Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nêu 3 câu hỏi với các cán bộ chủ chốt cấp xã

Thành Duy 04/08/2023 13:51

(Baonghean.vn) - Tại Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn năm 2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đặt 3 câu hỏi đối với lãnh đạo chủ chốt cấp xã.

bna_IMG_2095.JPG
Toàn cảnh Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn năm 2023. Ảnh: Thành Duy

KHẮC PHỤC BIỂU HIỆN HÀNH CHÍNH HÓA Ở CẤP XÃ

Đặt câu hỏi đầu tiên với hơn 1.000 lãnh đạo chủ chốt cấp xã, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các đại biểu cho biết trên địa bàn liệu có tình trạng hành chính hóa trong hoạt động; còn tình trạng “bê” nguyên văn bản chỉ đạo của cấp trên, kế hoạch triển khai hình thức, không có chất lượng, hướng dẫn không sát, cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành, lãnh đạo; không phát huy được vai trò, dẫn đến không tập hợp được quần chúng, Nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ? và giải pháp khắc phục việc này như thế nào?

bna_IMG_2504.JPG
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đặt câu hỏi với hơn 1.000 lãnh đạo chủ chốt cấp xã. Ảnh: Thành Duy

Trả lời câu hỏi trên của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, Thanh Chương cho rằng, ở xã, phường, thị trấn, cơ bản các chủ trương được triển khai đem lại hiệu quả rất cao; bên cạnh đó có một số chủ trương còn tình trạng hành chính hóa khi triển khai thực hiện như: sao chụp, áp đặt, thậm chí thiếu thực tế trong việc xây dựng, ban hành, triển khai, tổ chức thực hiện nên chưa đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả không cao.

bna_z4574076918676_ac8d09b7bdc11225d051c5076dc89d2c.jpg
Đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, Thanh Chương trả lời câu hỏi về khắc phục tình trạng hành chính hóa hoạt động ở cấp xã. Ảnh: Thành Cường

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương cho biết, việc ban hành chủ trương của tỉnh, huyện có phạm vi điều chỉnh rộng, một chủ trương nhiều địa phương tổ chức triển khai thực hiện trong lúc điều kiện các xã không giống nhau. Do vậy, để triển khai chủ trương của cấp trên hiệu quả, theo đồng chí cần có 2 yếu tố là: con người và quy trình, phương pháp thực hiện.

Về yếu tố con người, đồng chí Phan Bá Ngọc nêu quan điểm, cán bộ lãnh đạo quản lý phải có năng lực ngang tầm, không được quan liêu, phải cầu thị, tận dụng trí tuệ mọi người, dân chủ trong xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức thực hiện.

Còn đối với quy trình, phương pháp thực hiện, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, khi tiếp cận cần phải nghiên cứu kỹ. Vì trình độ cán bộ xã có một số vấn đề cập nhật, và sự hiểu biết chưa đến tầm mà các chủ trương ban hành.

Đồng thời phải tiến hành thực hiện hiệu quả, đặc biệt không được sao chép, áp đặt cái chung của tỉnh, của huyện vào địa phương mình, nếu không sẽ dẫn đến bất cập; gắn với đó cần nắm chắc điều kiện của địa phương để có nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ở địa phương vừa đúng chủ trương, vừa đạt hiệu quả cao; đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch kịp thời và đồng bộ.

BNA_6811-01.jpeg
Các đại biểu dự Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn năm 2023. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Cao Xuân Điệp - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu cho rằng, còn tình trạng thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là ngại việc, né tránh trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong xử lý công việc ở một số đội ngũ cán bộ, công chức, kể cả lãnh đạo quản lý cấp xã; đặc biệt liên quan đến các công chức chuyên môn trong các lĩnh vực như: quản lý đất đai, tài nguyên, tài chính, tư pháp.

Đồng chí Cao Xuân Điệp cho rằng, tồn tại trên xuất phát từ nguyên nhân nhận thức về quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ý thức, trách nhiệm về vị trí công tác của một số cán bộ, công chức chưa cao; một số bộ phận cán bộ, công chức chưa chịu khó học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, còn ngại va chạm, không dám làm, hoặc sợ sai, sợ chịu trách nhiệm nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn cầm chừng. Có một số cán bộ lãnh đạo rất có năng lực nhưng làm theo tư tưởng sợ “mất phiếu” cho nên còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Hệ thống văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước còn thường xuyên thay đổi, còn có chồng chéo, thiếu đồng bộ nên làm cho cán bộ, công chức chưa được tiếp thu đầy đủ hoặc chưa kịp thời.

Một số chức danh thuộc diện luân chuyển đến địa bàn mới chưa đủ thời gian để nắm bắt tình hình nhưng vẫn phải giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân nên vẫn còn sợ sai, không dám làm, cụ thể như lĩnh vực địa chính, xây dựng, tư pháp.

Mặt khác, trong thời gian này đang thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã nên một số cán bộ, công chức còn có tư tưởng làm việc thiếu quyết liệt, ngại va chạm trong thực thi công vụ; đồng thời đội ngũ lãnh đạo, công chức cơ bản là người địa phương nên còn tình trạng nể nang liên quan đến anh em, họ hàng.

Đồng chí cũng cho rằng, cấp xã là cấp hành chính cuối cùng nên khối lượng công việc rất nhiều, một công chức phụ trách nhiều lĩnh vực trong khi đào tạo chuyên môn chỉ một lĩnh vực nên gặp khó khăn khi thực thi công vụ; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của cấp trên có lúc, có nơi chưa kịp thời.

