Giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương
(Baonghean.vn) - Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 14, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành nhấn mạnh: Quan điểm của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đặt ra đối với đội ngũ giáo viên là phải giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương.
Thẳng thắn nhận trách nhiệm
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Trước khi đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã giải trình, làm rõ bức tranh về thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Đại biểu Thái Văn Thành cũng nhấn mạnh, để xảy ra những hạn chế trong các vấn đề nêu trên có trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, các tổ chức, gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân học sinh. Song trách nhiệm trước hết là của 2 ngành Giáo dục và Đào tạo và Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có giải pháp đủ mạnh trong thực thi nhiệm vụ.
Bạo lực cả trên không gian mạng
Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, có 6 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn. Đại biểu Hồ Văn Đàm (huyện Quỳnh Lưu) nêu thực tiễn, bạo lực học đường hiện nay không chỉ là đánh nhau, chửi bới, công kích mà còn có các hành vi tẩy chay, gây áp lực tâm lý trong môi trường thực và cả trên không gian mạng. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ thực trạng này ở Nghệ An và giải pháp để ngăn chặn?
Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thừa nhận, vấn đề đại biểu Hồ Văn Đàm nêu là xác đáng và là thực trạng chung trong cả nước, trong đó có Nghệ An.
Về giải pháp, thời gian qua, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chương trình, song ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chủ động đưa nội dung giáo dục về kỹ năng giao tiếp, hành vi ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai công tác truyền thông trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức về tác hại và hành vi, tác động tiêu cực trên môi trường mạng.
Các nhà trường, ngành tăng cường thực hiện các mô hình giáo dục, thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, từ đó, trang bị cho học sinh những kỹ năng sống, giá trị sống và các hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường.
Thực hiện Thông tư số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, gắn với thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”. Khi thực hiện tốt các giải pháp này sẽ góp phần bài xích các hành vi ứng xử thiếu văn hóa, bạo lực học đường và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.
Trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc) nêu hiện tượng: “Trên lớp thì trò không sợ thầy, không kính thầy; ra đường người già sợ trẻ nhỏ; về nhà cha, mẹ nịnh con cái”; người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thừa nhận có biểu hiện này trong xã hội, nhưng không phổ biến, không phải có ở tất cả các nhà trường mà chỉ có một số trường, địa phương trong cả nước.
Trách nhiệm của ngành cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo.
Đối với các nhà trường, thông qua, hội phụ huynh để phối hợp cùng với nhà trường xây dựng nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, ngành cũng đã tăng cường và chỉ đạo các nhà trường phối hợp cùng cộng đồng và phụ huynh thực hiện, đảm bảo giáo dục cả trong và ngoài nhà trường.
Đối với học sinh khi có các hành vi ứng xử chưa chuẩn mực đối với nhà giáo thì tổ chức các hoạt động giáo dục tích cực từ tổ tư vấn tâm lý trong các nhà trường và tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong nhà trường; đường dây “nóng”; hòm thư “điều em muốn nói”… để các em học sinh phản ánh những mong muốn hoặc tố giác những biểu hiện xúc phạm đối với các thầy, cô giáo.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức… để tạo dựng các môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường…
Đối với cha mẹ học sinh, trong thời gian tới sẽ tăng cường việc cung cấp kiến thức giáo dục nhằm thống nhất phương pháp, biện pháp giáo dục; cung cấp, chia sẻ thông tin khi phát hiện những biểu hiện của học sinh; thống nhất theo dõi, đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện quyền trẻ em, ở góc độ nhận thức của các em chưa có độ “chín” nên dễ có những hành vi, biểu hiện vượt qua những quy định của xã hội và thuần phong, mỹ tục dân tộc ta. Vì vậy, cha mẹ học sinh cũng phải gần gũi, sâu sát, nắm bắt và định hướng, uốn nắn kịp thời và có phương pháp linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với tâm lý của trẻ trong giáo dục.
Phát huy tinh thần trách nhiệm của giáo viên
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Chu Đức Thái (huyện Diễn Châu) liên quan đến áp lực, trong đó, có hành vi ứng xử không đúng của một số học sinh và phụ huynh làm giảm tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo?
Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng: Quan điểm của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đặt ra đối với đội ngũ giáo viên là phải giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương; nếu giáo viên thực sự giáo dục học sinh bằng tất cả tình yêu thương thì các cháu học sinh và cha mẹ học sinh sẽ rất quý trọng và biết ơn giáo viên; khi đó, nếu trong ứng xử có biểu hiện nóng tính thì học sinh và cha mẹ học sinh cũng dễ dàng bỏ qua; ngược lại, nếu giáo viên không quan tâm giáo dục học sinh, dạy cho hết nhiệm vụ, khi “động vào” các cháu thì dễ bức xúc, nảy sinh mâu thuẫn.
Nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Đại biểu Nguyễn Thị Thơm (huyện Hưng Nguyên) đặt vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn mà đang chủ yếu bằng các hình thức liên kết với các trung tâm ngoài nhà trường để thực hiện. Vấn đề quản lý, giám sát chất lượng giáo dục ở các trung tâm này như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành khẳng định: Trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng toàn cầu cho học sinh vô cùng quan trọng.
Đại biểu Thái Văn Thành thừa nhận, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lâu nay đang có những hạn chế, chỉ dựa vào các giờ lên lớp của nhà trường và các trung tâm giáo dục kỹ năng sống ngoài nhà trường trên cơ sở chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định; đồng thời, hàng năm sở đều có chương trình thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trung tâm rất nghiêm túc.
Hiện nay, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi tuần có 3 tiết dạy kỹ năng sống trong hoạt động trải nghiệm; tuy nhiên, để triển khai hiệu quả phải xây dựng kế hoạch, bao gồm về con người, nguồn lực, cơ chế phối hợp thật bài bản.
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…, được chủ tọa kỳ họp yêu cầu sẽ tiếp tục chất vấn vào sáng ngày mai, 7/7/2023.