Các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng
(Baonghean.vn) - Đây là nhấn mạnh của Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII về vấn đề phát triển các sản phẩm OCOP.
Chiều 6/7, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm nội dung về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động của thị trường. Người trả lời chất vấn là Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ và Công Thương.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh thuộc 21 tổ đại biểu và các đại biểu khách mời.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG VẪN LÚNG TÚNG LỰA CHỌN SẢN PHẨM OCOP CHỦ LỰC
Tại phiên chất vấn nội dung này đã có 15 đại biểu HĐND tỉnh nêu 23 câu hỏi chất vấn. Các vị đại biểu cơ bản bám sát nội dung được chất vấn, đặt câu hỏi gọn, rõ ràng, đảm bảo thời gian, trong đó, nhiều đại biểu tập trung chất vấn các nội dung liên quan đến xây dựng, phát triển, tạo đầu ra cho các sản phẩm OCOP.
Nghệ An hiện có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao; 43 sản phẩm đạt 4 sao và 359 sản phẩm đạt hạng 3 sao; trong đó, có 11 sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (sau Hà Nội).
Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 4 - 4,4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP ở Nghệ An hiện đang đặt ra nhiều vấn đề; đặc biệt, dù có nhiều sản phẩm OCOP, song theo ý kiến của nhiều đại biểu HĐND tỉnh thì hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh - Tổ đại biểu thị xã Thái Hòa: Từ số liệu phân tích đã nhận định còn nhiều sản phẩm OCOP chưa có quy hoạch nguyên liệu và đề nghị lãnh đạo cho biết giải pháp khắc phục.
Mặt khác, vị đại biểu đến từ TX. Thái Hòa cũng cho rằng, chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm còn nhiều bất cập về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh nhận định: OCOP là Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", song trên thực tế có những xã có nhiều sản phẩm. Đây là những sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc, văn hóa riêng có của vùng, miền, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng riêng có của vùng, miền nên có thể gọi là đặc sản.
Sản phẩm OCOP được xây dựng theo định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị và ổn định về nguồn lực cho kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An, điều quan trọng hiện nay là việc phát triển các sản phẩm OCOP cần phải đi theo hướng đảm bảo sản xuất bền vững, an toàn, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Do đó, nếu có điều kiện cần quy hoạch lại theo vùng, miền, tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển vùng nguyên liệu cung cấp.
Mặt khác, theo Giám đốc Sở NN&PTNT, việc phát triển các sản phẩm OCOP thì yếu tố hỗ trợ của Nhà nước chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, ngoại trừ chính sách đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ là hỗ trợ 100%. Do đó, sản phẩm OCOP muốn phát triển bền vững, dẫu sao cũng phải tìm doanh nghiệp đầu tư vào và bản thân hộ sản xuất, kinh doanh có nguồn lực thực hiện.
Liên quan đến phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm, kết nối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP, ông Phùng Thành Vinh cho biết: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, xác định các giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai tổ chức thực hiện cụ thể. Trước hết, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức rà soát lại các các sản phẩm có thể tham gia loại hình du lịch canh nông; từ đó, phối hợp với Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh quy hoạch theo hướng du lịch ở nông thôn hợp lý, khoa học, xanh, bền vững.
Ông Vinh cũng cho biết, thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng, đất đai; phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí các khu rừng đặc dụng, phòng hộ theo đúng Luật Lâm nghiệp; tổ chức rà soát, thống kê cụ thể về xây dựng các mô hình thí điểm du lịch canh nông, để đánh giá các kết quả, tồn tại, hạn chế mỗi mô hình từ đó nhân rộng.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc - Tổ đại biểu huyện Quỳ Châu đề nghị lãnh đạo ngành Nông nghiệp đánh giá nhận định rằng: Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm có lợi thế ở địa phương, tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm OCOP còn mang tính tự phát, do đó đầu ra chưa ổn định, giá trị kinh tế chưa cao, chưa đồng đều giữa các địa phương.
Trả lời ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Việc phát triển và các sản phẩm được công nhận OCOP là không tự phát vì phải tuân theo một quy trình được chọn lọc từ cấp cơ sở, đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được công nhận, ví như theo quy định sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên phải tham gia thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề đầu ra chưa ổn định xuất phát từ hạn chế là ở địa phương vẫn lúng túng để lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, xã để phát triển, nâng cao thương hiệu, chất lượng, kết nối với thị trường.
