Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị với giám đốc sở 63 tỉnh, thành để triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024
(Baonghean.vn) - Chiều 21/7, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Bộ GD&ĐT; đại diện các Đại học, Trường Đại học; Giám đốc Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành phố.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; trên cơ sở đó thống nhất đề xuất phương hướng, định hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.
Phát biểu chào mừng hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các quý vị đại biểu, khách quý về tham dự Hội nghị lời chào mừng nồng nhiệt và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Thông tin tới hội nghị về điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội; cùng truyền thống hiếu học, khổ học và quyết học thành tài của đất và người Nghệ An, đặc biệt hình ảnh “Ông đồ xứ Nghệ” trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu, nguồn cảm hứng và động lực to lớn, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An luôn quan tâm, chăm lo, dành nhiều điều kiện thuận lợi nhất có thể cho công tác GD&ĐT.
Với quan điểm giáo dục là con đường căn bản để hưng thịnh nước nhà, là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Tỉnh đã tiếp cận và tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục, chuyển đổi số và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, tương xứng là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về GD&ĐT.
Nghệ An cũng kiên quyết, kiên trì chỉ đạo thực hiện thành công các mô hình giáo dục mới; chú trọng hình thành và phát triển kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu, chuẩn bị hành trang cần thiết giúp các em trở thành công dân số, công dân toàn cầu đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời tiếp tục quan tâm động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời đội ngũ nhà giáo, học sinh trong dạy học, triển khai sâu rộng phong trào xã hội học tập.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Hội nghị là dịp để tỉnh Nghệ An được lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả từ các địa phương trong cả nước; lĩnh hội, tham vấn, trao đổi thông tin, nhận sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT, qua đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ dạy và học.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ quan trọng của Bộ GD&ĐT, cảm ơn sự phối hợp, chia sẻ kịp thời của các tỉnh bạn trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, hỗ trợ học sinh, sinh viên của Nghệ An đang học tập tại các địa phương suốt thời gian qua. Mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa để tỉnh Nghệ An sớm hoàn thành mục tiêu phát triển trở thành tỉnh khá của miền Bắc vào năm 2025, tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030.
Tại hội nghị, qua đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2022 - 2023, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cố gắng phấn đấu, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.
Trong đó, đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2022 - 2023, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người; tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022.
Ngành cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Cụ thể, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non. Sĩ số trẻ/nhóm lớp đều tăng so với năm học trước. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 70,4%, tăng 4,6% so với năm học 2021 - 2022.
Số lượng và tỷ lệ huy động trẻ em đến trường đều tăng mạnh so với năm học trước cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành và các địa phương trong việc khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ.
Đối với giáo dục phổ thông, năm học 2022 - 2023, cả nước có 25.467 cơ sở với 1.976.744 học sinh. Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 30/63 tỉnh, thành phố (đạt tỷ lệ 46%) được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 4 đơn vị cấp tỉnh, tương ứng 6% so với cùng thời điểm năm trước); 11 tỉnh/ thành phố (đạt tỷ lệ 17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 7 tỉnh/thành phố (đạt tỷ lệ 11,1%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Ngành cũng đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, theo kết quả ban đầu, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%.
Một trong những khó khăn của ngành GD&ĐT gặp phải là vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
TẠO BƯỚC TIẾN LỚN VỀ THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; với chủ đề năm học là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023 - 2024; đặc biệt ngành sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế và tạo bước tiến lớn về thể chế và chính sách.
Cụ thể là trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện, ngành sẽ chuẩn bị để trình ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; đồng thời sẽ xây dựng trình ban hành Luật Nhà giáo.
Người đứng đầu Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, năm học 2023-2024 sẽ là năm học mang tính chất bứt phá trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; theo đó cần dồn lực để thực hiện, đảm bảo yêu cầu đổi mới theo chiều sâu, ở từng môn học, ở phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời lưu ý quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường; phòng, chống bạo lực học đường; thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trên tinh thần tự nguyện, không gây bức xúc trong xã hội…
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu cần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới từ năm học 2023 - 2024;...