Tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người ở Nghệ An

Gia Huy 25/07/2023 08:52

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, chính quyền các địa phương, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, kiểm soát, vô hiệu hoá nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm về mua bán người. Thế nhưng, vẫn có nhiều người dân sập bẫy của các đối tượng mua bán người.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Lợi dụng điều kiện khó khăn về kinh tế và sự thiếu hiểu biết của người dân nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, tội phạm mua bán người đã lừa gạt, dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ để bán sang nước ngoài với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Đối tượng Kha Thị Phương dụ dỗ lôi kéo 2 phụ nữ ở xã Mai Sơn ( Dương Dương) bán sang nước ngoài . Ảnh tư liệu Hồng Ngọc.jpg
Đối tượng Kha Thị Phương dụ dỗ lôi kéo 2 phụ nữ ở xã Mai Sơn (Dương Dương) bán sang nước ngoài. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Điển hình ngày 20/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tương Dương đã khởi tố, bắt tạm giam Kha Thị Phương (SN 1986), trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương về tội mua bán người, đồng thời giải cứu 2 nạn nhân. Theo điều tra của cơ quan Công an, Kha Thị Phương đã cấu kết với một số đối tượng ở nước ngoài dụ dỗ đưa các lao động tại địa bàn huyện Tương Dương sang nước ngoài làm việc với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”, nhưng thực chất là ép làm vợ đàn ông ngoại quốc. Với thủ đoạn như trên, Phương đã dụ dỗ, lôi kéo đưa hai người phụ nữ trú tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương bán sang nước ngoài với số tiền tương đương 350 triệu đồng.

h3-1688640202631.jpeg
Hai đối tượng Ven Thị Hoài và Cụt Thị Ngọc. Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) Nghệ An và Công an huyện Kỳ Sơn nắm bắt được thông tin về một số đối tượng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có biểu hiện móc nối, cấu kết với một số đối tượng ngoài địa bàn để lôi kéo, dụ dỗ các cháu gái đi làm ăn tại các tỉnh, thành khác, nhưng thực chất là để đưa các nạn nhân ra các tỉnh phía Bắc bán cho các đối tượng người Việt Nam ở Trung Quốc, nên đã xác lập chuyên án để tập trung lực lượng đấu tranh, triệt xóa.

Sau một thời gian triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tối 1/7/2023, Ban chuyên án đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Ven Thị Hoài (SN 2003), trú tại bản Khe Nạp, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn khi đang dẫn theo 2 cháu gái V. T. Kh. (SN 2009), M. T. Nh. (SN 2008), cùng trú tại bản Khe Nạp, xã Bảo Nam trên xe khách đi ra các tỉnh phía Bắc, để chuẩn bị sang Trung Quốc.

h2-1688640160006.jpeg
Lực lượng chức năng lấy lời khai của đối tượng Ven Thị Hoài. Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Đồng thời, một tổ công tác khác đã bắt giữ thành công đối tượng liên quan khác là Cụt Thị Ngọc tại tỉnh Tuyên Quang. Bước đầu cơ quan Công an đã đấu tranh, làm rõ: Ven Thị Hoài trong quá trình đi làm công nhân tại Bắc Giang có quen biết Cụt Thị Ngọc. Trong những lần về quê, nhận thấy gia đình cháu V. T. Kh. và M. T. Nh. có hoàn cảnh khó khăn nên Ven Thị Hoài đã dụ dỗ, lôi kéo 2 cháu đi làm nhân viên tại các quán ăn thuộc tỉnh Bắc Giang. Nhưng thực chất là để đưa các nạn nhân ra tỉnh Tuyên Quang bán cho Cụt Thị Ngọc đưa sang Trung Quốc lấy chồng. Sau khi Ngọc và Hoài bị bắt, hai nạn nhân V. T. Kh. và M. T. Nh. đã được lực lượng Công an bàn giao cho chính quyền địa phương, gia đình.

