Học sinh lúng túng, nhà trường khó khăn khi triển khai chọn tổ hợp chương trình giáo dục phổ thông mới
(Baonghean.vn) - Năm học này là năm thứ 2, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện với học sinh lớp 10. Tuy vậy, xung quanh việc đăng ký tổ hợp cho học sinh vẫn còn những khó khăn, cho cả phụ huynh, học sinh và cho cả nhà trường.
Lúng túng khi đăng ký tổ hợp
Với 25 điểm, em Võ Phương Mai - từng là học sinh Trường THCS Nghi Hương đã trúng tuyển vào Trường THPT Cửa Lò trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Điểm tuyển sinh khá cao, 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh khá đồng đều, nhưng khi đăng ký tổ hợp cho các môn để chuẩn bị cho 3 năm THPT em vẫn có những băn khoăn.
Chia sẻ về điều này, em Võ Phương Mai cho biết: Năm nay nhà trường cho học sinh lựa chọn 1 trong 4 tổ hợp, trong đó, có 2 lớp định hướng khối A Toán - Lý - Hóa, 2 lớp định hướng khối A1 Toán - Lý - Anh và 6 lớp định hướng theo khối D là Toán - Văn - Anh. Trước mắt cháu sẽ đăng ký khối D nhưng không biết lựa chọn này có chính xác không. Hơn thế, dù chọn khối D nhưng ở khối lớp này lại có đến 3 tổ hợp với các môn học khác nhau. Cháu đang phân vân về việc lựa chọn các môn tự chọn, không biết nên đăng ký môn tự chọn là Vật lý hay Hóa học, Giáo dục kinh tế pháp luật hay Công nghệ.
Những phân vân này không chỉ của riêng học sinh Võ Phương Mai. Nhiều phụ huynh ngay trong buổi đầu tiên đến đăng ký nhập học cho các con đã phải trực tiếp đến trường để xin tư vấn từ các thầy, cô giáo.
Là giáo viên đã có nhiều năm đứng trên bục giảng và nay với vai trò của một phụ huynh, chị Phùng Thị Hiệu có con nhập học ở Trường THPT Cửa Lò cho biết: Tôi cho rằng, định hướng khối và tổ hợp các môn tự chọn của nhà trường khá rõ ràng. Nhưng điều tôi băn khoăn hiện nay, đó là chưa biết sau 3 năm nữa, khi các con hoàn thành chương trình THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học như thế nào. Tôi thấy, hiện nay, xu hướng các trường đang tổ chức kỳ thi riêng với các bài thi đánh giá năng lực, trong đó, tổng hợp từ 6 - 7 môn văn hóa, bao gồm cả các môn tự nhiên và các môn xã hội. Nếu bây giờ các cháu chỉ đăng ký đơn thuần theo cảm tính sau này sẽ gặp khó khăn khi đăng ký thi và xét tuyển đại học. Chưa kể, không biết sau này các trường đại học có xét tuyển theo các khối truyền thống A, B, C, D như hiện nay nữa hay không. Điều này thì chính các trường THPT cũng rất khó trả lời.
Tại Trường THPT Lê Viết Thuật, dù đã đọc rất kỹ hướng dẫn của nhà trường, nhưng anh Nguyễn Đăng Cần - bố của học sinh Nguyễn Thanh Bình vẫn chưa thể lựa chọn môn học cho con.
Anh Bình cho biết: Tôi thấy chương trình mới có những ưu điểm như học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình cũng như định hướng nghề nghiệp và các con được lựa chọn môn học, nội dung học.
Ở Trường THPT Lê Viết Thuật, ngoài các môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn 4 môn từ 3 nhóm môn, gồm nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên và nhóm môn công nghệ và nghệ thuật và các môn này có thể sẽ liên quan đến việc thi tuyển đại học của các con sau này. Với độ tuổi các cháu, nếu để lựa chọn sẽ rất khó khăn, vì nếu được môn này sẽ mất môn khác, trong khi các con chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai và Bộ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Bản thân con tôi cháu được 27,1 điểm nhưng lại không thi hệ chuyên, nghĩa là cháu chưa có ý thức rõ ràng về ngành nghề, về môn học mà mình định theo học. Vì vậy, chúng tôi phải cân nhắc kỹ càng.
Khó bố trí giáo viên và xây dựng chương trình
Thời điểm này, một số trường trên địa bàn tỉnh như Trường THPT Lê Hồng Phong, Trường THPT Diễn Châu 3 đã tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp hoặc triển khai nhiều bài viết trên trang fanpage của nhà trường để học sinh hiểu rõ hơn về việc lựa chọn các môn học, mối liên quan về các ngành nghề trong tương lai.
Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo định hướng nghề nghiệp thông qua việc lựa chọn các tổ hợp môn học. Bởi vậy, việc lựa chọn được các môn học khi bước vào lớp 10 cần phải được các bậc phụ huynh và các em học sinh cân nhắc một cách kỹ càng, nhằm lựa chọn được tổ hợp môn học phù hợp với bản thân, phát huy được những tài năng vốn có và đáp ứng triển vọng nghề nghiệp trong tương lai cho mình.
Tại Trường THPT Lê Viết Thuật, thời điểm này, nhà trường đã hoàn thành việc tuyển sinh vào lớp 10 và theo dự kiến ngay trong tuần đầu tiên của tháng 8 trường sẽ tổ chức một buổi gặp mặt phụ huynh và học sinh lớp 10 để định hướng về việc đăng ký các môn cho học sinh đầu cấp. Hoạt động đặc thù này chỉ mới diễn ra từ 2 năm trở lại đây khi trường bắt đầu triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 với nhiều thay đổi quan trọng. Riêng với học sinh lớp 10, sự lựa chọn từ năm học đầu tiên không chỉ ảnh hưởng tới 3 năm học tại trường mà còn ảnh hưởng lớn tới sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Thực tế, từ năm học trước, dù đã có sự tư vấn khá kỹ càng nhưng chỉ sau 1 học kỳ theo học, Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Viết Thuật nhận được khá nhiều lá đơn xin chuyển lớp, xin chuyển khối của học sinh. Trong khi học sinh đã lựa chọn tổ hợp môn từ đầu lớp 10 sang học kỳ II hoặc sang lớp 11, 12 muốn đổi tổ hợp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi phải học lại từ đầu những môn của tổ hợp mới đạt yêu cầu thì mới được chuyển. Về phía nhà trường lại gặp nhiều khó khăn khi phải bố trí giáo viên dạy bù, tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh.
Nói về điều này, thầy giáo Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của bộ, của ngành và của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn đảm bảo yêu cầu của chương trình, theo đội ngũ của giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường. Trước khi học sinh đăng ký chính thức, nhà trường cũng đã đăng tải công khai các tổ hợp nhà trường dự kiến thực hiện để học sinh tìm hiểu và thấy rõ hơn bản chất của chương trình. Học sinh sẽ đăng ký tổ hợp sau khi đã nắm bắt đầy đủ và trên cơ sở đó nhà trường mới bắt đầu xếp lớp theo nguyện vọng. Quan điểm của nhà trường là tạo thuận lợi tối đa cho học sinh nhưng cũng cần phải căn cứ trên điều kiện thực tế và khó đáp ứng hết được tất cả các nhu cầu. Cá nhân tôi thấy rằng, chương trình mới có những ưu điểm nhưng cũng để lại những khó khăn cho các cơ sở giáo dục, tạo ra sự bất cập thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các nhà trường.
Hiện nay, xu thế của phụ huynh, học sinh thường chọn các môn xã hội nên dẫn đến thiếu giáo viên môn xã hội và thừa giáo viên môn tự nhiên. Hay chương trình học hiện nay giữa các nhà trường khác nhau. Vì vậy, khi học sinh chuyển trường hoặc xin chuyển lớp thì bị hổng các môn học và phải học bù rất mất thời gian.
Ở Trường THPT Cửa Lò, năm nay, nhà trường chỉ bố trí học sinh theo các tổ hợp khối A, B, D và không có tổ hợp khối theo định hướng khối C. Điều này căn cứ trên thực tế của nhà trường và nguyện vọng của phụ huynh học sinh.
Chương trình mới có khá nhiều môn học mới về trải nghiệm, nghệ thuật, âm nhạc nhưng hiện nay các trường chưa triển khai được vì chưa có giáo viên giảng dạy các môn năng khiếu. Trong khi đó, môn trải nghiệm thì đang sử dụng giáo viên kiêm nhiệm như giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên đang thiếu nên chất lượng chưa cao. Thực tế, việc bố trí các môn học hiện nay đang thực hiện để đủ mặt bằng lao động của nhà trường.
Về vấn đề triển khai chương trình mới cho học sinh lớp 10, mới đây tại hội nghị tổng kết năm học bậc phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Nghệ An, nhiều ý kiến cũng đã được đưa ra xoay quanh các bất cập về việc lựa chọn các môn lựa chọn, chuyên đề học tập trong năm đầu tiên đối với lớp 10 và câu chuyện thiếu giáo viên.
Để gỡ khó cho các nhà trường trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các nhà trường cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh bậc THPT khi chuyển trường và chuyển khối. Trong trường hợp học sinh bị lệch môn học cần phải bổ sung kiến thức, nhà trường cần phải tạo điều kiện bố trí thời gian, giáo viên để tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá cho học sinh theo đúng các văn bản hướng dẫn./.