Từ tình hình trên, đồng chí Cao Xuân Điệp - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu đề nghị cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến theo hướng linh hoạt, kịp thời các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, công chức có những hạn chế, yếu kém.

Đồng thời coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, nhất là đối với những cán bộ có biểu hiện như trên; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cấp trên trong việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ đối với cấp xã.

CÓ TÂM LÝ NGẠI VỀ ĐÍCH NÔNG THÔN MỚI

Đồng tình với ý kiến đại biểu là nông thôn mới không có điểm kết thúc, nhân dân và cộng đồng dân cư là chủ thể, nòng cốt xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ một vài cảm nhận thấy rằng, khi đạt được nông thôn mới, một số địa bàn, địa phương chững lại, không tích cực, không hăng hái nữa. “Ở địa phương các đồng chí có tình trạng đó không. Các đồng chí có thể cho biết giải pháp thế nào?”, Bí thư Tỉnh ủy đặt câu hỏi.

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Kha Văn Lập - Bí thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương thừa nhận rằng, có tình trạng chững lại trong xây dựng nông thôn mới vì nhiều nguyên nhân.

bna_z4574076937584_73ff1f50ea1cc52c3f0f87c56536c22b.jpg
Đồng chí Kha Văn Lập - Bí thư Đảng ủy xã Nga My, Tương Dương trả lời câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thành Cường

Theo đồng chí Lập, từ thực tế ở địa phương, một trong những nguyên nhân là do có tâm lý ngại về đích nông thôn mới khi theo quy định những xã khu vực III, II khi về đích sẽ chuyển thành xã khu vực I nên nhiều chế độ, chính sách cho người dân, học sinh, cán bộ bị cắt hoặc giảm.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương, giải pháp là cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để thay đổi tư tưởng, nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, và nhân dân.

Đồng thời phải khai thác, sử dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh; đặc biệt khu vực miền núi như xã Nga My chủ yếu dựa vào nguồn lực từ các cơ chế, chính sách của tỉnh để tạo thành “cú hích” trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới; gắn liền với đó là phát huy tối đa nguồn lực địa phương: đất rừng, đất nông nghiệp.

Ngoài các cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập, thoát nghèo, Bí thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương cho rằng cần tiếp tục chú trọng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua đầu tư vào con người, cụ thể là giáo dục và đào tạo ngay từ bây giờ.

Qua diễn đàn này, đồng chí Kha Văn Lập kiến nghị tỉnh cần xem xét có chính sách đối với các xã khu vực miền núi cao, biên giới đã về đích nông thôn mới như: hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân, hỗ trợ cho học sinh đi học… gắn với có chính sách để khuyến khích các hộ có ý chí, khát vọng, tự lực, tự cường, vươn lên trở thành các hạt nhân phát triển kinh tế tại địa bàn; quan tâm nâng cấp giao thông từ xã vào trung tâm bản.

Câu hỏi thứ ba mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đặt ra đối với hơn 1.000 cán bộ chủ chốt cấp xã trong toàn tỉnh tại đối thoại là cho biết đánh giá và giải pháp trước nhận định chi bộ đảng ở khu vực nông thôn hoạt động rất khó khăn vì nguồn kết nạp càng ngày càng khó?

bna_z4574076927676_9cafb0b1da6ed740eb4097c1bf124fe5.jpg
Đồng chí Trần Văn Sao - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc trả lời câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng ở nông thôn. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Trần Văn Sao - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc từ thực tiễn địa phương cho rằng, công tác xây dựng Đảng ở xã khu vực nông thôn đang gặp 2 vấn đề khó khăn là chất lượng sinh hoạt chi bộ và chi ủy các chi bộ; thứ hai là phát triển đảng viên mới.

Đồng chí Trần Văn Sao cho biết: Ở các chi bộ nông thôn chủ yếu là đảng viên cao tuổi nên họ ngại vào chi ủy, dẫn đến hoạt động khó khăn, đồng thời năng lực của những đảng viên cao tuổi có những hạn chế nhất định nên chất lượng lãnh đạo ở chi bộ hạn chế.

Theo đồng chí Sao, giải pháp để khắc phục mà Huyện ủy Nghi Lộc đang tập trung triển khai mạnh là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy về sinh hoạt với chi bộ nông thôn để nắm bắt tình hình, động viên, tăng cường chỉ đạo, đặc biệt là chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đảng viên để có thế hệ kế cận.

bna_6614.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc kiến nghị cần nghiên cứu, xem xét trong điều kiện để hỗ trợ cho các chi bộ nông thôn, chi bộ vùng đặc thù có thêm kinh phí hoạt động vì hiện kinh phí cho chi bộ hoạt động cực kỳ khó khăn, trong khi nguồn của Đảng ủy xã không đủ điều kiện hỗ trợ.

Đồng chí Trần Văn Sao cũng nêu thực trạng vấn đề phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên trong thế hệ trẻ ở khu vực nông thôn rất hạn chế do đi học, đi làm ăn xa… Do đó, đồng chí đề nghị nghiên cứu giải pháp hỗ trợ một phần kinh phí cho quần chúng đi học cảm tình Đảng, hoặc lớp đảng viên mới; cũng như có giải pháp sắp xếp thời gian học phù hợp để các đối tượng là công nhân chuẩn bị kết nạp Đảng hoặc đảng viên mới có điều kiện đi học vì họ không thể nghỉ ở công ty, nhà máy trong ngày làm việc.

Thành Duy