Nhận diện hạn chế trên, nhấn mạnh phương châm “đi nhanh thì đi một mình; còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An chỉ rõ sắp tới, các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm. Ngay chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng phải chăm sóc sản phẩm của mình, cần quản lý được chất lượng. “Không có nhanh, nhiều, tốt rẻ”, ông Vinh nói.
Cũng tại phiên chất vấn các đại biểu đã nêu lên nhiều nội dung khác như: Giải pháp phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, phát triển kinh tế lâm nghiệp;… Các nội dung này được Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời, làm rõ.
HƯỚNG TỚI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA, CHẤT LƯỢNG CAO, BỀN VỮNG
Thay mặt chủ tọa, kết luận chất vấn nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá: Giám đốc Sở NN&PTNT tuy mới nhận nhiệm vụ chưa được lâu song đã nắm khá chắc vấn đề, trả lời đầy đủ, khá rõ ràng; đề ra một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục hạn chế, tồn tại và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Trong quá trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ đã trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực phụ trách; làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm.
Qua nội dung phiên chất vấn, liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nghệ An là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, chính nông nghiệp để làm trụ đỡ cho nền kinh tế; tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã và đang chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhận định: Rất nhiều chính sách tỉnh đã ban hành để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và có những chính sách đúng, trúng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chuyển giao, đổi mới phương thức sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kỹ thuật. Đặc biệt, phong trào xây dựng các sản phẩm OCOP đã lan rộng trong toàn tỉnh. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống của người dân khu vực nông thôn ngày càng thay đổi.
Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh còn có những hạn chế, đó là việc phổ biến chính sách đến người dân vùng sâu, vùng xa chậm, hiệu quả chưa cao. Một số cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, còn manh mún, có những điểm chưa phù hợp, bất cập, chưa sát thực tiễn; ban hành chính sách nhưng kinh phí phân bổ chưa đủ, thậm chí phân bổ chậm, vì vậy, chưa khuyến khích được đầu tư phát triển nông nghiệp, chuyển đổi quy mô sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất.
Quy mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhìn chung còn nhỏ lẻ, thiếu ổn định, chưa tạo ra được nhiều vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất tập trung để ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, việc ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ chỉ mới diễn ra ở một số địa bàn, dự án, khu vực; chưa được triển khai một cách đồng bộ; nhiều mô hình tốt, cách làm hay chưa được nhân rộng; liên kết sản xuất còn lỏng lẻo. Vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế; kiến thức và kỹ năng về hợp tác, phát triển sản phẩm, thị trường, thương mại và quảng bá sản phẩm còn hạn chế;…
Từ thực trạng trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện tốt các chính sách hiện có; làm thay đổi nhận thức, tư tưởng sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, bền vững; liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao.
Tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, qua đó, điều chỉnh, bổ sung những nội dung còn bất cập nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh và kiến nghị Trung ương những nội dung theo thẩm quyền Trung ương; rà soát việc thực hiện các chính sách để khắc phục những thủ tục còn rườm rà, khó tiếp cận; đồng thời, qua rà soát tham mưu chính sách đủ mạnh để phát triển nông nghiệp.
Người đứng đầu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo tích tụ ruộng đất, phát triển các vùng tập trung phù hợp với cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến. Muốn vậy, phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật.
Đồng thời, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các vùng chuyên canh, dịch vụ kỹ thuật để đảm bảo sản xuất hiệu quả, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất; hình thành cụm hạt nhân trong mỗi vùng thâm canh; khuyến khích cơ chế liên kết trong sản xuất nông nghiệp: liên kết ngang giữa các tác nhân (kinh tế hộ, nông trại, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp,…), liên kết dọc từ đầu vào sản xuất cho đến đầu ra thị trường.
Chủ tịch HĐND tỉnh đồng thời yêu cầu tăng cường công tác dự báo, đánh giá, cảnh báo thông tin về thị trường các nông sản chủ lực để điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp; tiến hành xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn để đảm bảo thực hiện tốt trong công tác quản lý, kết nối thông tin, dữ liệu từ sản xuất đến kết nối cung - cầu thị trường, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học xã hội nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu trên. Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát kết luận chất vấn, cam kết việc tiếp thu, giải trình và thực hiện cam kết tại phiên chất vấn.