Các câu lạc bộ V.League vật lộn giữa khó khăn về kinh tế
(Baonghean.vn) -Nhìn vào bảng xếp hạng sau giai đoạn I của V.League 2023, khá bất ngờ khi có nhiều cái tên từng là “đại gia” hay cựu vương của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng những đội bóng xếp trên nhóm 8 đội đang có sự ổn định hoặc dư giả về mặt tài chính như trước.
Nền kinh tế cũng đua “trụ hạng”
Những số liệu về kinh tế từ Tổng cục Thống kê có thể khiến chúng ta sẽ phải giật mình. Sau 6 tháng đầu năm 2023 đã có 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, tức là cứ trung bình sẽ có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Trong chiều ngược lại, sau 6 tháng đầu năm, cả nước cũng có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường. Trong đó là 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Theo Cục Đăng ký Kinh doanh cho biết: “Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn”. Rõ ràng đó mới chỉ là những tín hiệu tích cực. Thực tế nền kinh tế và các doanh nghiệp hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng như thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
Theo đó, vốn kinh doanh được nhận định là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện. Mặc dù lãi suất ngân hàng dù đã nhiều lần được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm nhưng bài toán về hàng tồn kho, sức mua khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc tái cơ cấu lại các ngành hàng, sản phẩm.
Mặt khác, nguồn vốn thị trường như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Với một bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế trong nước và thế giới, đương nhiên các doanh nghiệp đầu tư vào cho bóng đá đang cho thấy một sự nỗ lực và cố gắng phi thường. Đặc biệt là các đơn vị kinh doanh trong mảng bất động sản, chứng khoán...
Theo đó, đương nhiên sức khoẻ về tài chính của các CLB V.League cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi bóng đá Việt Nam vốn không có định nghĩa sinh lãi hay bóng đá có thể tự nuôi được bóng đá. Trong khi, khá nhiều doanh nghiệp đang tài trợ, đầu tư cho bóng đá đang hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản hiện không có khả năng thanh khoản cao.
Nhiều nỗi lo cho V.League
Kết thúc lượt đi, Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Hoàng Anh Gia Lai là những đội bóng sẽ phải đua trụ hạng. Phần lớn trong số đó là những cựu vương, từng vô địch V.League, có thương hiệu hoặc có một sự hậu thuẫn tốt về tài chính, tài trợ.
Khó ai có thể tin rằng, những đội bóng như SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh hay Hoàng Anh Gia Lai lại đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc đua V.League năm nay như vậy. Hiện nay, tương lai mờ mịt nhất có lẽ là Khánh Hoà. Nhà tài trợ đã xin được thoái lui vì khó khăn trong kinh doanh. Theo tìm hiểu, câu lạc bộ này còn nợ các khoản lương, thưởng khoảng 18 tỷ đồng.
Tương tự là câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh, khó khăn về tài chính đến với câu lạc bộ này đã bắt đầu từ năm 2022 với 90% tiền lót tay của các cầu thủ bị cắt. Một tương lai mờ mịt đang chờ đợi đội bóng này. Còn SHB Đà Nẵng đến nay vẫn gặp vướng mắc trong bài toán về trách nhiệm tài chính giữa địa phương và doanh nghiệp.
Có nhiều đội bóng đang tìm cách “khéo co vừa ấm” để vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng việc thay đổi chiến lược đầu tư, đào tạo lứa kế cận, ưu tiên sử dụng các cầu thủ trẻ. Điển hình nhất là Becamex Bình Dương. Sau một giai đoạn vung tiền mua sắm và có được những danh hiệu, đội bóng đất thủ không còn mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng.
Câu lạc bộ sau khi chia tay các trụ cột cũng buộc phải sử dụng các cầu thủ trẻ để tiết kiệm chi phí cho bầu Đức. SHB Đà Nẵng hầu như chỉ mua sắm ngoại binh. Tương tự như Sông Lam Nghệ An, sau khi đưa về Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Đình Hoàng và giữ chân các trụ cột như Xuân Mạnh, đội bóng xứ Nghệ nỗ lực giữ vững sự ổn định về tài chính bằng cách trẻ hoá mạnh mẽ lực lượng.
Dù phải đua trụ hạng, nhưng chắc chắn rằng, đội bóng nào vượt qua được giai đoạn khó khăn này bằng nguồn lực nội tại chắc chắn sẽ đi được lâu hơn và xa hơn tại V.League. Nhìn vào tốp trên, về tài chính, không đội bóng nào khá giả hơn Câu lạc bộ Viettel. Nhưng họ cũng đã chọn đi theo con đường như Sông Lam Nghệ An và Becamex Bình Dương đang đi đó là sống bằng cầu thủ do chính mình đào tạo ra. Cụ thể là việc chia tay Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc để trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ Viettel.
Trên tốp 8, người ta đặt dấu hỏi lớn rằng liệu những đội bóng như Nam Định, Topenland Bình Định sẽ đi được bao xa, khi mà đội bóng này không chú trọng đầu tư vào công tác đào tạo trẻ. Năm 2022, đội bóng đất võ nợ đến 38,5 tỷ đồng, năm nay và năm sau, năm sau nữa, ai dám chắc rằng Bình Định sẽ tiếp tục có mặt ở bản đồ V.League và không đi theo vết xe đổ của Quảng Ninh, Sài Gòn.
Trung bình, mỗi Câu lạc bộ tại V.League cần tối thiểu 50-70 tỷ để đảm bảo hoạt động. Với các khoản thu khác chưa đến 10% (từ vé, tài trợ, thương mại) trong tổng chi phí hoạt động như hiện tại, các Câu lạc bộ V.League sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi vô địch V.League chỉ nhận 3 tỷ đồng, hầu như không có khoản thu từ bản quyền truyền hình và chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức từ Liên đoàn cũng như VPF.
Thực sự các “ông bầu” V.League đáng được trân trọng và nhận được sự thông cảm, ủng hộ trong giai đoạn nhạy cảm này bởi duy trì hoạt động của doanh nghiệp đã khó, nguồn vốn khan hiếm và phải luôn cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và các khoản đầu tư./.