Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương Hưng Hòa giàu mạnh

Nguyễn Thị Diệu Linh (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hưng Hòa - TP. Vinh) 27/07/2023 11:08

(Baonghean.vn) - Trải qua 70 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Hòa (TP. Vinh, Nghệ An) đã phát động các phong trào thi đua sôi nổi, nối tiếp truyền thống cha ông, tích cực tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đổi-thay-trên-quê-hương-Đại-tướng-Chu-Huy-Mân-Anhtieude.jpg
Một góc xã Hưng Hòa (TP. Vinh) hôm nay. Ảnh: Thành Cường

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Theo lịch sử Đảng bộ xã ghi lại, tại mảnh đất này, cách đây cả ngàn năm tuổi, người từ các dòng họ Đinh, Hồ, Trần, Vương đã tìm đến vùng bãi ven sông Lam này để khai khẩn đồng hoang lập nên ấp Phù Lưu, về sau đổi tên thành xã Yên Lưu (xã Hưng Hòa ngày nay). Trải qua những mốc son chói lọi của lịch sử từ tên gọi ban đầu là xã Yên Lưu (thuộc tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), sau cách mạng tháng 8/1945, xã có thêm 2 lần thay đổi tên gọi là xã Thái Hòa và xã Hưng Phong. Đến tháng 7/1953 theo chủ trương của Trung ương, xã Hưng Phong tách ra thành 3 xã: Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Dũng. Danh xưng Hưng Hòa chính thức được có tên trên bản đồ hành chính Việt Nam kể từ đó.

Suốt 70 năm qua, ở từng thời điểm lịch sử, Hưng Hòa luôn luôn có bước phát triển vươn lên, trước hết là sự trưởng thành về tổ chức Đảng, về số lượng và chất lượng đảng viên. Hưng Hòa tự hào là một trong những địa phương thành lập được chi bộ Đảng cộng sản sớm nhất (Chi bộ Yên Lưu thành lập vào ngày 10/9/1930) trước khi diễn ra cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 2 ngày. Sau khi có tổ chức Đảng Cộng sản, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí kiên trung của Đảng, cùng với nhân dân các vùng phụ cận, người dân làng Yên Lưu đã tích cực tham gia biểu tình, đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân, phong kiến giai đoạn 1930-1931.

Theo tư liệu lịch sử Báo Tiếng Dân còn lưu trữ tại Bảo tàng Xô viết (ấn hành năm 1931) có mẩu tin “Phát hiện một xưởng in cộng sản ở Yên Lưu”; ngày nay, tại xóm Phong Đăng còn cột mốc Xứ ủy Trung Kỳ - nơi đánh dấu các đồng chí trong Xứ ủy bị mật thám địch theo dõi, vây bắt. Đây là những tài liệu, dấu tích có giá trị cực kỳ quan trọng ghi nhận phong trào cách mạng diễn ra rất sôi động ở Yên Lưu những năm 1930-1931. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới, hàng nghìn thanh niên Hưng Hòa đã tham gia chiến đấu và phục vụ tiền tuyến khắp các mặt trận, hy sinh vì độc lập, tự do của nước nhà.

Ảnh 1 Hưng Hòa.jpg
Lãnh đạo xã Hưng Hòa (TP. Vinh) xem bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất trên địa bàn.

Tiêu biểu như cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); chống đế quốc Mỹ (1954-1975), bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc (1979) luôn có mặt của người dân Hưng Hòa. Dù trong hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng nghìn người dân Hưng Hòa đã lên đường nhập ngũ, đấu tranh giải phóng dân tộc; tham gia lao động, kiến thiết xây dựng đất nước. Tính chung trong sự nghiệp chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc, xã Hưng Hòa có 30 cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 30 liệt sĩ chống Pháp, 129 liệt sĩ chống Mỹ, 19 liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc. Trong sổ Vàng của xã và ký ức của nhiều người dân địa phương còn lưu danh nhiều người con ưu tú của quê hương mà cuộc đời của họ gần như trọn đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có thể kể đến tên tuổi của Đại tướng Chu Huy Mân, nhà chính trị, quân sự tài ba, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát huy truyền thống anh hùng

Trải qua 70 năm với 25 nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ xã Hưng Hòa luôn bản lĩnh, trách nhiệm, sáng tạo, đề ra các chủ trương, giải pháp và lộ trình phù hợp xây dựng xã ngày một phát triển. Thành tựu nổi bật là: Tháng 6 năm 1999, xã Hưng Hòa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Năm 2015 xã được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới; đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 xã đã thực hiện GPMB trên 220ha đất nông nghiệp và đất ở, thu hút nhiều dự án lớn, khu đô thị lớn về triển khai thực hiện trên địa bàn. Đặc biệt, từ một vùng quê nghèo ngập trũng, vóc dáng đô thị đã được hình thành.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 424,3 tỷ đồng, nhịp độ tăng trưởng bình quân đạt 15,98%; Cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng; thương mại, dịch vụ hiện đang trở thành động lực chính của phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất nông nghiệp có nhiều thành tựu. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,3 triệu đồng/năm; Có 93% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 8/8 xóm được công nhận giữ vững xóm văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,76%. Quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đặc biệt được chú trọng, từ 3 đảng viên những ngày đầu mới thành lập chi bộ, đến nay, Đảng bộ có hơn 400 đảng viên với 13 chi bộ trực thuộc. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền không ngừng tăng lên. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Hòa vinh dự được tỉnh và thành phố tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen qua các thời kỳ.

Ảnh 2 Hưng Hòa.jpg
Hệ thống giao thông trên địa bàn xã Hưng Hòa được đầu tư mở rộng khang trang.

Phấn khởi tự hào trước những thành tựu to lớn sau 70 năm thành lập xã, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa xã hội; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy lợi thế vùng cửa ngõ phía Đông của thành phố và kết nối du lịch sinh thái - tâm linh khám phá di sản văn hóa thành phố Vinh; xây dựng xã với đặc trưng dịch vụ thương mại, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao năm 2023 và tích cực thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tập trung GPMB để thực hiện hoàn thành các dự án, nhất là các tuyến giao thông kết nối quan trọng, tạo động lực phát triển như: Đường ven sông Lam, đường 35m nối từ Quốc lộ 46 đến đường ven sông Lam, đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài, đường Quế Hoa...; hình thành các khu đô thị mới: Khu đô thị và nhà ở xã hội Việt Lào…; coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo thật tốt cho các gia đình chính sách, người có công; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quân sự quốc phòng, siết chặt quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển Hưng Hòa trong những năm tới.

Mong muốn với khát vọng và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Hòa sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến những tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Hưng Hòa bứt phá đi lên xứng đáng truyền thống xã Anh hùng.

Nguyễn Thị Diệu Linh (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hưng Hòa - TP. Vinh)