Rộ thu mua côn trùng ở Nghệ An với giá tiền triệu/kg
(Baonghean.vn) - Thời gian qua, nhất là trong mùa đậu, mùa vừng, ở các vùng nông thôn Nghệ An thương lái săn mua các loại côn trùng như: sâu ban miêu, bọ hung, bọ xít… với giá cao. Có những loại lên tới cả triệu đồng/kg.
Làm nghề kinh doanh các loại dược liệu nhập cho các thương lái phía Bắc, từ năm 2022 đến nay, chị Hoàng Thuỳ (Lăng Thành, Yên Thành) còn thu mua các loại côn trùng như: sâu ban miêu, bọ cánh cứng…
Chị Thuỳ cho biết: “Mùa này, ở các cánh đồng trồng ngô, đậu, vừng rất nhiều con bọ 3 sọc (sâu ban miêu khoang vàng nhỏ, dài hơn 1 cm, thân màu đen với các điểm hay dải ngang màu vàng) trú ngụ, ăn trụi lá, hoa. Do đó, khi có thương lái đặt hàng, tôi lên Facebook rao mua bọ 3 sọc, thay vì dùng thuốc để phun trừ, nhiều người dân đã tranh thủ thời gian đi bắt bọ, vừa bảo vệ hoa màu, vừa bán lấy tiền”.
Theo chị Thuỳ, giá của loại bọ này khá đắt, 1kg bọ sống có giá 300 - 350.000 đồng; giá bọ đã phơi khô lên đến 900 - 1.000.000 đồng/kg.
Chuyên thu mua các loại côn trùng, anh Văn Hào (Khai Sơn, Anh Sơn) cho biết, hiện nay, nguồn hàng thu gom được, anh chủ yếu nhập ra Bắc cho các đầu nậu hoặc trực tiếp bán cho thương lái Trung Quốc đón mua ở cửa khẩu. Mặt hàng được săn mua nhiều nhất ở thời điểm này là các loại như: vỏ tổ ong vang, ong vẽ, ong đất; bọ 3 sọc, bọ hung, xác ve sầu, bọ xít và một số loại bọ cánh cứng khác.
Giá các loại côn trùng này dao động từ vài trăm lên đến cả triệu đồng/kg. Cụ thể: bọ hung 700.000 - 800.000 đồng/kg, bọ đậu 1 triệu đồng/kg, tổ ong 600.000 đồng/kg, đặc biệt, bọ xít đen có giá lên tới 3 triệu đồng/kg (loại khô).
“Thường thì tôi đăng lên các hội nhóm, các trang Fanpage các địa phương để gom hàng, ai có thì chụp hình, quay video, thương lượng giá cả rồi đặt cọc, chuyển hàng. Nếu đảm bảo đúng loại mình thu mua, khô, chất lượng thì chuyển nốt số tiền còn lại. Hoặc là thu mua trực tiếp, hoặc đặt hàng cho một thương lái ở các địa phương gom hàng. Địa bàn chủ yếu là các huyện miền núi, có khi sang cả Lào”, anh Hào cho biết.
Có cầu ắt có cung, rất nhiều người dân tranh thủ thời gian nông nhàn đi bắt bọ đậu, đi săn bọ xít đen, đào bọ hung về để nhập cho thương lái. Anh Nguyễn Viết Lĩnh ở Đức Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Bọ 3 sọc thì hay trú ở ngô, đậu, vừng… nhiều nhất là khi các loại hoa màu này chưa thu hoạch. Khi bắt dùng vợt hoặc dùng bẫy, bắt vào sáng sớm hoặc chiều muộn, ngày nhiều nhất cũng chỉ được 1kg bọ sống”.
Để giảm công lao động, khai thác được nhiều hơn, đã có những đội quân chuyên săn bắt các loại công trùng. Ngoài cách bắt thủ công bằng vợt, bằng bẫy thì có nhiều người dùng các loại men, thuốc chuyên dụng để nhử côn trùng.
Đến nay, chưa có khuyến cáo nào về việc săn bắt côn trùng ảnh hưởng đến mùa màng, hoa màu hay mất cân bằng sinh thái vì hầu hết đây là các côn trùng gây hại, là loại thiên địch. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp người dân bị bỏng khi săn bắt do chất độc côn trùng gây ra. Và nếu săn bắt côn trùng theo kiểu tận diệt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, nhất là việc sử dụng các loại men, thuốc để nhử côn trùng.
Do đó, người dân, khi săn bắt côn trùng cần trang bị đồ bảo hộ lao động; đồng thời, không vì cái lợi trước mắt mà tận diệt các loại côn trùng, cũng như không được nhân nuôi chúng sẽ gây ra hậu hoạ.
Mặt khác, cũng cần tỉnh táo khi những năm trước, thương lái Trung Quốc đã từng thu mua nhiều loại nông sản như cau non, rễ tiêu, nụ hoa thanh long... hay đỉa, ốc bươu vàng với giá cao. Sau đó, đột ngột dừng thu mua khiến nhiều người khốn đốn. “Thật ra, chúng tôi cũng chỉ thu mua của dân rồi bán lại cho họ. Cũng chỉ biết họ mua về để làm nguyên liệu bào chế ra các vị thuốc. Họ đặt hàng thì mình gom hàng của dân, bán lại, kiếm đồng tiền chênh lệch làm lãi”, anh Hào cho biết thêm.