Thủ đoạn tinh vi trong mua bán hoá đơn điện tử ở Nghệ An

Nguyễn Hải 04/08/2023 10:09

(Baonghean.vn) - Quản lý hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế bằng cách phát hành hệ thống hóa đơn điện tử được áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 là một trong những chiến lược cải cách ngành Thuế, nhằm phục vụ người dân và thay đổi phương thức quản lý thuế hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách để thành lập doanh nghiệp và thực hiện hành vi mua bán hóa đơn nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền từ ngân sách Nhà nước.

Gian lận hóa đơn thuế ngày càng gia tăng

Trước hết phải khẳng định, việc chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Đây là hoạt động góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội.Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

bna_Người dân kê khai lý lịch tư pháp đi xuất khẩu lao động.JPG
Người dân kê khai làm thủ tục hành chính và đăng ký kinh doanh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi dụng kẽ hở pháp luật và sự thông thoáng trong các chính sách về thuế nên nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi trục lợi. Trong đó, một số đối tượng tội phạm công nghệ cao đã làm giả hóa đơn điện tử, công khai mua bán hóa đơn trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo…

bna_ dongchilethuhuyentiepnhanhosocuannt-anhminhhoa.jpg
Các hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp giao dịch tại Chi cục Thuế khu vực. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Tại Quyết định số 885/QĐ-BKHĐT ngày 30/6/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp thì hộ kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, chỉ cần cung cấp bản sao, không phải công chứng, chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, hồ sơ đăng ký có thể nộp bằng điện tử. Quy định này tạo điều kiện cho người dân, hộ kinh doanh nhưng lại là kẽ hở trong quản lý rủi ro đối với ngành Thuế. Nhiều đối tượng xấu sử dụng giấy tờ pháp lý chưa phù hợp, kê khai các thông tin không chính xác để thành lập doanh nghiệp, sau đó hoạt động mua bán hóa đơn trái phép trong thời gian ngắn rồi “thoát xác”, bỏ địa chỉ cũ và tiếp tục thành lập doanh nghiệp khác để mua bán hóa đơn trái phép.

Theo quy trình quản lý hóa đơn điện tử, việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thực hiện qua cổng thông tin điện tử tự động, cơ quan Thuế tiếp nhận, xử lý trong 1 ngày làm việc. Thế nhưng, do khâu cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh quá dễ dàng như đã nói ở trên khiến cơ quan Thuế rất khó quản lý người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử. Không những thế, các đối tượng bán hóa đơn thường thành lập doanh nghiệp mới, xuất hóa đơn ồ ạt trong thời gian ngắn rồi bỏ địa chỉ kinh doanh, tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới nên càng khó truy vết hơn...

(Ông Nguyễn Đình Đức - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An chia sẻ)

Trên thực tế, không ít trường hợp khi nghi ngờ doanh nghiệp mua bán hóa đơn, thậm chí lập hồ sơ theo dõi nhưng khi cán bộ thuế đến xác minh, mặc dù vẫn có người có tên đứng đại diện theo pháp luật nhưng họ khẳng định họ không biết, không liên quan cũng như không làm việc cho doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt về tội mua bán hóa đơn còn nhẹ và chưa đủ tính răn đe. Cụ thể, theo Điều 203 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, mức phạt tối đa cho hành vi này là phạt tù từ 01- 05 năm, phạt tiền mức cao nhất 01 tỷ đồng đối với pháp nhân thương mại. Trong khi đó, khoản thu lợi bất chính từ việc bán hóa đơn rất cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.

bna_Công dân đến giao dịch tại Chi cục thuế TP Vinh.jpg
Từ khi chuyển sang hình thức hóa đơn điện tử, số người dân đến các Bộ phận giao dịch 1 cửa cơ quan thuế giảm hẳn. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục nạp phí trước bạ tại Chi cục thuế Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Nghệ An, dù phát hành hóa đơn điện tử chỉ chưa đầy 1 năm nhưng qua theo dõi đã phát hiện hàng chục ngàn hóa đơn không có mã xác thực; ngành Thuế Nghệ An đã phải tạm dừng đăng ký hóa đơn với 91 doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 450.000 hóa đơn không có mã xác thực, thậm chí có trường hợp 1 doanh nghiệp yến sào xuất hóa đơn giá trị 34.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tuần, khi kiểm tra thì phát hiện chỉ có 40 triệu đồng hóa đơn kinh doanh yến sào, còn lại là hóa đơn xuất vào thị trường chứng khoán.

Giải pháp nào để quản lý, siết chặt?

Có một thực tế là hành vi mua bán hóa đơn, nhất là từ khi phát hành hóa đơn điện tử rất phức tạp, trong khi với phương pháp quản lý hiện nay, cơ quan Thuế hoàn toàn đang ở thế bị động trong đấu tranh đối với các đối tượng có hành vi trên.

a4-2.jpg
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An tống đạt quyết định khởi tố đối với một doanh nghiệp gian lận hóa đơn thuế. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Theo Điều 21, Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 quy định: Đối với người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn chứng từ thì đưa vào danh sách thực hiện rà soát, kiểm tra tại trụ sở của cơ quan Thuế. Đối với người nộp thuế có rủi ro trung bình thấp thì thực hiện chọn mẫu để rà soát, kiểm tra, xử lý và tăng cường hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật về hóa đơn. Điều này đồng nghĩa với ngành Thuế đang thực hiện theo kiểu hậu kiểm, đi sau các hành vi mà người nộp thuế đã thực hiện.

