Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

Đức Dũng 26/07/2023 14:44

(Baonghean.vn) - Thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cử tri thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên cho rằng, Luật An ninh mạng đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, nhưng hiện nay, trên các trang mạng xã hội (Facebook...) vẫn tràn ngập các thông tin tiêu cực, quảng cáo xấu, tuyên truyền sai trái, chống đối của các thế lực thù địch. Kiến nghị cần quản lý chặt chẽ hơn để hạn chế những tiêu cực này.

Vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông xin trả lời như sau:

Cả nước hiện có 935 mạng xã hội (trong nước) đã được cấp phép hoạt động với khoảng 130 triệu tài khoản đăng ký; 3 mạng xã hội xuyên biên giới gồm: Facebook (70 triệu tài khoản), Youtube (có 60 triệu tài khoản), TikTok (45 triệu tài khoản); Nghệ An có 1 mạng xã hội đã được cấp phép (ktsvn.com.vn), ngoài ra, có 2 mạng xã hội chuyên cung cấp thông tin về Nghệ An và do người Nghệ An thiết lập nhưng không có trụ sở tại Nghệ An (nguoinghe.vn và songlamplus.vn).

Thời gian qua, bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho con người thì mạng xã hội cũng đem đến nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội như: Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân; Đăng phát thông tin một chiều, sai sự thật, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân...

612a0185397bf.jpeg
Tin giả, thông tin xấu, độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới. Ảnh minh họa

Nhận diện những mặt trái của mạng xã hội, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế tiêu cực, như: Phát hành ấn phẩm nhận diện thông tin xấu, độc trên không gian mạng; Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp nhận và sử dụng thông tin trên môi trường mạng đảm bảo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (từ năm 2020 đến nay, đã tiến hành xử lý: 5 trang thông tin điện tử; dừng hoạt động 6 trang thông tin điện tử tổng hợp; trên 200 cá nhân).

Mặc dù, công tác quản lý đã được tăng cường, tuy nhiên, trên môi trường mạng vẫn còn tồn tại những trang thông tin điện tử, trang thông tin cá nhân đăng, phát thông tin xấu, độc, thông tin vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân để những thông tin xấu, độc, thông tin vi phạm pháp luật vẫn đang tồn tại là do các trang thông tin điện tử này sử dụng máy chủ đặt tại nước ngoài và trang thông tin cá nhân được thiết lập thông qua các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok. Để xử lý, ngăn chặn những thông tin này, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần rất nhiều thời gian và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng ở Trung ương, tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì chưa thể xử lý triệt để được các thông tin này. Khó khăn này không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng đang gặp phải và cũng đang phải nghiên cứu các giải pháp để quản lý.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để nghiên cứu áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả hơn.

Đức Dũng