Sau đợt mưa vàng ở Nghệ An, cây lúa, cây chè hồi xanh
(Baonghean.vn) - Cơn mưa vàng trong những ngày qua đã cung cấp một lượng nước quý giá cứu hạn cho các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh…
Vụ hè thu này, gia đình chị Đinh Thị Thanh (xã Đại Đồng, Thanh Chương) làm 4 sào lúa. Đầu vụ, gieo cấy xong thì gặp hạn nặng, ruộng khô, chân ruộng nứt nẻ, cây lúa thiếu nước, bắt đầu vàng ngọn, héo lá và cằn cỗi. Đang lo lúa chết cháy thì liên tiếp từ ngày 19-21/7 trên địa bàn xã có mưa, nước ngập chân ruộng, các trà lúa no nước, nhanh chóng hồi xanh.
“Đúng là 'mưa vàng', có đủ nước, cây lúa nhanh chóng xanh trở lại, cứng cáp hẳn. Tranh thủ đang có nước, trời mát nên người dân ra đồng bón thúc cho lúa, tập trung dưỡng lúa”, chị Thanh cho biết.
Vụ Hè thu năm nay, các vùng đồng cao cưỡng ở Thanh Chương gặp rất nhiều khó khăn. Đầu vụ thiếu nước để gieo cấy, sau khi gieo cấy lại gặp hạn hán kéo dài, nắng nóng khốc liệt khiến hàng ngàn ha lúa các xã như: Đại Đồng, Đồng Văn, Thanh Phong, Thanh Ngọc, Ngọc Sơn… sinh trưởng kém, có nhiều vùng, lúa đã bắt đầu vàng lá, khô ngọn. Đợt mưa vừa qua giúp các cánh đồng ngập nước, cây lúa hồi xanh nhanh chóng.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, vụ hè thu, toàn huyện gieo cấy 5.400 ha lúa. Do nắng nóng kéo dài nên thời gian qua, xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số xã; 500 ha lúa tập trung ở các xã Hùng Tiến, Xuân Lâm, Kim Liên, Nam Anh, Nam Xuân… đứng trước nguy cơ hạn nặng.
Đợt mưa trong những ngày qua đã chấm dứt tình trạng hạn hán, những ngày qua, người dân tranh thủ ra đồng bón thúc đạm, lân, ka-li, phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Ông Lê Thanh Hùng, cán bộ nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết: “Sau mưa, chúng tôi đã khuyến cáo bà con đắp bờ giữ nước, tập trung chăm sóc lúa, bón thúc kịp thời để lúa hấp thụ tối đa dinh dưỡng. Đây là giai đoạn quan trọng khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng”.
Đặc biệt, đối với những vùng trồng chè công nghiệp như Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp thì đợt mưa vừa qua được coi là “mưa tiền tỷ” khi đã cứu các đồi chè qua đợt hạn hán kéo dài.
“Không có điện 3 pha nên chúng tôi phải dùng máy nổ để bơm tưới cho chè. Mỗi đợt tưới đẫm thì tốn cả vài triệu đồng cho 2-3ha chè. Tốn kém nhưng cây chè vẫn bị khô, sém lá. May có đợt mưa kéo dài, lượng mưa lớn đã giúp cây chè hồi sinh. Đặc biệt, các ao hồ tích thêm nước, các đợt nắng nóng sau cũng đỡ lo khi đã có nước bơm tưới”, anh Lê Văn Thắng, xóm 2, Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết.
Không riêng gì hộ anh Thắng mà toàn bộ diện tích chè kinh doanh của người dân các xã Hạnh Lâm, Thanh Thuỷ, Thanh Đức người trồng chè rất vất vả khi hầu hết diện tích chè nằm xa khu dân cư, đường điện chưa được đấu nối tận nơi nên người dân phải dùng máy nổ để vận hành béc tưới, máy bơm.
Ngoài vất vả để bơm tưới thì còn tốn kém không ít chi phí để mua dầu, trong khi đó, nước tích trữ ở các ao, hồ để tưới cho chè cũng đã cạn khô khiến bà con nơi đây rất lo lắng. Anh Lê Đình Đạt, một hộ trồng chè ở Hạnh Lâm cho biết: “May mà có đợt mưa vừa qua, không thì chết cháy hết. Nắng kéo dài quá, tưới không lại”.
Mưa to, kéo dài và liên tục trong những ngày qua đã hạ nền nhiệt, cung cấp nước, tăng độ ẩm cho đất, ngăn hạn, chống nóng cho cây trồng. Điều này, rất có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là những vùng trồng chè, trồng cây ăn quả. “Cam đang trong thời kỳ tích nước, dưỡng quả, nắng hạn khiến gia đình rất lo lắng. Vì nếu liên tiếp nắng nóng, không có mưa thì chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cam. Nhờ đợt mưa này, ngoài chống hạn thì còn bổ sung lượng đạm tự nhiên giúp cây cam phát triển mạnh, quả cam tích đủ nước, đảm bảo năng suất vào cuối vụ".
Ngoài giúp cây ăn quả, cây chè nguyên liệu, lúa và hoa màu phục hồi, đợt “mưa vàng” vừa qua cũng đã giúp giảm nguy cơ cháy rừng sau đợt nắng nóng kéo dài. Đồng thời, bổ sung nguồn nước dự trữ cho các ao, hồ đập thuỷ lợi trên địa bàn.
Tuy nhiên, sau mưa, thời tiết mát mẻ là điều kiện phát sinh của một số loại dịch hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng… Vì thế, người dân cần theo dõi thường xuyên đồng ruộng, phát hiện và xử lý sớm sâu bệnh trong diện hẹp để đảm bảo cây phát triển tốt.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ, lượng mưa các khu vực từ ngày 20/7- 21/7 đo được tại các trạm đo mưa tự động cụ thể: Hạnh Lâm: 83.0mm, Khe Na 1: 72.4mm, Thác Muối: 67.6mm, Thanh Thuỷ: 56.4mm, Na Ngoi: 45.2mm… Trước đó, đã xuất hiện mưa rào và dông rải rác ở một số địa phương: Hoàng Mai, Thái Hòa, Diễn Châu, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Tương Dương.