Thực hiện thổi nồng độ cồn đối với lái tàu, nhân viên Ga Vinh

Đặng Cường 12/07/2023 06:06

(Baonghean.vn) - Với mục tiêu chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện, công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT Nghệ An đã thường xuyên triển khai phương án kiểm tra đột xuất tại các ga, điểm gác chắn...

Chưa phát hiện trường hợp vi phạm

Ghi nhận thực tế của phóng viên vào đợt kiểm tra nồng độ cồn đối với nhân viên đường sắt mới đây tại Ga Vinh cho thấy, phần lớn cán bộ, người lao động tại đây đều không quá bất ngờ khi được yêu cầu kiểm tra. Qua kiểm tra nồng độ cồn với lái tàu, phụ lái tàu và đội ngũ nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu,… đều chấp hành đúng quy định, không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn dù chỉ lượng cồn nhỏ.

bna-2-anh-pv-8066.jpg
Đội ngũ nhân viên lái tàu, phụ lái tàu là bộ phận được kiểm tra thường xuyên, đặc biệt trước giờ chạy tàu. Ảnh: Đ.C

Anh Trần Thế Hùng, điều độ viên chạy tàu Ga Vinh cho biết, chúng tôi không quá bất ngờ khi được yêu cầu kiểm tra và luôn chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, việc kiểm tra nồng độ cồn nói chung, với cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt như thế này cần được duy trì để luôn tuân thủ các quy định trong khi làm việc, đặc biệt không vi phạm về nồng độ cồn để bảo đảm an toàn cho chính bản thân cũng như hành khách.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hải, trực ban chạy tàu Ga Vinh cho hay: Ý thức chấp hành của mỗi cán bộ, nhân viên đường sắt cơ bản tốt, nhưng cũng cần thiết có sự giám sát, kiểm tra, cụ thể là việc kiểm tra nồng độ cồn trong giờ làm việc để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

bna-1-anh-pv-2-3624.jpg
Kiểm tra nồng độ cồn đối với bộ phận trực ban chạy tàu. Ảnh: Đ.C

Theo Trung tá Cao Đăng Hùng - Đội phó Đội CSGT đường sắt, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh: Ngoài tiến hành kiểm tra sổ sách, nhật ký các chuyến tàu có dừng đón trả khách, trả hàng tại ga, quá trình trực gác của nhân viên nhà ga… Đội CSGT đường sắt còn kiểm tra đột xuất tại nhiều vị trí việc làm của ngành Đường sắt trên địa bàn.

Trong đó, tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định về nồng độ cồn đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu ở 9 vị trí chức danh được quy định theo Điều 35, Luật Giao thông đường sắt, gồm: trưởng tàu; lái chính, lái phụ tàu; nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, tàu ga; trực ban chạy tàu ga; trưởng đồn; nhân viên gác ghi; nhân viên nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường; nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

Chứng kiến việc kiểm tra nồng độ cồn đối với nhân viên đường sắt, chị Nguyễn Thị Thu, một hành khách đi tàu nói: Việc kiểm tra nồng độ cồn với nhân viên đường sắt là cần thiết, giúp người đi tàu an tâm hơn. Vì mật độ phương tiện, tần suất phương tiện qua lại tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Chưa kể, còn có thể có các lỗi xuất phát từ sự chủ quan của các cá nhân để xảy ra tai nạn chạy tàu, trong đó có lỗi vi phạm nồng độ cồn.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Ông Nguyễn Hữu Thường - Phó trưởng Phòng Giám sát kỹ thuật, an toàn giao thông đường sắt, Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết: Trên địa bàn Nghệ An có khoảng 2.500 cán bộ, người lao động ngành Đường sắt. Riêng cán bộ, người lao động lên ban làm việc trực tiếp tại khu vực Ga Vinh khoảng 400 người. Tại thời điểm này, mỗi ngày có 15 đôi tàu lưu thông qua Ga Vinh.

Với đặc thù của ngành Đường sắt, các thiết bị cơ bản hoạt động tự động hoàn toàn, các vị trí công tác chủ yếu làm nhiệm vụ điều khiển thiết bị hệ thống, bao gồm cả lái tàu, kéo chắn, gác ghi… Do đó, đây có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới sự chủ quan trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt của đội ngũ nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu. Chỉ một lỗi vi phạm nhỏ của bất kỳ cá nhân nào cũng có thể dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo đó, việc chấp hành các quy định nói chung, quy định về nồng độ cồn nói riêng luôn được Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh quán triệt đến cán bộ, người lao động, cùng với đó là duy trì việc kiểm tra chéo. Tuy nhiên, việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông là biện pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông đối với nhân viên trong ngành.

bna-12-anh-pv-6630.jpg
Để việc kiểm tra đạt hiệu quả, Đội Cảnh sát giao thông đường sắt phải luôn bám sát lịch chạy tàu để bố trí lực lượng kiểm tra. Ảnh: Đ.C

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành Kế hoạch Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” đến cuối năm 2023. Thời gian thực hiện từ tháng 3 đến ngày 14/12/2023.

Chuyên đề này được thực hiện mang tính tổng thể, đồng bộ, liên tục. Việc kiểm tra nồng độ cồn, ma túy được thực hiện vào nhiều khung giờ, tập trung các khung giờ lái xe, thuyền viên, nhân viên gác tàu hay vi phạm nhất. Hình thức kiểm tra cũng liên tục thay đổi để người vi phạm không thể tìm cách trốn tránh. Tất cả trường hợp vi phạm bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm theo quy định nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật của mọi người.

bna-1-anh-pv-5622.jpg
Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an thành phố Vinh kiểm tra tại Ga Vinh. Ảnh: Đ.C

Tại Nghệ An, căn cứ tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện, Đội CSGT đường sắt thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với Đội CSGT-TT tại các địa phương thành lập tổ công tác để thực hiện việc xử lý vi phạm theo Kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao. Đáng ghi nhận, qua kiểm tra, tất cả nhân viên đường sắt đều chấp hành đúng quy định, không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, thời gian tới Đội CSGT đường sắt sẽ vẫn duy trì việc này thường xuyên, không chỉ tiến hành kiểm tra đột xuất, mà còn tiến hành nhiều lượt kiểm tra vào các khung giờ khác nhau để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, với quan điểm bất cứ ai vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, giúp ngăn chặn tận gốc nguyên nhân tai nạn giao thông đường sắt do vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Đặng Cường