Cây quế Quỳ cần được quan tâm bảo hộ chỉ dẫn địa lý
(Baonghean.vn) - “Nhất quế Quỳ, nhì quế Thanh”, từ ngàn năm trước, cùng với ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, trầm hương,... quế Quỳ là một sản vật được cung tiến, xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước. Vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản này cần được quan tâm.
Chỉ dẫn địa lý và vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản
Tổ chức thương mại thế giới đã thông qua Hiệp định liên quan đến sở hữu trí tuệ, trong đó quy định về chỉ dẫn địa lý như sau: “Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications) được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của một nước thành viên hoặc từ một vùng, một khu vực địa lý của nước đó, mà chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý này mang lại”.
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2022 cũng chỉ rõ: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể”. Theo đó, chỉ dẫn địa lý được hiểu là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ đâu? Ví dụ như: Nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, bưởi Phúc Trạch,...
Chỉ dẫn địa lý là một công cụ hữu hiệu trong xúc tiến thương mại, đặc biệt với kinh doanh xuất khẩu. Nó mang lại giá trị gia tăng, giúp sản phẩm thâm nhập thị trường và phát triển một cách nhanh chóng, dễ dàng nhờ chất lượng và uy tín của sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý. Hơn nữa, do những đặc tính riêng biệt của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mà chúng được nhận biết tốt hơn trên thị trường. Điều này khiến cho việc thực hiện chiến lược marketing hay các hoạt động xúc tiến thương mại trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Ngoài việc chỉ dẫn địa lý là công cụ đối với sự phát triển kinh tế khu vực, kinh tế dựa vào cộng đồng (vì nó thường được sở hữu bởi tập thể), thì nó còn giúp bảo vệ và giữ gìn các di sản, tri thức bản địa truyền thống, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm tại chỗ. Đối với quế Quỳ, một đặc sản của Nghệ An, vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần được quan tâm. Nhận thức được vấn đề đó, trong những năm 90 của thế kỷ trước, một phong trào trồng quế được triển khai khá rầm rộ ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong và đã đạt diện tích gần 1.000ha.
Tuy nhiên, do khâu chuẩn bị giống không tốt cũng như nhận thức còn hạn chế nên thời điểm đó, nhiều loại giống quế được nhập về để trồng đại trà, trong khi giống quế Quỳ bản địa chưa được quan tâm và nhân giống phục vụ sản xuất đủ để trồng mới. Một mặt do thị trường thời điểm thu hoạch xuống thấp, một phần do chất lượng không đồng đều (do nhiều loại giống) nên giá đầu ra thấp, hiệu quả không cao nên sau khi thu hoạch, bà con ít trồng lại. Cây quế lại bị quên lãng một thời gian dài, nhường chỗ cho cây keo.
Trong khi đó, cây quế được các tỉnh Tây Bắc duy trì và phát triển, đặc biệt là tỉnh Yên Bái. Kiên trì với cây bản địa, Yên Bái đã xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên và hiện nay đã phát triển được vùng nguyên liệu khoảng 100.000ha quế. Diện tích lớn là một lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế. Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có đến 17 doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm chính từ quế và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới. Cây quế đã được thu mua, chế biến không thải một thứ gì, từ lá, cành, vỏ, gỗ đều được thu mua. Từ đó sản xuất ra các sản phẩm như vỏ vụn, gỗ ván, gỗ thanh, gỗ băm, viên nén..., đến tinh dầu quế, quế ống, quế sáo và các sản phẩm mỹ nghệ từ quế...
Theo Giám đốc HTX Chế biến quế ở huyện Văn Yên - Yên Bái trao đổi, nhờ chế biến mà doanh thu 1ha quế trong một chu kỳ 10 - 15 năm có thể lên đến 600 - 800 triệu đồng.
