Giá gạo xuất khẩu liên tục 'nhảy múa'; Giá cà phê trong nước giảm 400 đồng/kg

Việt Phương (theo Congthuong.vn) 27/07/2023 06:55

(Baonghean.vn) - Giá gạo xuất khẩu liên tục “nhảy múa”; Giá cà phê trong nước giảm 400 đồng/kg; giá tiêu không có biến động, đang được thu mua quanh mốc từ 68.000 – 69.500 đồng/kg... là những thông tin về tình hình thị trường hôm nay.

Giá gạo xuất khẩu liên tục “nhảy múa”

Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/7/2023 tại thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu tăng 5 USD/tấn.

Theo đó, tại kho An Giang, giá lúa OM 5451 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.700 - 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 6.900 - 7.100 đồng/kg; Giá lúa IR504 đang được thương lái thu mua ở mức 6.700 - 6.900 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900 - 7.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm điều chỉnh tăng 50 - 100 đồng/kg. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 10.500 - 10.600 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Gạo thành phẩm ở mức 12.100 - 12.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

xuat-khau-gao-2.jpeg
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng cao do các nước đẩy mạnh dự trữ lương thực.

Theo các thương lái, lượng gạo hôm nay vẫn về ít, giá gạo các loại tăng nhẹ. Thị trường lúa sôi động, thương lái hỏi mua nhiều, nông dân chào giá cao. Đặc biệt lúa thơm OM 18/ Đài Thơm 8 nhu cầu nhiều, giá tăng.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu tăng 5 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 548 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 528 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.

Cùng với gạo Việt Nam, giá gạo Thái Lan điều chỉnh tăng mạnh 11 – 15 USD/tấn. Theo đó, giá gạo 5% tấm Thái Lan ở mức 588 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến 15/7, bình quân mỗi tấn gạo xuất đi có giá trị hơn 530 USD/tấn, tăng hơn 40 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm 2022. 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đầu năm ở châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc và Indonesia, với kết quả lần lượt là (cập nhật theo thị trường trong 6 tháng đầu năm): 1.698.593 tấn, 857,7 triệu USD; 677.387 tấn, 390,6 triệu USD: 492.801 tấn, 244 triệu USD. Hoạt động xuất khẩu sang 3 thị trường chủ lực đều có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2022.

Giá cà phê trong nước giảm 400 đồng/kg

Giá cà phê trong nước hôm nay, ngày 27/7/2023, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giảm 400 đồng/kg, hiện giá dao động ở mức 66.400 - 67.100 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 66.300 – 66.400 đồng/kg.

Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 66.800 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk hôm nay ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 66.800 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 66.900 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg.

gia-ca-phe-hom-nay20230703194425.jpeg
Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê giảm 400 đồng/kg, được thu mua với giá cao nhất là 67.100 đồng/kg.

Đối với giá cà phê thế giới, giá cà phê trên hai sàn tiếp tục sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 21 USD, xuống 2.628 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 11 USD, còn 2.464 USD/ tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình...

Theo chuyên gia, giá cà phê hai sàn đảo chiều sụt giảm do các quỹ và đầu cơ cân đối, điều chỉnh vị thế kinh doanh trước sức ép của lãi suất tiền tệ tăng theo dự kiến tại các phiên họp chính sách vào cuối tháng này của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Hoạt động thu hoạch cà phê sẽ tiếp tục diễn biến tích cực tại Brazil, từ đó tạo tiền đề cho việc đảm bảo nguồn cung trên thị trường trong thời gian tới.

Sát mùa lễ hội, giá tiêu thế giới sẽ phục hồi trở lại?

Giá tiêu hôm nay ngày 27/7/2023 tại thị trường trong nước chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Theo đó, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên được thương lái thu mua quanh mốc 66.500 – 67.500 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay cũng không có biến động. Hiện giá tiêu tại khu vực này đang được thu mua quanh mốc từ 68.000 – 69.500 đồng/kg.

Theo đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 68.000 đồng/kg. Giá tiêu Bình Phước ở mức 68.500 đồng/kg. Giá tiêu Bà Rịa Vũng Tàu vẫn có giá cao nhất và hôm nay được thương lái thu mua ở mức 69.500 đồng/kg.

tiêu.jpeg
Giá tiêu hôm nay không có nhiều biến động.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.732 USD/tấn, tăng 0,13%; Giá tiêu trắng Muntok 6.462 USD/tấn, tăng 0,15%. Với các quốc gia còn lại, giá tiêu đi ngang.

Nhận định về thị trường, bản tin mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho thấy, sau 5 tuần ổn định, giá tiêu Ấn Độ ghi nhận tăng. Điều này thúc đẩy các công ty sản xuất thu mua và tiêu thụ số lượng lớn.

Những người đang có trong tay kho tiêu không đưa hàng vào thị trường với hy vọng giá có thể tăng cao. Với mùa lễ hội đang đến, họ dự đoán giá sẽ tăng hơn nữa. Thị trường Ấn Độ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm liệu có giúp giá hồ tiêu thế giới hồi phục trở lại?

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu siết chất lượng thép nhập khẩu

Giá thép hôm nay ngày 27/7/2023 ghi nhận tăng 14 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch. Chính phủ có công văn yêu cầu nghiên cứu siết chất lượng thép nhập khẩu.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5590/VPCP-CN gửi Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam về xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

Cụ thể, theo công văn này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền và kết quả giải quyết các kiến nghị trước ngày 28/7.

Liên quan đến câu chuyện chất lượng thép nhập khẩu, ngày 6/7 vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị, cho rằng, thép là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, lại là ngành công nghiệp cốt lõi, xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Trong khi đó, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào. Đồng thời, các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chính vì thế, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị cần xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu...

Việt Phương (theo Congthuong.vn)