Hơn 100 hộ dân điêu đứng vì vỡ phường hụi hơn chục tỷ đồng ở làng quê Nghệ An
(Baonghean.vn) - Sau khi nhận tiền phường từ người dân, bà Lam bất ngờ tuyên bố dừng phường, không chịu tiếp tục chi trả khiến cho nhiều hộ dân điêu đứng. Họ đành phải bao vây trước cổng nhà chủ phường để đòi lại tiền và đã xảy ra xô xát.
Bốc xong phường rồi tuyên bố dừng cuộc chơi
Nhiều ngày nay, trước cổng nhà của vợ chồng bà Hoàng Thị Lam (44 tuổi), ở xóm Đình Phụng, xã Hợp Thành (Yên Thành), luôn có một số người dân đứng túc trực. Họ đều là phường viên của các dây phường do bà Lam làm chủ, đứng ở đây với hy vọng gặp được chủ nhà để đòi lại số tiền phường đã đóng suốt nhiều năm nay. Trong quá trình đòi tiền, đã không ít lần, giữa các bên đã xảy ra xô xát, khiến tình nghĩa làng xóm bấy nhiều năm dường như đã cạn.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh (63 tuổi), ở xóm Đình Phụng cho hay, bà Lam bắt đầu huy động người dân chơi phường do bà làm chủ từ năm 2013. Ông Quỳnh là một trong những phường viên đầu tiên, tham gia đều đặn suốt 10 năm qua. “Có nhiều dây phường khác nhau, nhưng chủ yếu là dây với suất phường 2 triệu đồng/tháng. Ai có tiền thì có thể đóng nhiều suất. Những năm trước đây, phường hoạt động rất công khai, minh bạch. Cứ đến tháng, chủ phường sẽ gọi toàn bộ đến, phường viên nào đấu cao nhất sẽ được nhận. Số tiền lãi thì các phường viên còn lại chia nhau”, ông Quỳnh kể.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quỳnh, kể từ năm 2020, những dây phường do bà Lam làm chủ bắt đầu có dấu hiệu thiếu minh bạch. “Lúc này, đến tháng không thấy chủ phường gọi các phường viên đến để họp và đấu công khai nữa. Nhiều phường viên có việc cần đến tiền xin đấu cũng không được. Lúc nào bà Lam cũng bảo có người bốc rồi nhưng chúng tôi cũng không rõ là ai”, người đàn ông tố đang bị chủ phường nợ 230 triệu đồng kể và cho hay, dù có những dấu hiệu bất minh, nhưng vì đã trót theo và tin tưởng chồng và con trai bà Lam đều là cán bộ, nên sau đó ông và những người khác vẫn tiếp tục đóng các suất phường đều đặn.
Ngày 10/10/2022 là hạn bốc của 7 dây phường do bà Lam làm chủ. 7 dây phường này đều có mỗi dây 22 suất, mỗi suất 2 triệu đồng. Lúc này, vợ chồng bà Lam gọi toàn bộ phường viên đến, thu đầy đủ số tiền của 7 dây phường được hơn 300 triệu đồng.
“Sau khi thu tiền xong thì vợ chồng bà Lam thông báo là tháng này đến lượt chủ phường bốc, nên cầm luôn toàn bộ số tiền đó. Đồng thời cũng thông báo dừng hoạt động tất cả các phường do bà ta làm chủ”, ông Võ Văn Chính (75 tuổi) kể.
Ông Chính là thương binh, sức khỏe cũng đã yếu. Ông nói rằng, thấy hàng xóm ai cũng chơi phường do bà Lam làm chủ, lợi nhuận cũng tốt nên ông huy động tiền của các con, cùng với khoản tiền trợ cấp thương binh ông dành dụm được suốt nhiều năm để tham gia. Mỗi tháng, ông đóng đều đặn tiền phường cho bà Lam, nhưng khi chưa kịp bốc phường lần nào thì chủ phường đã tuyên bố dừng hoạt động. Đến nay, ông Chính đã đóng cho chủ phường hơn 400 triệu đồng nhưng chưa được bốc lần nào. Xót tiền, ông cùng các phường viên nhiều lần đứng trước cổng nhà bà Lam để đòi nhưng tiền vẫn không thấy đâu, chỉ nhận lại sự thách thức của chủ phường. Nhằm gây áp lực với chủ phường, họ mang băng rôn, biểu ngữ rồi dùng loa mở nhạc đám ma ngay trước cổng nhà bà Lam để đòi tiền. Ít ngày trước, trong lúc tập trung trước nhà chủ phường, xô xát đã xảy ra, ông Chính bị đánh rụng mất 1 chiếc răng…
Cũng theo ông Chính, đến nay đã có 60 người ký tên làm đơn tố cáo bà Lam chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng của các phường viên. Người nhiều nhất đang bị chủ phường nợ hơn 1,4 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, đây chỉ mới là những người dám công khai. Còn có rất nhiều trường hợp vì giấu chồng, giấu con chơi phường, bây giờ bị mất nên sợ chưa dám nhận. Theo chúng tôi ước tính thì có hơn 100 người tham gia chơi phường do bà Lam làm chủ và số tiền bị chiếm đoạt còn lớn hơn nhiều”, ông Chính nói thêm.
