Mỹ sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine theo các điều kiện của Nga?

Mỹ Nga 17/07/2023 15:16

(Baonghean.vn) - Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng, Mỹ sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine theo các điều kiện của Nga, bỏ qua lợi ích của Kiev.

Capture.JPG
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/7. Ảnh: AP

Đại tá Douglas McGregor, cựu cố vấn của người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ có thể giải quyết xung đột Ukraine theo các điều kiện của Nga, bỏ qua lợi ích của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

"Cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc khi Tổng thống Mỹ gửi thông điệp tới Moskva. Mỹ sẽ rút toàn bộ quân đội và ngừng mọi hoạt động chuyển giao cho Lực lượng Vũ trang"- cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho hay.

Đại tá Douglas McGregor nhấn mạnh, kết quả của cuộc xung đột tại Ukraine sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ. Và trái với kỳ vọng của chính quyền Kiev, Nhà Trắng cuối cùng sẽ công nhận những vấn đề liên quan đến lãnh thổ.

"Đây là điều mà Tổng thống Zelensky lo sợ nhất, bởi nó trái ngược với những lời cam kết của ông về đường biên giới trước năm 1991. Và cũng vì những lời hứa đó mà nhiều cử tri trong nước đã ủng hộ ông Zelensky" - Đại tá Mỹ cho hay.

Ông McGregor nhận định, hiện tại, Tổng thống Ukraine đang ở trong một tình thế vô cùng khó khăn, khi Lực lượng Vũ trang Ukraine đang chịu tổn thất lớn trên tiền tuyến. Đồng thời, Nga đang trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều, vì vậy, Moskva sẽ là bên quyết định các điều kiện để chấm dứt xung đột.

Lực lượng Vũ trang Ukraine đang cạn kiệt đạn dược, và Kiev liên tục phàn nàn, kêu gọi đồng minh phương Tây nhanh chóng viện trợ vũ khí. Thế nhưng, phương Tây một mặt thể hiện đang cố gắng giúp đỡ, mặt khác họ phải đối mặt với nhiều vấn đề như không đủ ngân sách, không đủ thời gian. Do vậy, các đồng minh phương Tây đang đối phó với tình trạng thiếu đạn dược cho Kiev bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, Mỹ đã chuyển giao bom, đạn chùm. Washington gọi đây là một giải pháp tạm thời, trong khi chờ đợi gia tăng sản lượng vũ khí.

Điều đáng nói, nguyện vọng của Ukraine và năng lực sản xuất quốc phòng của đồng minh là điều quá khác biệt. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksei Reznikov, lực lượng vũ trang nước này cần ít nhất 350.000 quả đạn pháo. Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ chỉ có khả năng sản xuất tối đa 24.000 loại đạn như vậy mỗi tháng. Đến năm 2025, Mỹ dự định nâng sản lượng lên 70-80 nghìn.

Không giống như đối tác xuyên Đại Tây Dương, châu Âu lại không còn mấy hào hứng với việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Hầu như các quốc gia trong EU đã ký một công ước cấm sản xuất, sử dụng và chuyển giao loại vũ khí cho nước thứ ba.

Mỹ Nga