Nông dân Nghệ An phấn khởi khi keo lai bất ngờ tăng giá trở lại
(Baonghean.vn) - Sau một thời gian dài rớt giá, khó tiêu thụ, thời điểm này keo lai ở địa bàn Nghệ An bất ngờ tăng giá trở lại, nông dân phấn khởi khi đầu ra cây keo dần ổn định.
Có mặt tại cánh rừng keo ở xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu thấy khung cảnh thu hoạch keo đã trở lại khá nhộn nhịp. Anh Trần Quang một nông dân trồng keo ở xã Châu Hội chia sẻ: Gần 1 năm qua giá keo quá rẻ chỉ có 750.000-800.000 đồng/tấn nên gia đình không muốn chặt bán; khoảng 2 tuần trở lại nay keo tăng giá trên 1,1 triệu đồng/tấn người trồng keo đã có lãi, gia đình tôi đang thu hoạch 2,5 ha keo để trồng lại.
Một thương lái chuyên thu mua keo ở xã Châu Hội cho biết: Do các nhà máy chế biến gỗ keo đã hoạt động trở lại nên keo tăng giá. Chúng tôi thu mua tại các cánh rừng của dân giá 1,14 triệu đồng/tấn và bán tại nhà máy chế biến gỗ 1,42 triệu đồng/tấn. Mỗi ngày cơ sở chúng tôi thu mua được 50-60 tấn keo.
Địa bàn huyện Quỳ Châu có diện tích keo lớn nhất tỉnh, với trên 21.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 4.000 ha. Việc keo tăng giá trở lại không chỉ giúp nông dân có lãi từ trồng keo mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn theo nghề bốc vác, bóc vỏ keo lâu nay đang bị thất nghiệp.
Tại địa bàn huyện Thanh Chương, anh Nguyễn Vinh ở xóm 3 xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương vừa thu hoạch xong 5 ha keo cho biết thêm: Gần 1 tháng trở lại nay keo tăng giá, thu mua tại vườn giá gần 1,2 triệu/đồng tấn, bình quân đạt 90-100 triệu đồng/ha, trừ chi phí người trồng keo còn lãi 60-70 triệu đồng/ha.
Ông Đặng Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm cho hay: Hạnh Lâm là xã biên giới, lâu nay keo là cây xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho nhân dân. Hiện toàn xã có 2.400 ha keo, hàng năm thu hoạch từ 300-500 ha keo, chỉ cần giá keo tăng lên từ 1-1,1 triệu đồng/ha là người trồng keo đã có lãi. Tuy nhiên chúng tôi chỉ mong là keo giữ giá ổn định, chứ giá lên xuống thất thường thì ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh.
Thông tin từ Nhà máy viên nén Thanh Chương, nhà máy duy trì thu mua cho vùng nguyên liệu với khối lượng lớn từ 800-1.000 tấn keo/ngày. Khác với các nơi khác là nhà máy này thu mua cả cây, bao gồm thân cây và ngọn không cần bóc vỏ nên có lợi cho người trồng keo.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương, toàn huyện có gần 20.000 ha keo chủ yếu tập trung ở các xã dọc đường mòn Hồ Chí Minh như xã Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Hương… Hàng năm huyện khai thác từ 2.500-3.000 ha keo, chủ yếu bán cho các tư thương trên địa bàn huyện và nhà máy viên nén Thanh Chương. Việc keo tăng giá nông dân phấn khởi, tuy nhiên huyện đang rất cần các doanh nghiệp vào ký kết hợp đồng thu mua lâu dài để nông dân yên tâm sản xuất.
Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 55.000 ha. Nhiều nhà máy chế biến gỗ keo trên địa bàn Nghệ An và Thanh Hoá đã ký kết được các đơn hàng, đẩy giá keo tăng cao. Đây là tín hiệu vui cho nông dân, góp phần kích thích phong trào trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghệ An trong thời gian tới./.