Không chỉ làm chủ phường, trong thời gian qua, bà Lam còn tham gia hàng loạt phường do người khác làm chủ. Tại những nơi này, bà Lam cũng bốc hết các suất phường mà mình tham gia nhưng sau đó không chịu đóng tiếp những tháng còn lại. Theo đơn của người dân, đến nay đã có ít nhất 6 chủ phường tố cáo hành vi này với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.
Nghi vấn tẩu tán tài sản
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Hoàng Mạnh Linh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, vụ việc vỡ phường hụi do vợ chồng bà Lam làm chủ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự trên địa bàn suốt thời gian qua.
“Bà Lam làm chủ các dây phường từ năm 2013, với rất nhiều người dân tham gia. Nhưng đến ngày 10/10/2022, sau khi bốc các dây phường với số tiền lớn thì tuyên bố dừng hoạt động toàn bộ khiến các phường viên điêu đứng. Đây cũng là thời điểm bà Lam phát hiện bị bệnh tiểu đường nặng, còn chồng thì vừa nghỉ hưu. Vụ việc này chúng tôi nắm bắt được từ lâu, đến đầu tháng 6/2023 thì có 60 người ký tên làm đơn lên chính quyền”, ông Linh nói và cho hay, sau khi nhận được đơn, xã Hợp Thành đã thành lập tổ công tác do chính ông làm tổ trưởng để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, dù tổ công tác đã đứng ra tổ chức 4 cuộc đối thoại giữa vợ chồng bà Lam và các phường viên, nhưng đến nay vẫn không có kết quả vì chủ phường thiếu thiện chí.
Theo ông Linh, cả trong 4 cuộc đối thoại, bà Lam đều không giải thích khoản tiền phường đã thu của người dân đang ở đâu? Cũng không có phương án, lộ trình trả tiền cho các phường viên.
“Tại cuộc đối thoại, sau khi nghe lãnh đạo xã phân tích, bà Lam nói sẽ trả nhưng lại không có thiện chí. Không hứa khi nào sẽ trả và trả như thế nào. Bây giờ mới 60 người làm đơn đã gần 10 tỷ đồng rồi, mà cứ lâu lâu mới trả được cho họ 500.000 đồng thì hết đời cũng không xong. Còn chồng bà Lam lại thiếu trách nhiệm, luôn phủ nhận liên quan đến phường hụi. Trong khi đó, ông ta cũng nhiều lần đứng ra thu tiền phường, ký biên nhận”, ông Hoàng Mạnh Linh nói và cho biết thêm, tại các cuộc đối thoại, khác với thái độ của chủ phường, các phường viên lại rất có thiện chí. Họ chấp nhận chịu thiệt, chỉ yêu cầu gia đình bà Lam trả một nửa tiền nợ. Lãnh đạo xã Hợp Thành cũng ước tính, số nạn nhân của chủ phường này là hơn 100 người với số tiền hơn chục tỷ đồng.
Theo các phường viên, sau khi nhận tiền phường xong, gia đình bà Lam đã mua đất, làm nhà cho 2 đứa con ở TP. Vinh, mua 2 ô tô để 2 cha con sử dụng, đầu tư mua rất nhiều lô đất và còn gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên, gần đây gia đình bà đã âm thầm chuyển nhượng hầu hết các tài sản sang cho người khác, rút tiền tại ngân hàng…
Đầu tháng 6/2023, các phường viên đã làm đơn gửi lên Công an huyện Yên Thành. Sau khi làm việc với cơ quan công an về, bà Lam gọi các phường viên đến, cầm trên tay hàng trăm triệu đồng rồi phát cho mỗi người từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng và yêu cầu ký nhận. Khi mới phát được khoảng 5 – 7 người thì người chồng ngăn cản, không cho phát tiếp!?
Ngày 9/6, Công an huyện Yên Thành có thông báo trả lời đơn của các phường viên với nội dung “không thụ lý đơn”, đồng thời hướng dẫn họ chuyển đơn sang Tòa án để giải quyết dựa trên Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ “quy định về họ, hụi, biêu, phường”. Tuy nhiên, không đồng tình với thông báo này của cơ quan công an, các phường viên tiếp tục làm đơn gửi lên Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.
Theo lãnh đạo UBND huyện Yên Thành, ngày 17/7, UBND huyện đã có văn bản về việc hướng dẫn đơn công dân. Theo đó, sau khi xem xét nội dung đơn công dân thông tin vụ việc, căn cứ các quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành có ý kiến như sau: “Tại thông báo ngày 9/6 của Công an huyện Yên Thành đã đề nghị công dân làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Yên Thành. Nếu công dân không thống nhất với đề nghị của Công an huyện Yên Thành thì hướng dẫn công dân viết đơn gửi lên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.
Trước những tố cáo của các phường viên, phóng viên đã cố liên hệ với chủ phường nhưng vẫn không được. Cánh cửa sắt thường xuyên đóng im lìm.