Những ngày này, nhiều người dân ở huyện Thanh Chương đổ xô lên rừng săn ong. Họ đi theo nhóm, mỗi nhóm từ 2 - 3 người. Khoảng 5h sáng, các nhóm săn ong đã khởi hành lên núi, vật dụng mang theo là cơm, nước, dao, áo quần bảo hộ để bắt ong... Ảnh: Huy Thư Năm nay, người dân không chỉ săn tổ ong vẽ, ong dần..., như năm trước, mà còn săn cả tổ ong vang (ong trang). Ong vang làm tổ khá thấp, chủ yếu treo dưới các cành cây keo, cây bụi như sim mua, hay vọt. Tổ ong vang khá dễ lấy, nên được nhiều người săn lùng. Ảnh: Huy Thư Hàng ngày, khoảng 5 -6 h chiều những người săn ong sẽ trở về nhà với những bao tổ ong vừa kiếm được. Do đi xa hàng chục km, lùng khắp núi đồi giữa trời nắng nóng, dường như ai cũng mệt mỏi, mặt mày cháy sém. Đi săn từ sáng đến chiều muộn, mỗi người có thể kiếm được 2 - 4kg tổ ong các loại. Ảnh: Huy Thư Sau khi lấy tổ về, người dân thường đem đến bán ngay cho các điểm thu mua. Tại xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) có 11 -12 cơ sở thu mua tổ ong. Những cơ sở thu mua nhiều mỗi ngày mua vào khoảng 40 -50kg. Giá thu mua ong tùy từng loại. Tổ ong vang cả nhộng đang được mua với giá 220 000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư Những cơ sở thu mua tổ ong thường bóc tách nhộng ong để bán. Những cơ sở thu mua nhiều, mỗi ngày phải thuê từ 8 - 15 nhân công bóc tách nhộng ong. Ảnh: Huy Thư Công việc bóc tách nhộng ong diễn ra nhộn nhịp trên sân nhà. Người dân tham gia bóc tách nhộng ong có đủ người già người trẻ . Hoạt động này kéo dài từ lúc chiều tối cho đến 20 - 21h đêm. Ảnh: Huy Thư Bà Đoàn Thị Chính (63 tuổi) ở xóm 4, xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: Hàng ngày bà thường tranh thủ đi bóc tách nhộng ong. Công việc lấy nhộng khá nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Mỗi buổi đi làm cũng kiếm được từ 60 - 100 nghìn đồng/người. Để lấy được nhộng ra khỏi tổ ong, người dân thường dùng chiếc nhíp để gắp, cần phải gắp khéo, đảm bảo tổ không bị hư, nhộng không bị nát. Ảnh: Huy Thư Nhộng ong vẽ, ong vang... có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như ong xào mỡ, ong rang lá chanh, cháo ong, canh ong... Ảnh: Huy Thư Để bảo quản và vận chuyển dễ dàng, nhộng ong được đóng thành hộp cất trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Hiện nhộng ong đang được các cơ sở thu mua bán với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư Riêng tổ ong vỏ được các cơ sở thu mua nhập vào với giá từ 550 000 - 800 000 đồng/kg. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay. Thông tin từ các cơ sở thu mua, tổ ong vỏ được tập kết để chuyển lên Lạng Sơn, đưa đi Trung Quốc. Công việc săn tìm, mua bán tổ ong, nhộng ong cũng đem lại thu nhập cho nhiều người. Đang giữa mùa nắng nóng, chính quyền một số địa phương cũng cảnh báo người dân trong việc lên rừng săn ong, không được dùng lửa khói để đốt ong, tránh gây cháy rừng. Ảnh: Huy Thư
Nhộn nhịp cảnh bóc tách nhộng ong ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương). Video: Huy Thư
Huy Thư