Sự hồi sinh trên vùng lũ quét Kỳ Sơn

Xuân Hoàng - Quang An 22/07/2023 17:02

(Baonghean.vn) - Trận lũ lịch sử cách đây gần 1 năm đã vùi lấp toàn bộ diện tích đất sản xuất của người dân 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà của xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Trên vùng đất những tưởng không thể hồi sinh được nữa, nay đang bừng lên một bức tranh với gam màu sáng.

Xanh lại những vườn rau

Trở lại bản Hòa Sơn và bản Sơn Hà của xã Tà Cạ lần này, chúng tôi ngạc nhiên trước những đám rau muống, giàn mướp, luống đậu, ruộng ngô,… xanh mướt mát; nhiều khu chuồng trại chăn nuôi gà, lợn thành đàn và hàng loạt ao thả cá được đào vuông vức, trên bờ được trồng các loại cây như sắn, chuối để lấy lá làm thức ăn cho cá. Ngoài rau xanh trong bữa ăn hàng ngày, có gia đình còn có rau bán.

bna_Người dân bản Hoà Sơn hái rau muống được trồng trên thửa đất cải tạo sau lũ.jpg
Những đám rau muống xanh non trên vùng đất bị đất đá vùi lấp sau trận lũ lịch sử xảy ra tại bản Hòa Sơn đầu tháng 10/2022. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Vi Văn Hoàn - người dân ở bản Hòa Sơn đang chăm sóc cá nuôi trong ao nhà đầy nước, vui vẻ bộc bạch: Sau trận lũ lịch sử đầu tháng 10/2022, toàn bộ khu đất ruộng sau nhà bị vùi lấp hoàn toàn bởi đất, đá từ trên đồi trôi xuống, có những tảng đá lớn, sức người không thể khênh nổi. Với ý chí “có sức người sỏi, đá cũng thành cơm”, đầu năm 2023, gia đình anh đầu tư trên 20 triệu đồng thuê máy múc san gạt đất, đá, cải tạo được đám ruộng để trồng rau xanh và đào ao cá rộng hơn 200m2.

Clip: Quang An - Xuân Hoàng

Mùa nào thức đó, từ mấy tháng nay, nhà anh Hoàn lúc nào cũng có rau xanh cải thiện bữa ăn. Hiện tại đang trồng rau muống, mướp, ngoài ăn còn có bán. Với ao nhà, anh Hoàn nuôi thả các loại cá truyền thống như trôi, chép…, hàng ngày, tận dụng cám gạo và nguồn thức ăn tại chỗ như lá chuối, sắn nên cá phát triển ổn định.

bna_ba chien.JPG
Những giàn bầu được người dân bản Hòa Sơn chăm sóc cẩn thận. Ảnh: Quang An

Dân bản còn khôi phục chuồng trại chăn nuôi gà, lợn. Ông Vi Văn Phương - chủ hộ chăn nuôi lợn cho biết, trước đây gia đình đã xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, nhưng trận lũ năm ngoái đã cuốn trôi hoàn toàn. Sau lũ, gia đình đào đắp, sửa sang lại khu vực nền và mua vật liệu xây dựng thành chuồng trại mới để nuôi thả lợn.

“Mới rồi gia đình mua 5 con lợn giống về nuôi thả. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp là chính, dự kiến cuối năm nay đàn lợn xuất chuồng. Gia đình còn cải tạo được hàng trăm mét vuông ruộng để trồng rau muống, ngô…”, ông Phương chia sẻ...

bna_Anh Vi Văn Hoàn bên ao cá được đào trên vùng đất trước đây bị đất đá vùi lấp bởi nước lũ.jpg
Ao cá của gia đình ông Vi Văn Hoàn được xây kè cẩn thận. Ảnh: Xuân Hoàng

Không trông chờ, ỷ lại

Anh Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hòa Sơn cho biết: Đợt lũ lịch sử năm ngoái khiến hơn 5 ha ruộng và đất màu của bản trước đây chuyên sản xuất rau an toàn bị đất, đá vùi lấp sâu hàng mét. Những tưởng phải bỏ hoang luôn, nhưng rồi với sự kiên trì, quyết tâm của bà con, đến nay hơn 2 ha đất màu và ruộng đã được cải tạo thành những ruộng rau xanh tốt và ao cá, chuồng trại chăn nuôi phát triển khả quan.

