Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Thu Huyền 05/07/2023 09:42

(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất liên tục giảm, từ mức trên 10%/năm về dưới 8%/năm. Động thái này nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Tuần qua, lãi suất đồng loạt giảm diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng và một loại lãi suất điều hành. Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng, xuống 4,75%/năm.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm, riêng nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước, mức giảm lên tới 1%/năm. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy tại các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank hiện chỉ còn 6,3%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, giảm hơn 0,5-0,7% so với tháng 5, với tất cả kỳ hạn.

bna_các ngân hàng thương mại nhà nước có lãi suất ổn định ảnh thu huyền.jpg
Nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm, riêng nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước, mức giảm lên tới 1%/năm. Ảnh: Thu Huyền

Tại Agribank chi nhánh Nam Nghệ An, với các khoản tiền gửi ngắn hạn hơn, khách hàng gửi 1 tháng chỉ còn 3,4%/năm khi giao dịch tại quầy và khoảng 4%/năm nếu gửi trực tuyến. Mức lãi suất tiền gửi 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng chỉ còn 4,1%/năm. Còn mức lãi suất gửi 6 hoặc 7, 8, 9, 10, 11 tháng là 5%/năm.

Trong khi đó, đối với các ngân hàng cổ phần, lãi suất tiết kiệm có mặt bằng cao hơn nhưng cũng giảm so với trước đó. Cụ thể, với kỳ hạn 1-5 tháng hiện chỉ còn 4,25%/năm; từ 6 -11 tháng là 6,80%/năm... Từ ngày 4/7, tại HDBank chi nhánh Nghệ An, lãi suất niêm yết cao nhất hiện nay là 9,1%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng; các kỳ hạn dài 15, 18, 24 tháng chỉ từ 6,8-7%/năm.

Việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 6 tháng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp, cho vay cả khoản vay cũ và mới.

bna_giao dịch tại Agribank Nam na ảnh thu huyền.jpg
Giao dịch tại Agribank Nam Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Đầu tháng 7, Agribank công bố giảm tiếp lãi suất cho vay. Đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 6 của Agribank. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm 2% đến 4% so với đầu năm, đặc biệt lãi suất cho vay giảm mạnh đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Vietcombank cũng đang triển khai gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng. Cá nhân vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn lãi suất cũng từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng.

BIDV đang triển khai một số gói tín dụng vay mua nhà ở thương mại, cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ… với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với mức thông thường của các ngân hàng. Đồng thời, kể từ 01/06/2023, BIDV đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó.

bna_4.jpeg
Ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang hạ lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Thu Huyền

Không chỉ các Ngân hàng thương mại nhà nước, khối các Ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm mạnh lãi suất cho vay, đồng loạt triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi. Ví như, HDBank tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân đang vay vốn. Với nhóm khách hàng mới, HDBank cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay như cho vay kinh doanh, thế chấp linh hoạt, bất động sản...

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc HDBank chi nhánh Nghệ An cho biết: Việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay phân thành hai nhóm, những khoản cho vay cũ giảm ít hơn bởi trước đó họ đã phải huy động vào với lãi suất cao. Những khoản cho vay mới do lãi suất đầu vào đã giảm và nhu cầu nền kinh tế hiện vẫn thấp, tăng trưởng tín dụng thấp nên các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phần tạo tâm lý tiêu dùng nhiều hơn.

Tuy nhiên, do ngân hàng sử dụng vốn huy động thị trường để cho vay nên việc sử dụng vốn vay và nguồn vốn cho vay phụ thuộc vào khả năng tài chính, chi phí vốn và quá trình khai thác và sử dụng vốn của mỗi ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn (kể cả lĩnh vực ưu tiên) phải đáp ứng được điều kiện và nguyên tắc tín dụng của ngân hàng: cho vay phải đảm bảo an toàn nguồn vốn.

Dây chuyền may của Công ty TNHH Kido Vinh. Ảnh- Thu Huyền  .jpeg
Dây chuyền may của Công ty TNHH Kido Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Ông Trần Đức Long - Kế toán trưởng Công ty TNHH Kido Vinh chia sẻ: Hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi đã được vay vốn sản xuất với lãi suất thấp hơn thời điểm đầu năm. Với mặt bằng lãi suất giảm, cộng với tác động từ giảm 2% thuế VAT, giãn, hoãn nhiều loại thuế khác… sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế trong tháng cuối năm.

Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp góp phần tăng trưởng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và không dùng tiền mặt trong giao dịch thanh toán.

bna_gỗ nén BVN thanh chương.jpeg
Việc điều hành liên tiếp giảm lãi suất thời gian qua của NHNN tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Trong ảnh: Sản phẩm gỗ viên nén xuất hàng qua cảng Cửa Lò.

Ngành Ngân hàng thực hiện nghiêm túc chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị 03 của Thống đốc. Đến 31/5/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất là 485,6 tỷ đồng; dư nợ được hỗ trợ 239,8 tỷ đồng tại 10 Chi nhánh ngân hàng thương mại với 34 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất hơn 2,4 tỷ đồng.

Đến thời điểm 30/6/2023, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 212.778 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm; tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 275.567 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm; trong đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và địa bàn nông thôn là 128.344 tỷ đồng, chiếm 46,5% dư nợ toàn địa bàn; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 20.057 tỷ đồng, chiếm 7,3% tổng dư nợ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố các Quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất chủ chốt 3 lần (15/3, 31/3 và 23/5) góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Các mức lãi suất huy động, cho vay giảm 1% so với trước thời điểm 15/3/2023.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến thị trường và lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định. Chúng tôi tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng...

Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An

Có thể nói, động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp thời gian qua của NHNN tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn trong bối cảnh khó khăn. Theo dự báo, cuối năm nay, lãi suất trong nền kinh tế sẽ giảm về mức cuối năm 2019, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.

Thu Huyền