên, ở huyện Kỳ Sơn, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất hay chuyển đổi nghề thuộc các dự án của chương trình MTQG hiện vẫn đang “chờ” văn bản hướng dẫn cụ thể. Huyện cũng đã có các văn bản giải trình, đề nghị gửi UBND tỉnh về hỗ trợ cơ sở tháo gỡ” - ông Hòa nói thêm.
Nhiều dự án phải điều chỉnh mức đầu tư
Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6/2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Nghệ An là 9.033,5 tỷ đồng. Đến ngày 20/6, nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia kế hoạch năm 2023 của Nghệ An còn hơn 155 tỷ đồng, năm 2022 còn hơn 53 tỷ đồng chưa được giao vốn. Trong đó, có 9 dự án chưa hoàn thành hồ sơ, thủ tục của 4 chủ đầu tư: Kỳ Sơn (4 dự án); Tương Dương (2 dự án); Nghĩa Đàn (1 dự án) và Sở Văn hóa và Thể thao (2 dự án).
Nguyên nhân chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục là do một số dự án có quy mô lớn, quá trình khảo sát địa hình, địa chất phức tạp, trải qua nhiều bước, nên mất nhiều thời gian; một số dự án phải trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định hồ sơ dự án trước khi phê duyệt; một số dự án vướng quy hoạch phải thực hiện điều chỉnh...
Ở huyện Kỳ Sơn, đến tháng 5/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt trên 7,61%. Theo cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Kỳ Sơn, năm 2023, huyện có 27 dự án đầu tư công, với số vốn 117 tỷ đồng, UBND huyện làm chủ đầu tư, đã bố trí 26 tỷ đồng vốn giai đoạn 2021 - 2025; 6 công trình thuộc Chương trình 30a, với số vốn 215 tỷ đồng, đã bố trí được 75 tỷ đồng vốn năm 2023. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án xây dựng hạ tầng, đường giao thông phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, chủ yếu điều chỉnh tăng do thay đổi về quy mô, giá cả nguyên, vật liệu và thiết kế lại sau tác động của thiên tai, đang chờ cấp trên phê duyệt dự toán đầu tư sau khi điều chỉnh.
Ở huyện Tương Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lô Thanh Nhất cho biết, chỉ tính riêng các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 37/40 dự án phải điều chỉnh dự toán. Ví dụ như Dự án Xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung xã Nga My do UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư, tổng mức vốn 3 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 đã giao 2 tỷ đồng, kế hoạch vốn đã giao năm 2023 là 950 triệu đồng, song hiện nay chưa giải ngân do đang chờ điều chỉnh dự toán.
Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 các Chương trình Mục tiêu Quốc gia của huyện Tương Dương được phân bổ tổng số vốn đầu tư 818,278 tỷ đồng, với 128 dự án cho giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, tổng vốn các Chương trình MTQG của huyện Tương Dương đã duyệt là 154,411 tỷ đồng, đã giao 109,47032 tỷ đồng. Song đến ngày 15/5/2023 tỷ lệ giải ngân đạt 0%, đến ngày 20/6/2023 tỷ lệ giải ngân là 0,9%. Nguyên nhân, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cho biết, phần lớn do các dự án đang phải điều chỉnh dự toán, và do còn quá nhiều dự án phải hoàn chỉnh hồ sơ, trong khi Ban Quản lý dự án huyện thiếu nhân lực.
Tính riêng kế hoạch đầu tư công tập trung tỉnh quản lý năm 2023, đến ngày 20/6, có 28 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh (24,22%). 13 huyện, thành, thị và 29 đơn vị chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh. 13 huyện, thành, thị, gồm: Tương Dương (0,09%), Quế Phong (2,12%), TX. Thái Hòa (4,96%), TP. Vinh (6,96%), Kỳ Sơn (7,56%), TX. Hoàng Mai (13,74%), Con Cuông (16,12%), Quỳnh Lưu (16,57%), Quỳ Châu (18,92%), Quỳ Hợp (20,85%), Yên Thành (22,04%), Hưng Nguyên (22,83%), Nam Đàn (23,32%).
Trước áp lực về tiến độ giải ngân đầu tư công UBND tỉnh đã đặt ra, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cho biết, bên cạnh đề xuất bổ sung nhân lực, huyện đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu hoàn thiện bước chuẩn bị đầu tư trong quý II/2023, phấn đấu khởi công 100% các dự án có thiết kế 2 bước thuộc thẩm quyền tỉnh phê duyệt trong quý III/2023. Ví như các dự án: Đường giao thông từ bản Huồi Tố 1 vào bản Piêng Cọc, xã Mai Sơn; Xây dựng công trình tuyến đường ĐH11 Xiêng My - Yên Thắng dự kiến khởi công vào 30/6/2022; Dự án khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông khởi công trước ngày 15/7/2023; Xây dựng đường giao thông vào trung tâm xã Nhôn Mai và Mai Sơn dự kiến khởi công trước ngày 30/8/2023.
Để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình MTQG, quyết tâm đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân trên 95% năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng như HĐND tỉnh đã có nhiều cuộc họp để nhìn nhận rõ nguyên nhân, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án để hạn chế việc điều chỉnh dự án; lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp đủ năng lực, điều kiện và trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công nhằm phấn đấu đến hết tháng 5/2023 không còn tình trạng dự án chưa giải ngân.
Trường hợp ngành, địa phương nào gây khó khăn trong quá trình thẩm định hồ sơ thủ tục liên quan đến dự án kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xử lý. Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án; trường hợp dự kiến không giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao, có văn bản đề xuất cắt giảm để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển; các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư phải quán triệt yêu cầu này, tuyệt đối không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được.
Bên cạnh đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc trong thẩm quyền đối với các nhà thầu, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.