Vì thế, về cơ bản khi việc mua bán hóa đơn điện tử đã xảy ra thì cơ quan Thuế mới tiến hành rà soát, phát hiện và xử lý. Ngành Thuế hoàn toàn ở thế bị động và giải pháp có tính “chống đỡ” hơn là chủ động đấu tranh đối với các đối tượng bán hóa đơn.

bna_ đoàn liên ngành kiểm tra thực tế kinh doanh của các hộ và doanh nghiệp.JPG
Đoàn liên ngành thành phố Vinh trong 1 hoạt động kiểm tra thực tế hoạt động của các doanh nghiệp tại đường Mai Hắc Đế, TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, mặc dù cơ quan Thuế vẫn thường xuyên nhận được các văn bản phối hợp, cảnh báo về có rủi ro cao về thuế và hóa đơn nhưng nội dung cũng khá đơn giản như: Doanh nghiệp (DN) không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh, không có đầu vào nhưng có hóa đơn xuất ra, hàng hóa mua vào của những DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh, hàng hóa mua vào của DN có rủi ro cao về thuế... Tuy nhiên, các nội dung được cảnh báo như trên khá chung chung nên khó đấu tranh với những người nộp thuế (NNT) có sử dụng hóa đơn của DN được cảnh báo.

bna_ tang vật 1 vụ án mua bán hóa đơn tại địa bàn Nghệ An.jpg
Tang vật 1 vụ án mua bán hóa đơn gây thất thoát lớn cho ngân sách. Ảnh tư liệu CSCC

Trong thực tế, các doanh nghiệp rủi ro cao về bán hóa đơn rất đa dạng. Một số DN thành lập chỉ để bán hóa đơn, một số DN vừa có kinh doanh thật, vừa bán hóa đơn, một số trường hợp mua hàng trôi nổi không có hóa đơn đầu vào nhưng khi bán hàng hóa thì đã dùng một DN khác để xuất hóa đơn đầu ra… Vì vậy, nếu các nội dung được cảnh báo không cụ thể, chưa làm rõ được bản chất các hành vi vi phạm của bên bán hóa đơn điện tử như vậy sẽ dẫn đến việc xử lý NNT có sử dụng hóa đơn của các DN có rủi ro này rất khó khăn.

Từ thực tiễn nêu trên, theo Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết là nhóm giải pháp về chính sách: Theo đó, ngành Thuế cần tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền có các quy định, chế tài nặng hơn, răn đe hơn đối với tội danh về phát hành mua bán trái phép hóa đơn. Cùng với đó, có hình thức xử lý đối với người nộp thuế sử dụng hóa đơn bất hợp pháp đã thực hiện kê khai thuế nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn để ngăn chặn nhu cầu về hóa đơn bất hợp pháp. Đây là đối tượng cần quan tâm để xử lý cái gốc, là nhu cầu về hóa đơn bất hợp pháp.

bna_Doanh nghiệp hỏi ngành thuế.jpg
Tăng cường đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, nắm bắt hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, thẩm định thông tin các doanh nghiệp phát hành hóa đơn điện tử. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định, căn cứ vào tình hình thực tiễn quản lý thuế, khi cơ quan Thuế phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao, trong những trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan Thuế được phép yêu cầu người nộp thuế áp dụng hình thức sử dụng Hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh để kịp thời ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn. Ngoài ra, cần tăng thêm thời gian tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế thay vì chỉ 1 ngày để thực hiện đối chiếu các thông tin theo quy định hiện nay.

Thứ hai là nhóm giải pháp về phương pháp quản lý: Cần thay đổi từ hình thức “chống” sang “phòng” đối với các đối tượng bán hóa đơn bằng cách giám sát người nộp thuế ngay từ khi bắt đầu thành lập, bắt đầu tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Các điều tra viên xem xét chứng cứ.jpg
Các điều tra viên kiểm tra, xác minh 1 vụ việc mua bán hóa đơn. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Hiện nay, Cục Thuế tỉnh Nghệ An quy định, với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập thì trong vòng 05 - 10 ngày kể từ khi cán bộ được phân công theo dõi DN phải xác minh địa điểm kinh doanh và thực hiện đánh giá, phân loại mức độ rủi ro ban đầu theo bộ tiêu chí đánh giá rủi ro sơ bộ mà Cục Thuế Nghệ An đã xây dựng như: đánh giá chung về người đại diện theo pháp luật/ trụ sở như thế nào/ bộ máy kế toán của DN như thế nào/ tài sản ban đầu của DN… Việc đánh giá rủi ro ban đầu sẽ làm cơ sở cho việc đấu tranh đối với các trường hợp có biểu hiện gian lận.

Quyết định số 489/QĐ-TCT ngày 07/4/2022 của Tổng cục Thuế đã quy định rất rõ việc chuyển hồ sơ tin báo cũng như kiến nghị khởi tố gửi cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trước khi chuyển hồ sơ, cơ quan Thuế phải xác định được hành vi vi phạm pháp luật thuế là gì và dấu hiệu tội phạm như thế nào. Thời gian qua, ngành Thuế đang chọn giải pháp xử lý theo hướng an toàn, chưa quyết liệt trong củng cố hồ sơ để chuyển cho cơ quan điều tra. Vì vậy, số lượng các doanh nghiệp bị khởi tố về tội mua bán hóa đơn chưa nhiều; chưa đủ sức răn đe những đối tượng có các hành vi trục lợi...

Nguyễn Hải