Báo động tình trạng làm giả giấy tờ, tài liệu

Gia Huy 02/08/2023 09:11

(Baonghean.vn) -Thời gian gần đây, các hành vi làm, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức và quyền lợi của người dân.

Triệt phá nhiều đường dây làm giả giấy tờ

Thời gian qua, các cơ quan chức năng Nghệ An phát hiện và bắt giữ nhiều đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Điển hình trong tháng 6/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) đã bắt giữ 3 đối tượng cùng trú tại thành phố Vinh về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức gồm: Thái Thanh Minh (SN 1963); Hồ Văn Hòa (SN 1970) và Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1970).

Cơ quan Công an xác định, Thái Thanh Minh đã mua máy tính, máy in màu, sau đó tải các loại giấy tờ, bằng, con dấu của cơ quan, tổ chức và sử dụng phần mềm thiết kế đồ họa để chỉnh sửa, in màu theo đúng yêu cầu của người có nhu cầu đặt làm giả. Để tránh bị phát hiện, Minh không trực tiếp nhận làm giả con dấu, tài liệu từ người có nhu cầu mà đều qua trung gian, “chân rết” là Hồ Văn Hòa, Nguyễn Hồng Lĩnh.

Cơ quan Công an làm việc với Thái Thanh Minh.- đối tượng cầm đầu ổ nhóm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với số lượng lớn. Anh văn hau.jpeg
Cơ quan Công an làm việc với Thái Thanh Minh - đối tượng cầm đầu ổ nhóm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với số lượng lớn. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Tất cả liên lạc, giao dịch với Minh đều thực hiện qua mạng xã hội Zalo, Facebook... đã ẩn danh thông tin người liên lạc. Cơ quan Công an đã thu và tạm giữ tang vật gồm 1 bộ máy vi tính, 2 máy in, 36 tem 7 màu có khắc logo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; 1 Bằng tốt nghiệp cao đẳng, 1 Bằng tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, 1 Bằng tốt nghiệp nấu ăn của Trường Cao đẳng Du lịch Nghệ An; 1 giấy xác nhận người có công có hình con dấu của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương); 5 tem kiểm định, dưới mỗi tem kiểm định có hình dấu của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 37-05D... tất cả đều được làm giả cùng hàng trăm phôi Giấy khai sinh, Đăng ký kết hôn và nhiều giấy tờ được làm giả khác của các cơ quan, tổ chức.

bna-tang-vat-7068-9407.jpeg
Các chứng minh nhân dân giả (tang vật vụ án). Ảnh tư liệu: Hồ Hưng

Tiếp đó, trong tháng 7/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Thế Tuấn (SN 1989) và Võ Trọng Huy (SN 1988) cùng trú tại tỉnh Hà Tĩnh về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Bước đầu, cơ quan Công an xác định: Từ tháng 5 đến tháng 7/2023, Tuấn và Huy đã sử dụng những giấy CMND giả đến các trụ sở ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… tiến hành lập các tài khoản ngân hàng mạo danh.

Sau khi sử dụng CMND giả lập được tài khoản mạo danh ở các ngân hàng, các đối tượng bán thông tin kèm mật khẩu đăng nhập, mã OTP cho tài khoản Telegram có tên “H.N” với giá từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng. Với phương thức, thủ đoạn này, 2 đối tượng Nguyễn Thế Tuấn và Võ Trọng Huy đã thực hiện được nhiều phi vụ trót lọt, thu lợi với số tiền lớn. Sau khi mua tài khoản mạo danh từ các “chân rết”, các đối tượng có tên tài khoản “H.N” đã sử dụng các thủ đoạn hack vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng.

bna-2-doi-tuong-1650-8586.jpeg
Hai đối tượng Võ Trọng Huy và Nguyễn Thế Tuấn. Ảnh tư liệu: Phạm Thủy

Theo ngành chức năng, nhiều đường dây buôn bán, làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đã được triệt xóa, nhưng nhiều đối tượng vẫn công khai thực hiện hành vi phạm pháp, gây bất an trong dư luận. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng sử dụng các giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Điển hình ngày 6/7/2023, Công an huyện Quỳnh Lưu khởi tố đối tượng Nguyễn Văn Được (SN 1986), trú tại xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, do có nhu cầu vay mượn tiền để kinh doanh, Được đã cầm cố tài sản cá nhân là xe ô tô và giao giấy phép đăng ký xe cho ngân hàng. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, Được lên mạng xã hội Facebook đặt mua giấy tờ xe giả. Sau đó, đưa ô tô và giấy đăng ký xe giả đến tiệm cầm đồ trên địa bàn xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) để cầm cố, vay 350 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Đến thời hạn trả tiền, Được không đến nhận xe, cũng không trả tiền cho chủ tiệm cầm đồ mà vào TP. Hồ Chí Minh để làm ăn. Ngày 6/7/2023, Được bị bắt giữ, khởi tố về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, sau đó bị khởi tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

images1849431_1s.jpeg
Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Nguyễn Văn Được. Ảnh: Hồng Hạnh

