Tuyên giáo Nghệ An: Đa dạng, linh hoạt phương thức hoạt động trong thời kỳ mới

Thanh Sơn (thực hiện) 01/08/2023 09:34

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh mới, ngành Tuyên giáo tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy tốt truyền thống, chủ động đổi mới, sáng tạo, đa dạng và linh hoạt các phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác…

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có cuộc trao đổi cùng phóng viên Báo Nghệ An.

Phóng viên (PV): Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân, ngành Tuyên giáo Nghệ An đã thể hiện vai trò then chốt và đổi mới, sáng tạo của mình như thế nào qua các giai thời lịch sử?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường: Trong lịch sử 93 năm xây dựng và phát triển, ngành Tuyên giáo Nghệ An có nhiều tên gọi khác nhau. Xuyên suốt tiến trình cách mạng, công tác tư tưởng nói chung và hoạt động của ngành Tuyên giáo nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn vào thành quả chung của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm; luôn đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, đảm bảo mục tiêu thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân.

“Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”

Chủ tịch Hồ Chí Minh

(trích trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26/6 đến 9/7/1947)

Trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám (1930 - 1945), thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Đảng phải hoạt động bí mật, ngành Tuyên giáo đã linh hoạt, sáng tạo, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các tài liệu, sách, báo của Đảng. Các tờ báo “Người lao khổ”, “Tiến lên”, “Giác ngộ”... đã kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và hướng dẫn, phát động hàng nghìn cuộc đấu tranh rộng khắp toàn tỉnh, từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến cao trào dân chủ (1936 - 1939) và nhất là sau Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) hướng tới thực hiện nhiệm vụ phản đế, giành độc lập dân tộc. Với nhiều hình thức tuyên truyền hết sức táo bạo như tuyên truyền vũ trang, bạo động chính trị, ra những khẩu hiệu ngắn gọn, hợp thời, hợp lòng người, huy động toàn dân đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, ngành Tuyên giáo đã góp phần không nhỏ vào những thắng lợi tại Nghệ An.

Sau khi giành được chính quyền (1945), cách mạng đã phải đối phó với những tình huống vô cùng gay go, phức tạp; cùng một lúc phải chống 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh hậu quả của nạn đói năm 1945 còn rất nặng nề, vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng khôi phục hoạt động của Đảng bộ. Toàn ngành đã tập trung tuyên truyền chủ trương xây dựng các chi bộ đảng, củng cố chính quyền, vận động nhân dân toàn tỉnh tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh (6/1/1946 và 24/2/1946); thực hiện phong trào thi đua ái quốc và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (6/1948) nhằm thi đua "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm"; vận động nhân dân tập trung mở đường vận chuyển chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ; tăng gia sản xuất, tiết kiệm, huy động mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến, góp phần thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 .

bna_5873.jpg
Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Ảnh: Thành Cường

Giai đoạn 1954 - 1975, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền. Nghệ An không phải là chiến trường trực tiếp nhưng bị địch đánh phá thiệt hại nghiêm trọng. Địch lợi dụng vào những sai lầm của ta trong việc thực hiện một số chính sách kinh tế - xã hội và một số điểm sơ hở trong Điều 14 của Hiệp định Giơnevơ để mở chiến dịch cưỡng ép dụ dỗ đồng bào di cư vào Nam, gây xáo trộn tình hình, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình đó, ngành Tuyên giáo đã kiên trì, khéo léo, sâu sát trong tuyên truyền vận động giáo dân, vận động tổ chức sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị. Toàn ngành tập trung động viên, tuyên truyền sâu rộng làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhất trí cao với đường lối chống Mỹ cứu nước của Đảng, nhận rõ tình hình nhiệm vụ, nâng cao tính tự giác, sáng tạo trong hành động, biến đường lối và quyết tâm của Đảng thành hiện thực.

