Mở rộng diện tích trồng sen cần lưu ý đầu ra sản phẩm

Q.A 26/07/2023 10:07

(Baonghean.vn) - Hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Nam Đàn, TP.Vinh… đang mở rộng diện tích trồng sen để vừa tạo cảnh quan, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Mặc dù vậy, hộ sản xuất và các địa phương cần tính toán đầu ra bền vững cho sản phẩm này khi diện tích ngày càng lớn.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen

Những ngày này, người dân xóm 6, xã Nghi Kim, TP.Vinh đang tất bật với công việc thu hoạch sen để nhập cho các đơn vị thu mua. Cánh đồng sen bạt ngàn này trước đây là một vùng đất trồng lúa trũng thấp, sình lầy, canh tác chỉ được vài năm, sau đó phải bỏ hoang vì năng suất và chất lượng kém, tưởng chừng sẽ không thể trồng được loại cây nào nữa.

bna_6.jpg
Cánh đồng sen tại xã Nghi Kim, TP.Vinh sinh trưởng tốt trên đất lúa. Ảnh: Q.A

Trước thực trạng đó, TP.Vinh đã có kế hoạch cải tạo khu vực này để trồng sen và phát triển môi trường sinh thái, vừa không lãng phí tài nguyên đất, vừa phát triển du lịch trải nghiệm phù hợp với xu thế. Sau 2 năm triển khai, từ 1 ha thử nghiệm ban đầu, đến nay, cánh đồng sen tại xóm 6, xã Nghi Kim đã mở rộng lên 3,5 ha, phủ một màu xanh ngát của lá sen, tô điểm thêm những búp sen hồng, trắng. Khung cảnh đìu hiu, hoang tàn những năm trước nay trở nên xanh mát, hiền hòa khiến ai cũng bất ngờ.

Ông Nguyễn Khắc Hòa - xóm trưởng xóm 6, cũng là người dân có hơn 1 sào sen cho biết: Điểm trồng sen nằm ở khu vực Bàu Sâu, thuộc xóm 6, ngày trước khu vực này vừa sình lầy, ô nhiễm, ngập lụt nên bỏ hoang nhiều năm. Từ khi thành phố và xã có chủ trương cải tạo, chuyển đổi sang trồng sen, người dân rất phấn khởi ủng hộ. Hiện xóm đã có 35 hộ tham gia, mỗi hộ từ 10 thước đến 1-2 sào.

bna_1.jpg
Người dân xã Nghi Kim, thành phố Vinh thu hoạch sen. Ảnh: Q.A

Từ khi chuyển sang trồng sen trên đất lúa, người dân xóm 6, xã Nghi Kim rất phấn khởi vì được “lợi ích kép” khi môi trường không còn bị ô nhiễm, đất không bị bỏ hoang, bà con lại có thu nhập từ việc bán sen. Đặc biệt, khi khách du lịch đến chụp ảnh muốn có sen để tạo cảnh đều sẵn sàng mua sen trực tiếp của người dân với giá 5.000 đồng/bông, bà con có “tiền tươi” ngay tại ruộng.

Ở huyện Nam Đàn, xã Kim Liên là địa phương có diện tích trồng sen đứng đầu trên địa bàn huyện. Dọc các đường làng, ngõ xóm, cánh đồng trên địa bàn có thể bắt gặp những đầm sen rực rỡ trong nắng Hè. Chính quyền xã Kim Liên cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 30 ha sen, trong đó, ngoài những diện tích sen ở trong các ao, đầm cũng có các cánh đồng sen được trồng trên các diện tích trồng lúa kém hiệu quả với nhiều loại sen khác nhau.

bna_nam đàn.jpg
Xã Kim Liên đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen những năm qua. Ảnh: Q.A

Chị Trần Thị Hà ở xã Kim Liên cho biết: Từ khi chuyển đổi hơn 1,5 sào đất lúa sang trồng sen, gia đình có thêm thu nhập mà không mất công chăm sóc nhiều so với trồng lúa. Cây sen sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, toàn bộ các bộ phận của cây sen như búp, lá, đài, hạt đều được thu mua nên gia đình cũng có thu nhập ổn định gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Ông Trần Khắc Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Trong số hơn 30 ha trồng sen thường xuyên thì có khoảng 20 ha là từ các ao, đầm, diện tích còn lại là từ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Cách làm này bước đầu đã khẳng định được hiệu quả khi vừa tạo được cảnh quan đẹp trên quê Bác, vừa tạo thu nhập cho người dân. Dự kiến trong những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng sen, với khoảng 40 ha sen trên địa bàn.

