Động lực, đường hướng để cán bộ cơ sở hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn

Thanh Lê 01/08/2023 08:21

(Baonghean.vn) - Trên tinh thần cầu thị, thấu hiểu, sâu sát với cơ sở, việc Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt, đối thoại với cán bộ đứng đầu cấp cơ sở không chỉ đơn giản là sự quan tâm, động viên, khích lệ mà còn là động lực, đường hướng để những người trong cuộc nỗ lực, quyết tâm làm tốt hơn nhiệm vụ.

Ý kiến - Kha Thị Hiền.png
Ý kiến - Kha Thị Hiền -mobile.png

Được tham gia Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng cấp cấp ủy, chính quyền cấp xã phường, thị trấn lần này bản thân tôi thấy rất vinh dự, và cũng cảm nhận được sự quan tâm động viên chia sẻ của lãnh đạo tỉnh đối với cán bộ cơ sở như chúng tôi. Qua hội nghị này, cán bộ cơ sở sẽ có cơ hội được đề xuất các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo tại cơ sở, có cơ hội nêu lên những khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chính sách các chương trình mục tiêu. Đồng thời kiến nghị các giải pháp phù hợp để người đứng đầu tỉnh nhà có hoạch định phù hợp về chiến lược phát triển kinh tế chung, áp dụng có hiệu quả các chính sách phù hợp theo đặc thù vùng miền.

Là địa bàn biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xã Tam Quang (Tương Dương) là xã miền núi đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới. Không tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Quang tiếp tục chung sức, đồng lòng để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của người dân, địa phương mong muốn UBND tỉnh phải có chính sách về hỗ trợ vốn, xi măng, lồng ghép các chương trình phù hợp để xã tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất và các hạng mục cần thiết.

bna_Đồng chí Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, Tương Dương tham quan mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã-Thanh lê.jpg
Đồng chí Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang (Tương Dương) kiểm tra mô hình phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn xã. Ảnh: Thanh Lê

Đề nghị Trung ương, tỉnh nên có cơ chế riêng về xây dựng nông thôn mới cho các xã thuộc huyện miền núi vùng cao (vì mặt bằng, trình độ dân trí, kinh tế không thể như miền xuôi). Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi hiện nay, đó là những xã về đích nông thôn mới không được thụ hưởng các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Do đó, Chính phủ cần phân định rõ chính sách xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia.

*****

Ý kiến - Hồ Cảnh Thuận.png
Ý kiến - Hồ Cảnh Thuận -mobile.png

Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai là đơn vị ven biển có diện tích 2.209 ha, dân số hơn 13.000 nhân khẩu, có chiều dài bờ biển gần 12km với nhiều lợi thế, có khu công nghiệp Đông Hồi, có quy hoạch cảng biển, quy hoạch nhà máy nhiệt điện nay chuyển quy hoạch xây dựng điện khí, có tiềm năng du lịch biển với đường bờ biển dài, còn nguyên nét hoang sơ với dãy núi hùng vĩ ven theo bờ biển tạo điểm nhấn cho phát triển các dự án nghỉ dưỡng, phát triển du lịch và đặc biệt lợi thế khai thác và đánh bắt thủy sản, có cửa lạch Cờn, số lượng tàu thuyền dao động trên dưới 200 tàu, nhiều tàu có công suất lớn từ 700 CV trở lên, có 29 tàu đóng theo dự án Nghị định 67, 3 tàu vỏ thép theo Nghị định 17, hàng năm giao động 80-110 tàu đánh bắt ở vùng biển xa theo Nghị định 48 của Chính phủ góp phần tạo cột mốc sống bảo vệ chủ quyền trên biển và duy trì sản lượng khai thác thủy sản hàng năm từ 30.000 tấn trở lên chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, những tiềm năng lợi thế đó vẫn chưa thực sự được phát huy.

Do đó, thông qua chương trình gặp mặt, đối thoại với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo địa phương đề xuất 3 nội dung. Đó là, Khu Công nghiệp Đông Hồi, dự án cảng biển, dự án nhà máy nhiệt điện nay chuyển sang phát triển điện khí kéo dài hơn 15 năm vẫn chưa triển khai vừa làm chậm quá trình kết nối vùng, hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng sản phẩm vừa ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân nơi đây.