Tại huyện Diễn Châu, nhận thấy, tình trạng mua bán, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội và sự cả tin, kém hiểu biết của một bộ phận nhân dân, ngang nhiên rao bán dịch vụ làm giấy tờ giả với nhiều thủ đoạn tinh vi. Người thuê làm giấy tờ giả chỉ cần liên hệ qua tin nhắn Zalo, Facebook là có giấy tờ, tài liệu giả giống hệt như giấy tờ, tài liệu thật, bằng mắt thường khó phát hiện được. Một số trường hợp, do sự lỏng lẻo của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý con dấu, giấy tờ, tài liệu nên một số lượng lớn giấy tờ bị làm giả tuồn ra ngoài (chữ ký, con dấu thật nhưng nội dung giả). Khi có được các tài liệu giả này, các đối tượng đã sử dụng nó vào các mục đích trái pháp luật khác nhau như: Thông qua các giao dịch dân sự, các giao dịch khác liên quan đến các tổ chức tín dụng, văn phòng công chứng (chủ yếu là các giao dịch liên quan đến đất đai) và thậm chí là các cơ quan Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc để thực hiện một số lợi ích trái pháp luật khác.

Các hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu phổ biến như: Làm giả Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn; làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, bằng cấp… Trước thực tế trên, trong năm 2022, Viện trưởng Viện KSND huyện Diễn Châu đã kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu áp dụng các biện pháp để phòng ngừa đấu tranh với tội phạm sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; đồng thời, ngăn chặn việc sử dụng tài liệu giả để thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại tài sản, xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước.

Khuyến cáo

Thực tế cho thấy, việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả gây thiệt hại rất lớn, nhất là đối với các giao dịch mua bán nhà, đất, thế chấp vay vốn tín dụng. Nhiều người dân đã mất tiền oan vì tin vào những Giấy đăng ký xe giả, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng tuyển dụng lao động giả. Vì vậy, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này, nhiều vụ việc đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh.

Điển hình trong tháng 4/2023, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử nhóm đối tượng liên tỉnh làm giả giấy tờ, bằng cấp do Phạm Duy Phong (SN 1992), trú tại TP.Vinh cầm đầu. Theo hồ sơ vụ án, ngày 11/11/2021, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam tổ chức xét duyệt hồ sơ xin thị thực đi lao động tại Cộng hòa Séc đã phát hiện Bằng tốt nghiệp Cao đẳng Quản trị kinh doanh ghi tên Hoàng Trung Hiếu và bằng cao đẳng, bảng ghi kết quả học tập ghi tên Nguyễn Văn Hùng là giả. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện đường dây làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức do Phong cầm đầu.

Nhóm đối tượng Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức  do đối tượng Phạm Duy Phong trú tại TP vinh cầm đầu. anh tư lieu Trần Vũ.jpeg
Nhóm đối tượng làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phạm Duy Phong trú tại TP. Vinh cầm đầu. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến tháng 1/2022, Phong đã tổ chức, điều hành, phân công nhiệm vụ cho một số đối tượng làm giả 32 loại tài liệu gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bằng tốt nghiệp đại học; Bằng tốt nghiệp cao đẳng; Bảng kết quả học tập; Giấy chứng nhận đăng ký ô tô, Căn cước công dân… để cho nhiều người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, thu lợi bất chính hơn 527 triệu đồng.

Cùng đường dây với Phong có 12 bị cáo khác trú ở nhiều tỉnh, thành như: Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình, Khánh Hòa, Nam Định, Hà Tĩnh. Phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án, tòa tuyên phạt Phạm Duy Phong 39 tháng tù giam, Nguyễn Duy Cường (SN 1994), trú TP.Vinh 21 tháng tù giam; Nguyễn Ngọc Kiều Linh (SN 2000), trú tại Quảng Trị 31 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 9 tháng tù đến 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Theo ngành chức năng, một trong những nguyên nhân để tội phạm làm giả giấy tờ có “đất sống” là do một số người dân vì muốn hợp thức hóa các thủ tục, bằng cấp mà dù biết trái pháp luật vẫn cố tình mua văn bằng, chứng chỉ giả. Mọi hành vi làm giả con dấu, tài liệu hay sử dụng giấy tờ giả đều vi phạm pháp luật và có thể vướng vào vòng lao lý.

Tang vật một vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu. Anh tư liêu  van hau.jpeg
Tang vật một vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù lên đến 7 năm tù giam. Do vậy, người dân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả; đề cao cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến các loại giấy tờ, tài liệu.

Song song với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với con dấu, tài liệu và đẩy mạnh đấu tranh, phòng ngừa, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi giao, gửi, cho mượn các giấy tờ như Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận đăng ký xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… phải cẩn trọng, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng làm giấy tờ giả rồi tráo đổi để lấy giấy tờ thật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác.

Gia Huy