Cử tri hy vọng Chương trình OCOP sẽ có bước đột phá mới
(Baonghean.vn) - Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII đã có phiên chất vấn về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong khâu tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP. Hy vọng rằng, từ những gợi mở, tiếp sức đó sẽ là đòn bẩy giúp Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tạo đột phá.
Qua theo dõi phiên họp, tôi đánh giá rất cao thẳng thắn của các đại biểu trong việc đặt ra những câu hỏi có trọng tâm, trọng điểm, đúng với thực trạng Chương trình OCOP, các câu trả lời của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương khá thẳng thắn, thực chất, trực tiếp vào những vấn đề còn vướng mắc, vấn đề các chủ thể OCOP cũng như người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cùng quan tâm.
Đối với huyện Nghi Lộc đến nay đã có 14 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 13 sản phẩm đạt 3 sao. Dự kiến đến hết năm 2023, huyện phấn đấu công nhận thêm 7 – 8 sản phẩm OCOP, lộ trình đến năm 2025, huyện sẽ có khoảng 40 sản phẩm OCOP đạt sao.
Mặc dù vậy, phải nhìn nhận thực tế, một số sản phẩm sau khi đạt chứng nhận vẫn chưa có sự phát triển đột phá, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Riêng huyện Nghi Lộc cũng đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất, như hướng dẫn quy trình thực hiện các bước VietGAP, nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cũng như kết nối để đưa sản phẩm đi tiêu thụ tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Do đó, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề này, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ, làm đòn bẩy gỡ khó cho sản phẩm OCOP không chỉ ở huyện Nghi Lộc mà trên địa bàn tỉnh, như tạo điều kiện cho các chủ thể thuê đất sản xuất, vay vốn, giảm lãi suất, tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, tổ chức nhiều chương trình kết nối, với mục tiêu cao nhất đưa sản phẩm OCOP Nghệ An ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
***
Qua theo dõi phiên chất vấn chiều nay, tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đó là “OCOP” là chứng nhận, là “Giấy thông hành”, là “Tấm hộ chiếu” để mở rộng thị phần, thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn tiêu thụ được thì nội tại sản phẩm đó phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chuẩn về mẫu mã, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và tùy thuộc vào sự năng động, kết nối, quảng bá của chủ thể cũng như sự hỗ trợ của các cấp, ngành.
Xã Đồng Thành (Yên Thành), hiện có trên 60 ha cam được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và cam Đồng Thành được cấp chứng nhận 3 sao OCOP. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm cam Đồng Thành vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đang bị đánh đồng với các loại cam trôi nổi trên thị trường, giá bán bấp bênh. Trong khi đó, quá trình chăm sóc, đầu tư, thu hoạch cam theo tiêu chí OCOP rất công phu và tốn kém hơn nhưng giá bán lại không cao hơn.
Với vai trò là đại diện của địa phương có sản phẩm OCOP, tôi đề xuất ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể điều kiện mở rộng kênh phân phối và tiếp cận các thị trường tiềm năng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, ngành liên quan cần tích cực hỗ trợ nông dân trồng cam làm mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ in tem chống giả (bao gồm thiết kế và in) cho các sản phẩm cam OCOP nhằm bảo vệ các thương hiệu có uy tín và chất lượng trên thị trường.
***
“Hiện nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, từ các địa phương đến các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp. Vì ngoài vấn đề sinh kế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn thì còn là cốt lõi trong việc xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái. Tôi đánh giá cao vấn đề về OCOP mà HĐND tỉnh đã lựa chọn để chất vấn lần này.
Tôi đánh giá rất cao phần điều hành khoa học, linh hoạt của chủ tọa tại phiên chất vấn. Chủ tọa kỳ họp đề nghị đại biểu lựa chọn vấn đề trọng tâm nhất, nêu thẳng nội dung cần hỏi để người được chất vấn dễ dàng lĩnh hội ý của người hỏi. Đại diện các ngành Nông nghiệp và PTNT, Công Thương cũng đã trả lời thẳng vào vấn đề, đầy đủ và rõ ràng.
Bản thân tôi là một chủ thể có tới 5 sản phẩm được “gắn sao” OCOP, do đó, tôi mong muốn, sau kỳ họp này, các vấn đề còn hạn chế, tồn tại, những kiến nghị của cử tri về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được các cấp, các ngành liên quan giải quyết, chỉ đạo quyết liệt hơn, có giải pháp sát sườn và hợp lý hơn, tất cả đều vì mục tiêu đưa sản phẩm OCOP tiến sâu, tiến xa, trở thành đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.
Đặc biệt là khắc phục những hạn chế về vấn đề quảng bá, lan tỏa thương hiệu cho các sản phẩm OCOP bằng các kênh như: Mở gian hàng OCOP tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu Di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh, TX. Cửa Lò, phố đi bộ Vinh, phố đêm Cao Thắng…; Giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trên các nền tảng như truyền thông báo chí, nền tảng số (Website, Fanpage, mạng xã hội…); Lựa chọn sản phẩm OCOP làm quà biếu, tặng, lưu niệm… cho các hội nghị, hội thảo diễn ra trên địa bàn tỉnh.
***
Qua theo dõi phiên chất vấn về sản phẩm OCOP tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, là một cử tri, một người dân thường xuyên mua sản phẩm OCOP để sử dụng, tôi cảm nhận được sản phẩm OCOP đang nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp, ngành và địa phương.
Bản thân tôi là một người tiêu dùng, tôi thường xuyên lựa chọn các sản phẩm OCOP của địa phương để sử dụng và đặc biệt là làm quà biếu cho người thân, bạn bè trong và ngoài nước. Theo đánh giá của tôi, chất lượng các sản phẩm OCOP cơ bản đã đáp ứng được, vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo, đa dạng chủng loại, mang đặc trưng vùng, miền, địa phương. Các sản phẩm tôi hay chọn làm quà biếu như: trám đen Thanh Chương, chè xanh Thanh Chương, nhút Thanh Chương, bột sắn dây Nam Đàn, nước mắm…
Tuy nhiên, theo cảm quan của tôi thì các sản phẩm OCOP vẫn chưa được đầu tư đúng mức về mẫu mã, bao bì để phù hợp làm quà biếu, tặng. Hầu hết các sản phẩm bao bì vẫn còn thô sơ, chưa có thiết kế độc đáo, thiếu sự tinh tế, sang trọng.
Do đó, là một người tiêu dùng, tôi mong muốn, các chủ thể, cũng như các cấp, ngành cần có sự quan tâm, đầu tư để sản phẩm OCOP được khoác lên mình “chiếc áo mới” tinh tế, sang trọng và mang đậm đặc trưng riêng mà khi khách hàng nhìn vào là nhận biết ngay đây là đặc sản xã nào, huyện nào”.