bna_3.jpg
Hoa sen hiện đang được ưa chuộng trên thị trường. Ảnh: Q.A

Xã Nam Giang, huyện Nam Đàn hiện đang triển khai thử nghiệm trồng sen với diện tích 2 ha, trong đó, chủ yếu là trồng trên đất lúa. Chính quyền xã Nam Giang cho biết, nếu thử nghiệm đạt hiệu quả sẽ quy hoạch vùng trồng sen với diện tích khoảng 6 - 7 ha, chủ yếu tập trung tại xóm 5 và xóm 6, nơi có nhiều diện tích đất trồng lúa thấp trũng, kém hiệu quả những năm qua.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Đàn thì đến nay, toàn huyện có khoảng 200 ha sen, trong đó, có nhiều diện tích sen được trồng trên đất lúa, tập trung tại các xã Kim Liên, Nam Thanh, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc…

Cần chú trọng đầu ra sản phẩm

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang mở rộng diện tích trồng sen hàng năm, nhưng với diện tích ngày càng lớn thì cần lưu ý đến đầu ra sản phẩm cho bà con trong điều kiện việc chế biến sâu theo chuỗi từ cây sen vẫn chưa phát triển mạnh, trong đó, đa phần là bán sen tươi, không bền vững nếu thời điểm thị trường không có nhu cầu lớn.

bna_a.jpg
Cánh đồng sen trên địa bàn huyện Nam Đàn. Ảnh: Q.A

Tại xã Nghi Kim, TP.Vinh, hiện nay, diện tích sen là 3,5 ha và xã đang lên kế hoạch đề xuất với thành phố để mở rộng thêm 5 ha tại khu vực Bàu Sâu, gấp đôi diện tích hiện có. Vấn đề đặt ra, khi mở rộng diện tích trồng sen liệu có đơn vị nào sẵn sàng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho biết: Đối với 3,5 ha hiện tại đang có 2 đơn vị cam kết thu mua cho người dân, mặc dù mong muốn của xã là mở rộng diện tích trồng sen để tạo điểm nhấn về cảnh quan, du lịch sinh thái trên địa bàn cũng như thành phố, tuy nhiên, về khía cạnh tạo thu nhập bền vững cho người trồng sen nếu mở rộng thì chưa thể khẳng định được, vì tùy vào sự liên kết và giá cả thị trường. Đây cũng là điều địa phương đang băn khoăn.

bna_4.jpg
Các bông sen được xếp thành từng bó để giao cho khách hàng. Ảnh: Q.A

Tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn dù có diện tích trồng sen rất lớn, nhưng ông Trần Khắc Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, hiện nay, chỉ có 2 đơn vị bao tiêu sen cho bà con là HTX Sen Quê Bác và 1 cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động. Nếu không nhập cho các đơn vị này thì bà con phải tự tìm cách bán lẻ ra thị trường hoặc hy vọng khách du lịch ghé thăm sẽ mua sen ủng hộ. Do đó, nếu mở rộng diện tích trồng sen theo kế hoạch thì việc đảm bảo đầu ra cho bà con là rất quan trọng.

Đại diện HTX Sen Quê Bác cho biết: Hiện nay, đơn vị đang bao tiêu sản phẩm sen cho người dân trên địa bàn, trong đó, ưu tiên cho các vùng mà HTX liên kết. Do các sản phẩm chế biến từ sen của đơn vị phải đảm bảo chất lượng từ khâu trồng đến thu hoạch, tuyển chọn đúng quy trình nên không thể bao thu mua hết tất cả sen đại trà của người dân trồng. Do đó, bên cạnh việc chuyển đổi trồng sen trên đất lúa thì bà con cũng cần chú trọng về giống, quá trình chăm sóc để có những sản phẩm sen chất lượng, các đơn vị bao tiêu sẽ sẵn sàng thu mua.

bna_aa.jpg
Các sản phẩm chế biến từ sen cần phải được tuyển chọn nguyên liệu kỹ càng. Ảnh: Q.A

Việc chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa thấp trũng, thường xuyên ngập lụt, kém hiệu quả sang trồng sen đã được huyện Nam Đàn triển khai trong những năm qua và khuyến khích các địa phương thực hiện để đảm bảo cảnh quan cũng như tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù vậy, việc mở rộng diện tích trồng sen cũng đặt ra vấn đề đảm bảo đầu ra cho người dân. Thời gian tới huyện sẽ tăng cường kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, chế biến, đồng thời quảng bá thế mạnh sen địa phương để sản phẩm được biết đến rộng rãi, góp phần tạo đầu mối tiêu thụ cho người trồng sen trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp VÀ PTNT huyện Nam Đàn

Q.A