Thế nhưng, không phải nạn nhân nào cũng may mắn như vậy, nhiều phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng, trải qua quãng thời gian cực khổ mới tìm đường trốn về quê và tố cáo kẻ lừa bán mình. Cá biệt, một số trường hợp sau khi bị lừa bán đã quay lại dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ khác. Như trường hợp Lương Thị Tinh, SN 1981 ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương, do hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, phải nuôi con nhỏ nên đầu năm 2013, Tinh bị chị họ là Lương Thị Năm trú tại bản Quang Yên, xã Tam Đình dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc với tiền công mỗi ngày là 150.000 đồng. Thế nhưng, Tinh bị Năm bán hai lần làm vợ hai người đàn ông Trung Quốc. Điều đáng nói là sau đó, chính Tinh cũng đã có hành vi lừa bán người khác và chịu án phạt tù vì tội mua bán người qua Trung Quốc.

Một nạn nhân của tội phạm mua bán người trình bày tại toà. Ảnh Trần Vũ.JPG
Một nạn nhân của tội phạm mua bán người trình bày tại toà. Ảnh: Trần Vũ

Theo lực lượng chức năng, tội phạm mua bán người thường hình thành các đường dây, tổ chức chặt chẽ, nằm rải rác ở các tỉnh trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng gây khó khăn cho việc tổ chức bắt giữ, xử lý.

Giai đoạn 2020-2023, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 36 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em; tiếp nhận, xác minh 307 nạn nhân của việc mua bán người.

Triểnkhai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, cấp uỷ, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện địa bàn, nhận thức của từng đối tượng, nhất là tại các địa phương trọng điểm.

Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp (Tương Dương). Anh tu lieu TQ.png
Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Từ năm 2020-2023, các đơn vị, địa phương đã tổ chức trên 3.000 buổi sinh hoạt chuyên đề để tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm, phòng chống tội phạm, gần 3.500 cuộc họp khối, xóm, thôn, bản, làng có lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người; tổ chức cho trên 13.000 lượt người cam kết, không vi phạm pháp luật, tham gia các tệ nạn xã hội, tích cực tố giác tội phạm mua bán người...

Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả gần 10 nghìn tổ tự quản về an ninh trật tự, 21 mô hình, điển hình tiên tiến về quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự và nhân rộng ra 320 điểm.

co quan CA lam viec voi  đối tượng Vi Thi Thoan trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn để làm rõ hành vi mua bán người.Ảnh tư liệu; Phạm Thuỷ.jpg
Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Vi Thị Thoan, trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn để làm rõ hành vi mua bán người. Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong công tác giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các tỉnh giáp biên của Lào tổ chức các buổi giao ban và ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới, trong đó có hợp tác đấu tranh tội phạm đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép, tội phạm mua bán người…

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 5442//UBND-NC, trong đó giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm mua bán người. Làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng Biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài ở khu vực biên giới. Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển; quản lý cửa khẩu, cảng biển, kiểm soát xuất, nhập cảnh; ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép... tạo thế trận liên hoàn, khép kín từ nội địa đến khu vực biên giới trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Phòng CSHS (Công an Nghệ An) phát hiện, giải cứu và đưa trở về địa phương 3 phụ nữ mang thai vượt biên sang nước ngoài bán con. Anh tu lieu trong tuân.jpeg
Phòng CSHS (Công an Nghệ An) phát hiện, giải cứu và đưa trở về địa phương 3 phụ nữ mang thai vượt biên sang nước ngoài bán con. Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn

UBND tỉnh cũng yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng; nhân rộng mô hình công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng để góp phần ổn định cuộc sống, ổn định thu nhập, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người...

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác giới thiệu việc làm, đưa lao động người Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại tỉnh Nghệ An... để góp phần chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người.

Sở Ngoại vụ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước ngoài xác minh, thực hiện các thủ tục cần thiết để hỗ trợ đưa nạn nhân là công dân Việt Nam (người Nghệ An) về nước. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an và các cơ quan khác có thẩm quyền trong trao đổi thông tin, điều tra, giải cứu, xác định nạn nhân bị mua bán và hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người…

có nhiều thành tích xuất sắc trong Lãnh đạo huyện kỳ sơn động viên khen thưởng công an huyện Kỳ Sơn có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Ảnh lữ phú.jpg
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn động viên khen thưởng Công an huyện Kỳ Sơn có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Ảnh tư liệu: Lữ Phú

Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh (từ ngày 1/7 - 30/9/2023).

Gia Huy