bna_Niềm vui của bà con bản Hoà Sơn mỗi ngày khi chủ động được  rau, quả. Ảnh Quang An.jpg
Niềm vui của người dân bản Hòa Sơn khi đã chủ động được rau xanh. Ản: Quang An

“Qua nắm bắt thực tế, đã có 7 hộ cải tạo đất sản xuất, bằng cách thuê máy múc san gạt thành những thửa ruộng, ao cá. Do lớp đất, đá vùi lấp quá dày, nên mỗi hộ dân đã phải đầu tư từ 20 – 25 triệu đồng để có được những đám ruộng mới. Tới đây, bà con sẽ tiếp tục thuê máy móc về cải tạo, mở rộng thêm diện tích đất sản xuất, ổn định cuộc sống khi Nhà nước chưa bố trí được khu tái định cư mới. Bản Hòa Sơn trước đây là vùng đất chuyên trồng các loại rau an toàn để cung ứng cho người tiêu dùng khu vực thị trấn Mường Xén, do vậy, bà con đã có kinh nghiệm sản xuất”, Trưởng bản Vi Văn Truyền chia sẻ thêm.

bna_ga.JPG
Nhiều hộ dân đã làm chuồng trại để chăn nuôi gà. Ảnh: Xuân Hoàng

Dân cư bản Hòa Sơn và bản Sơn Hà phần lớn là đồng bào Thái và Mông. Đợt lũ lịch sử đầu tháng 10 năm ngoái khiến cho đại bộ phận người dân nơi đây gặp khó khăn. Nhiều người cho rằng, để khôi phục cuộc sống cũng như sản xuất phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng những gì mà chúng tôi chứng kiến cho thấy sự nỗ lực vươn lên rất lớn của bà con ở đây.

bna_ghep.jpg
Ngô và sắn được bà con bản Hòa Sơn trồng trên những thửa đất đã cải tạo sau lũ. Ảnh: Quang An

Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ La Thị Hồng Văn cho rằng, sự hỗ trợ, sẻ chia kịp thời của lực lượng quân sự, công an, chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm đã làm cho bà con vùng tâm lũ thấy không hề “cô đơn”. Song không trông chờ, ỷ lại, sự tự vươn lên trong cuộc sống của bà con thời gian qua đã minh chứng rằng, bà con vùng lũ dù khó khăn, vất vả, nhưng đã nêu cao tinh thần vượt khó vươn lên.

bna_Chuồng trại chăn nuôi lợn của anh đình ông Vi Văn Phương bản oà Sơn.jpg
Đàn lợn của gia đình ông Vi Văn Phương ở bản Hòa Sơn nuôi thả trong chuồng trại được xây dựng sau lũ. Ảnh: Xuân Hoàng

Trải qua khó khăn, gian khổ mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của người dân vùng lũ, đặc biệt là lũ ống, lũ quét. Ở đó, nước lũ có thể vùi lấp của cải, ruộng đồng, nhưng không thể làm vơi ý chí, nghị lực phi thường của người dân nơi đây. Rời bản Hòa Sơn khi ánh chiều dần khuất, khung cảnh bà con hái rau, chăm sóc đàn gà, đàn lợn, ao cá… và những ngôi nhà đang xây dựng, thấy được sức sống mới đang nhen lên nhiều hy vọng vào ngày mai.

Từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau khi bà con cải tạo được đất sản xuất, huyện đã hỗ trợ các loại giống rau, củ, quả, phân bón và máy móc để thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn; đồng thời, hỗ trợ giống gà cho bà con chăn nuôi. Các cấp chính quyền còn hỗ trợ việc khắc phục, sửa chữa lại những tuyến đường, công trình thuỷ lợi bị hư hỏng do lũ.

ÔNG THÒ BÁ RÊ - PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN KỲ SƠN

Xuân Hoàng - Quang An