Nữ sinh duy nhất của Nghệ An đạt điểm 10 môn Địa lý

Mỹ Hà 26/07/2023 20:37

(Baonghean.vn) - Đó là một nữ sinh đến từ Trường THPT Diễn Châu 4. Ngoài điểm 10 duy nhất của tỉnh, Linh còn đạt danh hiệu "Á khoa" của nhà trường.

Điểm 10 của sự tự tin

Phan Diệu Linh - nữ sinh lớp 12 A7, Trường THPT Diễn Châu 4 đón nhận thông tin mình là thí sinh duy nhất của tỉnh Nghệ An đạt điểm 10 môn Địa lý trong sự bất ngờ. Kết quả này, cộng với điểm thi của các môn còn lại khá cao, Linh trở thành học sinh “Á khoa” của Trường THPT Diễn Châu 4 trong kỳ thi năm nay với 51, 65 điểm.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Địa lý là một trong những môn thi nhận được sự tranh cãi rất nhiều của giáo viên bộ môn cũng như của nhiều thí sinh dự thi. Theo đó, nhiều giáo viên nhận định đề Địa lý năm nay có những câu hỏi lạ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa khiến thí sinh khó chọn được đáp án đúng, thậm chí có những câu hỏi nằm ngoài chương trình lớp 10, 11, 12. Phan Diệu Linh chia sẻ, ngay khi đọc đề em đã nhìn thấy một số câu hỏi khó so với kiến thức mà em đã từng học ở trường. Tuy nhiên, thay vì lo lắng hoặc lựa chọn các đáp án theo “may rủi”, Linh lại sử dụng phương pháp loại trừ một cách có cơ sở để đưa ra câu trả lời cho mình.

z4549648310065_0d58052db7ee3eeee33f2cd0a1e5bc71.jpg
Phan Diệu Linh là nữ sinh duy nhất đạt điểm 10 môn Địa lý của tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC

Kể về điều này Linh nói thêm: Đề thi Môn Địa lý có 40 câu và em làm khoảng 40 phút là hoàn thành xong bài thi của mình. 10 phút còn lại, em soát lại đáp án và điều chỉnh lại một số câu hỏi. Với em, 2 câu khó nhất là câu hỏi về “giải pháp chủ yếu phát triển cây thực phẩm ở đồng bằng sông Hồng” và câu hỏi về “Trị giá nhập khẩu hiện nay của nước ta” bởi các đáp án đưa ra đều có độ nhiễu cao, dễ gây hiểu lầm. Bản thân em cũng từng đưa ra đáp án sai trong lần trả lời đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó, đọc kỹ đề em đã đưa ra đáp án chính xác.

Cũng trong đề thi năm nay, một trong những câu hỏi trong đề Địa lý dẫn đến tranh luận khá nhiều, đó là câu hỏi nhận biết dạng biểu đồ phù hợp. Theo đó, nếu như các năm trước, ở câu hỏi này, thí sinh chỉ cần xác định từ 1 - 2 đáp án đúng thì năm nay các em buộc phải chọn đến 3 đáp án khiến nhiều học sinh không dễ dàng lựa chọn. Để trả lời câu hỏi này, Linh từng bước tìm lời giải cho từng đáp án khác nhau. Vì vậy, dù là câu hỏi khó nhưng với Linh “em trả lời chính xác ngay từ lần đầu tiên. Em nghĩ rằng, với câu hỏi này, thí sinh phải đọc kỹ đề, phân tích kỹ càng và biết loại trừ sẽ tìm được đáp án đúng”.

Học sinh Phan Diệu Linh và cô giáo dạy Địa lý.jpg
Phan Diệu Linh cùng cô giáo dạy môn Địa lý Trần Thị Thanh Tâm. Ảnh: NVCC

Với việc vững vàng về kiến thức, cách làm bài cẩn thận, chắc chắc, sau khi hoàn thành môn Địa lý, Phan Diệu Linh đã nghĩ rằng, mình có thể đạt điểm 10 ở bài thi này. Điều Linh ngạc nhiên đó là toàn tỉnh chỉ có em là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 và đây thực sự là một điều đặc biệt với Linh ở kỳ thi năm nay. Trên cả nước, trong số gần 1 triệu thí sinh dự thi cũng chỉ có 35 thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở môn thi này.

Khi cô giáo "mạo hiểm”.

