Thuế VAT giảm xuống còn 8%, sức mua bắt đầu tăng

Thu Huyền 30/07/2023 11:19

(Baonghean.vn) - Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, được áp dụng từ ngày 1/7 kéo theo nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giảm đáng kể. Đây đang được kỳ vọng là “cú hích” giúp kích cầu tiêu dùng, giải quyết khó khăn của thị trường hiện nay.

Giá thành giảm, sức mua tăng

Sau khi chính sách giảm thuế VAT có hiệu lực, thị trường bán lẻ tiêu dùng đã đón nhận tín hiệu khả quan. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối hàng hóa cũng đang tập trung các giải pháp để hỗ trợ sức mua. Để tăng sức mua và cơ chế giá tốt nhất cho người tiêu dùng, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn đã tung ra hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng. Nhờ chính sách giảm thuế cộng với nhiều chương trình khuyến mãi, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiện lợi, nhanh chóng, thiết thực... nên giá cả hàng hóa trên thị trường giảm đáng kể. Theo tìm hiểu của P.V, tại hệ thống siêu thị như Go! Vinh, MM Mega Market Vinh… sức mua hiện đã tăng hơn.

chính. Giảm thuế VAT cùng với áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giá hàng hoá tại các siêu thị đã giảm khá nhiều .jpeg
Giảm thuế VAT cùng với áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giá hàng hóa tại các siêu thị đã giảm khá nhiều. Ảnh: Thu Huyền

Ghi nhận tại siêu thị Go! Vinh, từ tháng 7/2023, nhiều sản phẩm được giảm giá. Ông Trần Khang - Giám đốc siêu thị Go! Vinh cho biết: Nhiều ngành hàng như hóa phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc thời trang và đồ dùng gia đình đều giảm giá. Ngoài mức giảm giá bình quân 2% thuế VAT thì siêu thị còn áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi khác. Hiện nhiều mặt hàng có giá giảm sâu từ 40-60%. Từ đầu tháng 7 lại nay, sau khi áp dụng chương trình giảm thuế VAT thì doanh số có tăng, sức mua cải thiện đáng kể. Chúng tôi kỳ vọng thời điểm cuối năm sẽ tốt hơn.

Tương tự, tại siêu thị MM Mega market, chị Hoàng Thị Hà - Quyền Giám đốc siêu thị cho biết, sau thời điểm chính sách giảm thuế có hiệu lực, lại trùng vào thời kỳ cao điểm mùa du lịch nên doanh số bán ra tốt hơn. Ngoài khách lẻ, thì có nhiều khách hàng lớn là các nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp… tiêu thụ số lượng khá.

Theo đánh giá, các mặt hàng được giảm thuế VAT xuống còn 8% nằm trong giỏ hàng hóa thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng tại siêu thị.

Tại các cửa hàng tạp hóa, giá cả cũng được giảm theo. Chị Nguyễn Ngọc Ánh - công nhân may ở huyện Yên Thành chia sẻ: Thời gian gần đây đi mua hàng tạp hóa chúng tôi thấy giá cả đã giảm. Mặc dù giảm nhẹ thôi nhưng với công nhân thu nhập thấp như chúng tôi thực sự cũng đỡ phần nào chi tiêu, cảm thấy được chia sẻ trong thời buổi kinh tế khó khăn này.

bna_DSC_0786.JPG
Bốc xếp hàng hóa tại nhà máy của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, để duy trì sức mua trên thị trường thì các giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm mọi chi phí để duy trì ổn định giá, thậm chí chấp nhận giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng. Theo ông Lê Văn Hiếu - Giám đốc Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ An, lâu nay sức mua giảm khiến công suất giảm, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp đã phải chi hàng tỷ đồng để hỗ trợ hệ thống phân phối, triển khai các chương trình kích cầu. Gần đây, việc thuế giảm cũng sẽ thuận lợi hơn cho kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm giá thành sản phẩm, qua đó, duy trì việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tăng giải pháp kích cầu tiêu dùng

Mặc dù chịu ảnh hưởng của biến động thị trường thế giới nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thương mại, nhìn chung hoạt động kích cầu tiêu dùng cũng được doanh nghiệp quan tâm và diễn ra khá sôi động. Trên địa bàn diễn ra nhiều chương trình kết nối, xúc tiến thương mại đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng khá.

Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 năm 2023 ước đạt 7.462,5 tỷ đồng, tăng 4,39% so với tháng trước và tăng 15,64% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 51.243,8 tỷ đồng, chiếm 78,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, tăng 10,11% so với cùng kỳ năm trước.

bna_siêu thị ảnh thu huyền.jpg
Với việc giảm 2% thuế VAT, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Ảnh: Thu Huyền

Như vậy, cùng với giảm lãi suất huy động, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, thì động thái giảm thuế giá trị gia tăng đang giúp kích cầu tiêu dùng, hàng hóa được giải phóng và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Song theo đánh giá, sản phẩm hàng hóa nội địa hiện nay khá phong phú, nhưng việc xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm lại thiếu, chưa được chú trọng nên chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chưa sẵn sàng cho việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, chưa mạnh dạn trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng thấp nên khó tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại...

Việc triển khai các chương trình thúc đẩy tiêu thụ, các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả nhưng tác động của chính sách còn hạn chế, chưa có tính lan tỏa. Tiếp cận chính sách của chính doanh nghiệp còn lúng túng nên việc phát huy hiệu quả chưa rõ rệt trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

bna_sản xuất cá hộp xuất khẩu tại nhà máy Royal food, KCN Nam Cấm ảnh thu huyền.JPG
Chính sách giảm thuế VAT góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, kích thích doanh nghiệp tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thu Huyền

Để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và kết nối tiêu thụ hàng hóa, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, bà Trần Mỹ Hà - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết, ngành tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm hàng hóa, tìm kiếm thông tin, thị trường. Tích cực hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng gian hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên sàn giao dịch thương mại điện tử và phối hợp quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Tăng cường kết nối giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới thị trường nước ngoài. Đồng thời, xây dựng và phát triển các diễn đàn, các nhóm kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa (từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối hàng hóa, đầu mối thương lái...) của các tỉnh, thành trong vùng…

Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá điếu, xì gà, rượu, bia,…

Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại...

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ nêu trên.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT/chịu thuế VAT 5% thì không được giảm thuế VAT.

Thu Huyền