Sau ngày hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, từ năm 1976 - 1991, Nghệ An - Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Vượt lên mọi khó khăn, công tác Tuyên giáo đã đưa chủ trương của Đảng đến với mọi đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần đắc lực vào việc ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Công tác chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ta vượt qua cơn “chấn động chính trị” toàn cầu trong những năm 1989 - 1991, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ.

Qua hơn 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 32 năm kể từ khi tách tỉnh (1991) đến nay, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Tuyên giáo Nghệ An đã thường xuyên đổi mới, tập trung động viên tinh thần yêu nước, khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thử thách, đề cao tinh thần chủ động, dám nghĩ dám làm, tìm tòi sáng tạo, đóng góp to lớn vào xây dựng đời sống văn hóa, nền tảng tinh thần của nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh nhà.

P.V: Trong năm 2023 này, cùng với cả nước, Nghệ An đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất lợi từ tình hình thế giới, kinh tế toàn cầu (Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng, sức mua giảm; thị trường bất động sản trầm lắng; thời tiết nắng nóng kéo dài, gây thiếu nước; thiếu điện cục bộ,... ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống). Ngành Tuyên giáo đã “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” ra sao trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường: Năm 2023, trong bối cảnh thế giới, khu vực và đất nước đang gặp nhiều khó khăn, ngành Tuyên giáo Nghệ An đã chủ động, kịp thời, nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh có tác động lớn trên địa bàn tỉnh. Ngành đã tham mưu đề xuất có hiệu quả các giải pháp để định hướng công tác tư tưởng trong quá trình thu hút đầu tư, thực thi pháp luật, giải quyết các dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn; nghiên cứu, nắm bắt những vấn đề “nóng”, các vấn đề nổi cộm mà nhân dân đang quan tâm.

IMG_20230727_185732.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường: Ngành Tuyên giáo Nghệ An đã thể hiện rõ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”. Ảnh: Thành Cường

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, ngành Tuyên giáo Nghệ An đã lựa chọn các nhiệm vụ có tính đột phá, trọng tâm ở các địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thầnChỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là trong xây dựng các mô hình điển hình. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 136 điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở học tập và làm theo Bác, 135 điểm sáng dân vận chính quyền; duy trì 3.973 mô hình dân vận khéo, xây dựng và công nhận 4.460 mô hình mới trên các lĩnh vực.

Toàn ngành đã và đang chủ động triển khai, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực tuyên giáo: Công tác lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng dư luận xã hội, báo chí-xuất bản, văn hóa-văn nghệ, khoa giáo, xây dựng và phát triển ngành Tuyên giáo đạt được nhiều kết quả quan trọng… thể hiện rõ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn đảng bộ, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn.

P.V: Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030 Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ. Ngành Tuyên giáo Nghệ An sẽ làm gì để “truyền lửa, truyền cảm hứng” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt mục tiêu này?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường: Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nghị quyết được ban hành đã tạo nên động lực, nguồn lực, tạo đòn bẩy để Nghệ An phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030; tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện văn minh và hiện đại vào năm 2045.

Trên cơ sở sự quan tâm của Trung ương, hiện nay Nghệ An đang tập trung vào những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định và tháo gỡ các nút thắt trong phát triển kinh tế, trong cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư... Và để thực hiện thành công mục tiêu này cần sự thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ phát triẻn kinh tế - xã hội. Ảnh keiẻm tra viẹc ứng dụng KHCN tại huyện Thanh Chương. Ảnh Mai Hoa (5).JPG
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, huyện Thanh Chương thăm, biểu dương cách làm sáng tạo của các mô hình phát triển kinh tế mới. Ảnh: Mai Hoa

Với nhiệm vụ quan trọng đó, ngành Tuyên giáo sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, chủ động trong công tác, thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng chính trị, nắm chắc ý Đảng, hiểu rõ ý dân, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch… Ngành chú trọng phát động các phong trào thi đua yêu nước; nhân rộng, lan toả những nhân tố tích cực, mô hình hay, cách làm sáng tạo; phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển từ trong nội lực nhân dân và quyết tâm đổi mới tư duy trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhằm tạo sức bật mới phát triển Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước, là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ vào năm 2030.