Những năm mới vào THPT, trong mắt thầy, cô và bạn bè, Phan Diệu Linh là một học sinh khá kỳ lạ. Hơn thế, em còn khác biệt với rất nhiều bạn ở lớp, ở trường bởi Linh thu mình, ít nói. Trước đó, vì hoàn cảnh gia đình, nên Linh sống nội tâm và ngại giao tiếp. Năm lớp 10, so với nhiều bạn trong lớp, lực học của Linh cũng bình thường và em tự nhận mình không có nhiều nổi bật.

Người nhận ra sự khác biệt của Linh, đó là cô giáo dạy Địa lý và cũng là giáo viên chủ nhiệm ở lớp 11. Kể về Linh, cô giáo Trần Thị Thanh Tâm nói thêm: Tôi chủ nhiệm Linh năm lớp 11 và thấy được sự khác biệt của em so với các bạn cùng lớp. Điều này còn ảnh hưởng đến việc học của em, bởi lẽ nếu thầy, cô không hỏi bài trực tiếp, Linh sẽ không diễn đạt được hết nội dung bài học.

Phan Thị Diệu Lính là nữ sinh duy nhất đạt điểm 10 môn Địa lý của Nghệ An.jpg
Từ một học sinh có lực học bình thường, Phan Diệu Linh trở thành Á khoa của Trường THPT Diễn Châu 4. Ảnh: NVCC

Tuy không tạo được ấn tượng với thầy, cô trên lớp nhưng cô giáo Trần Thị Thanh Tâm nhận ra được tố chất của Linh qua những bài kiểm tra với kết quả rất cao, chủ yếu là điểm 9, điểm 10. Đó cũng là lý do vì sao năm lớp 11, chị quyết định chọn Linh vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi môn Địa lý dù nhiều đồng nghiệp bảo rằng “đây là quyết định mạo hiểm”.

Lựa chọn của cô giáo sau này trở thành bước ngoặt của Linh bởi em nói “em nghĩ mình không phải là học sinh giỏi nhất nhưng cô giáo đã tin tưởng và trao cho em một cơ hội để em được thể hiện mình”. Sau này, nhờ quá trình được gọi vào đội tuyển, được cô và các bạn động viên, khích lệ, Linh đã tự thoát ra khỏi áp lực của bản thân và tiến bộ rất nhanh. Năm lớp 12, Linh cùng với đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh và đã xuất sắc đạt giải Nhì.

z4543114594090_05e9fccdbb0ca3c6a09598bbcd187916.jpg
Phan Diệu Linh cùng các giáo viên dạy em ở Trường THPT Diễn Châu 4. Ảnh: NVCC

Kể về quá trình ôn tập và gắn bó với môn Địa lý, Linh nói rằng, đây là một môn học hết sức thú vị và qua những bài học Linh lại biết nhiều hơn về đất nước, con người và các điều kiện tự nhiên, xã hội có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của một dân tộc. Bên cạnh đó, qua mỗi bài học, Linh hình thành cho mình khả năng phân tích, đánh giá vấn đề, lồng ghép những kiến thức đã học trong sách vở vào trong thực tiễn.

Trong khi đó, cô giáo Trần Thị Thanh Tâm lại đánh giá cao Linh ở tính kỷ luật, luôn luôn đúng giờ, làm bài tập đầy đủ, đúng yêu cầu và dường như cô không bao giờ phải nhắc nhở.

Nói Địa lý là môn xã hội, nhưng trong đó có cả tự nhiên. Vậy nên, nếu các em chỉ học thuộc thì kết quả bài làm chỉ ở mức độ vừa phải. Còn lại, nếu muốn có điểm cao các em phải làm bài chắc chắn, khoa học, biết phân tích, nhận định.

Với Diệu Linh, tôi nghĩ rằng, điểm 10 hoàn toàn không phải là sự may mắn. Đây là kết quả của quá trình Diệu Linh tự nỗ lực cố gắng và đây là kết quả xứng đáng đối với em.

Cô giáo Thanh Tâm - Trường THPT Diễn Châu 4

Với điểm 10 Địa lý và điểm các môn nền khá cao, Diệu Linh đã tự tin đăng ký vào Trường Đại học Vinh với cùng một nguyện vọng ngành Sư phạm. Đây cũng là ước mơ mà em ấp ủ từ nhỏ. Linh mong muốn bằng kiến thức mà mình đã được học, bằng tình yêu với nghề, em sẽ truyền được đam mê, động lực cho các học trò. Hơn thế, em tin rằng, nếu là một giáo viên có tâm, có trách nhiệm, em cũng sẽ như cô giáo của mình, sẽ khích lệ được học trò, giúp học trò vượt qua khó khăn, vượt qua áp lực, vượt qua được sự tự ti của bản thân để khẳng định mình./.

Mỹ Hà