Để quế Quỳ phát triển bền vững
Xác định được ý nghĩa của cây bản địa, từ năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh đưa cây quế Quỳ vào chương trình sở hữu trí tuệ, chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển quỹ gen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây quế vào chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp. Trên cơ sở đó năm 2016, Sở KH&CN phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt triển khai điều tra khảo sát thực trạng giống quế trên địa bàn để tuyển chọn các cây ưu tú, đánh dấu, bảo vệ để nhân giống cây quế Quỳ bản địa.
Qua phân tích, so sánh cho thấy cây quế Quỳ bản địa có ưu thế vượt trội về chất lượng và phát triển nhanh, ít sâu bệnh hơn so với các giống khác trồng trên vùng đất Phủ Quỳ đang có cùng thời điểm. Đặc biệt, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã xây dựng được vườn ươm cây giống để cung ứng cho dân.
Chính vì vậy, sau một thời gian dài bị quên, cây quế Quỳ đã bắt đầu được phục hồi với diện tích hiện nay khoảng 600ha (tập trung chủ yếu ở huyện Quế Phong). Với tính ưu việt, diện tích hiện có, cây Quế Quỳ đã có đủ điều kiện cần và đủ để xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Để phát triển bền vững cây quế Quỳ, để nó trở lại với danh tiếng vốn có của nó, tạo sinh kế ổn định góp phần giảm nghèo, cần quan tâm một số vấn đề như sau: Thứ nhất, triển khai quy hoạch vùng trồng cây quế Quỳ trên vùng đất Phủ Quỳ, ưu tiên tập trung các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, (đồng thời thử nghiệm một số nơi mới như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn) nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với một diện tích đủ lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất khẩu. Sở NN&PTNT phối hợp UBND các huyện hình thành các tổ công tác triển khai ở các huyện trọng điểm. Công bố quy hoạch và cam kết phát triển để thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, phối hợp cùng doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất giống.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các huyện trong vùng quy hoạch trồng quế tham mưu UBND tỉnh xây dựng, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển Chỉ dẫn địa lý cây quế Quỳ và các sản phẩm từ quế Quỳ. Trên cơ sở quỹ gen quế bản địa đã được khẳng định, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các vườn ươm cây giống đủ cung ứng theo nhu cầu với giá hợp lý, tránh tình trạng chuyển giống quế từ các tỉnh khác về với giá rẻ hơn làm ảnh hưởng đến cây quế Quỳ.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xây dựng vườn cây đầu dòng để cung ứng hạt cho cơ sở sản xuất giống, đồng thời phối hợp với các huyện kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống, xuất xứ giống...
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và nhân dân về ý nghĩa, ưu thế của việc phát triển cây quế bản địa để bảo vệ uy tín sản phẩm quế Quỳ. Hướng dẫn cho dân quy trình canh tác “trồng dày thu tỉa” để tuân thủ chặt chẽ. Đặc biệt tiếp cận với canh tác theo hướng hữu cơ để có thể đạt chứng chỉ chất lượng đi vào thị trường giá cao.
Thứ ba, hình thành các hợp tác xã trồng, chế biến nhỏ để hỗ trợ giải quyết đầu ra, hợp tác trong canh tác để được chứng nhận rừng phát triển bền vững FSC, đề nghị cấp mã vùng sản phẩm quế Quỳ, hướng đến vùng trồng quế hữu cơ. Với chính sách hỗ trợ phát triển cây bản địa hiện có, cần ưu tiên bố trí nguồn lực đủ lớn để phát triển cây quế, tránh phân tán, tủn mủn, mỗi đối tượng một ít. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo các huyện, các ngành ưu tiên các nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để cùng tập trung hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác an ninh để phòng chống hiện tượng bóc trộm vỏ quế gây bất an cho người dân như một số vụ việc vài năm qua. Hy vọng rằng, một ngày không xa, cây quế Quỳ vang bóng một thời được phát triển với diện mạo mới, sản phẩm đa dạng, sáng tạo và vươn xa đến với các nước trên thế giới./.