Hai là, đường cứu nạn cứu hộ có ý nghĩa quan trọng góp phần kết nối giao thông với địa phương xã Quỳnh Lập góp phần tạo cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư phát triển du lịch biển đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của đơn vị vận tải thu mua sản phẩm hải sản thúc đẩy hậu cần nghề cá phát triển nhưng dự án đến nay vẫn gián đoạn, kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành.

bna_06207288404_852021.jpg
Một góc xã Quỳnh Lập. Ảnh: Thành Cường

Ba là, các chính sách hỗ trợ ngư dân, thúc đẩy khai thác đánh bắt thủy hải sản như Nghị định 67, Nghị định 17, Nghị định 48 của Chính phủ là đúng đắn, kịp thời, song quá trình triển khai cũng có những bất cập, chưa dự báo hết những khó khăn cần được tháo gỡ để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.

Địa phương mong muốn, kỳ vọng lãnh đạo tỉnh trong thẩm quyền kịp thời giải quyết, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất cơ quan Trung ương các vấn đề được nêu trên, coi đây là bản lề, tháo gỡ nút thắt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, biến lợi thế thành động lực cho sự phát triển của địa phương Quỳnh Lập góp phần xây dựng thị xã Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

*****

Ý kiến - Trần Văn Sao.png
Ý kiến - Trần Văn Sao -mobile.png

Tham gia Hội nghị gặp mặt, tiếp xúc giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương năm 2018, tôi đã lĩnh hội được nhiều bài học quý để áp dụng linh hoạt vào thực tiễn của địa phương. Đối với xã Nghi Văn (Nghi Lộc) là một xã miền núi của huyện Nghi Lộc có diện tích 3.252 ha, dân số 12.600 nhân khẩu, cư trú tại 19 xóm, trong đó có 11 xóm giáo (7 xóm giáo toàn tòng). Trên địa bàn có 2 giáo xứ, 10 giáo họ, bà con theo đạo công giáo chiếm 52%. Là một xã đất rộng, người đông, nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, nhưng chủ yếu còn phụ thuộc thiên nhiên; trình độ dân trí chưa đồng đều, do vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.

Từ đặc thù của địa phương, hai nhiệm vụ địa phương thực hiện đó là xây dựng hệ thống chính trị và phát triển đảng viên. Theo đó, cấp ủy, tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ xã đến xóm, chi đoàn, chi hội; tạo sự đoàn kết thống nhất; củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ. Quan tâm phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng. Thực hiện quyết liệt các biện pháp nâng tỷ lệ cán bộ ở cơ sở là đảng viên. Từ năm 2020 đến nay, đã kết nạp 32 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên thuộc Đề án 01 của Tỉnh ủy, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ lên 277 đồng chí. Chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến, sau khi Đảng bộ tổ chức triển khai sinh hoạt điểm, sinh hoạt mẫu để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, thực chất; chất lượng đảng viên được nâng lên hàng năm. Đến cuối năm 2022, xã Nghi Văn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với nỗ lực và quyết tâm cao của đảng bộ và nhân dân, xã Nghi Văn quyết tâm về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

bna_Quang cảnh xã Nghi Văn, Nghi Lộc-Thanh Lê.jpg
Quang cảnh xã Nghi Văn (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Lê

Vinh dự được lần thứ hai tham dự chương trình gặp mặt với Thường trực Tỉnh ủy, tôi kỳ vọng tiếp tục nhận được chia sẻ động viên của đồng chí lãnh đạo tỉnh; đồng thời thông qua diễn đàn này để chúng tôi trao đổi trực tiếp những khó khăn, vướng mắc khó khăn của cơ sở. Trong đó, vấn đề tôi quan tâm đề xuất với lãnh đạo tỉnh đó là tình trạng thiếu giáo viên vùng nông thôn, vùng khó khăn. Bởi thực trạng hiện nay là tư tưởng của giáo viên luôn muốn về vùng xuôi, vùng trung tâm công tác nên qua đối thoại này mong muốn lãnh đạo tỉnh có giải pháp để có cơ chế động viên thu hút giáo viên công tác ở vùng nông thôn. Thứ hai là quan tâm công tác cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính, tránh sự chồng chéo làm sao tạo thuận lợi cho tổ chức cá nhân nhất là lĩnh vực đất đai; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ cấu cán bộ bán chuyên trách cấp xã, quy định quyền cho cấp xã để áp dụng phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Thanh Lê