P.V: Trước sự phát triển công nghệ như vũ bão, để kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác chính trị tư tưởng trong thời đại công nghệ số, ngành Tuyên giáo tỉnh nhà đã và đang có những giải pháp gì trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang có bước phát triển như vũ bão, làm thay đổi mạnh mẽ mọi nhận thức, tư duy, nếp sống, thói quen thường có của con người trên toàn thế giới. Yêu cầu của sự phát triển đang đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và quá trình hoạt động trong xã hội, trong đó ngành tuyên giáo phải đứng ở vị trí tiên phong.

Với tính đa dạng, linh hoạt trong phương thức hoạt động, ngành Tuyên giáo Nghệ An đã và đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Dữ liệu số, phương thức số và môi trường số… Về dữ liệu số, ngành sẽ triển khai xây dựng Đề án số hóa tư liệu lịch sử Đảng bộ giai đoạn (1930 - 2020); tiến hành số hóa một số nguồn dữ liệu, điều này sẽ tạo điều kiện cho ngành Tuyên giáo thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng mọi lúc, mọi nơi; giúp cán bộ Tuyên giáo cũng như toàn thể nhân dân thuận lợi trong khai thác dữ liệu.

BNA_Đồng chí Lữ Quang Hưng - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyên ủy Kỳ Sơn- thứ 2 bên trái- cùng cán bộ huyện, xã gặp gỡ đồng bào Mông ở xã Huồi Tụ- Nguyên nguyên.JPG
Đồng chí Lữ Quang Hưng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn - thứ 2 bên trái, cùng cán bộ huyện, xã gặp gỡ đồng bào Mông ở xã Huồi Tụ. Ảnh: Nguyên Nguyên

Về phương thức số và môi trường số, toàn ngành đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng số, góp phần ứng dụng kịp thời công nghệ số vào các hoạt động học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết trên địa bàn. Hiện nay toàn tỉnh có 400 điểm cầu trực tuyến cấp huyện, 19/21 huyện, thành thị đạt 100% xã có điểm cầu để kết nối trong công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng… Thời gian tới, toàn ngành tập trung hoàn thiện, đổi mới phương thức công tác tư tưởng theo hướng hiện đại, mọi thông tin, dữ liệu đều được số hoá; phấn đấu 21/21 huyện, thành, thị đạt 100% xã có điểm cầu để đáp ứng nhu cầu lựa chọn thông tin của người dân và phục vụ học tập, tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về tận cơ sở.

Ngành tận dụng triệt để, hiệu quả các ứng dụng Zoom, Zalo, Google Meet... để chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trang mạng xã hội phục vụ đăng tải các tin, bài tuyên truyền định hướng dư luận nhân dân, nhờ đó nhân dân tiếp cận được thông tin chính thống nhanh và rất hiệu quả. Thời gian tới, ngành vẫn xác định Internet và mạng xã hội sẽ trở thành môi trường sống thứ 2 của con người và là không gian cung cấp thông tin trọng yếu. Đây cũng là phương tiện nhanh nhất giúp ngành nắm bắt, phát hiện các vấn đề mới phát sinh trong đời sống tư tưởng của người dân một cách nhanh nhất, trực tiếp nhất để kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo, giải quyết tốt những vấn đề người dân quan tâm, góp phần thống nhất ý Đảng, lòng dân, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, việc sử dụng các ứng dụng, mạng xã hội để kết nối, chia sẻ, tương tác thông tin, lắng nghe ý kiến, tâm tư của nhân dân sẽ được ngành hết sức quan tâm và quyết tâm thực hiện tốt thời gian tới, kịp thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Đảng trong thời kỳ mới.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Sơn (thực hiện)