Vì sao nông dân Nghệ An không nuôi tôm sú?

Xuân Hoàng 06/08/2023 14:13

(Baonghean.vn) - Con tôm sú mặc dù chất lượng thịt ngon được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu xuất khẩu cao… tuy nhiên từ gần chục năm nay, diện tích nuôi tôm sú trên địa bàn Nghệ An giảm dần và hiện nay chỉ còn rất ít hộ nuôi. 

bna_Đầu tư nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng đang được người dân Nghệ An quan tâm. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Người dân xã Diễn Trung (Diễn Châu) đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến các vùng trọng điểm nuôi tôm của Nghệ An: thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu… được bà con cho biết, hầu hết nuôi thả giống tôm thẻ chân trắng, không ai còn nuôi tôm sú.

Ông Nguyễn Cường - chủ đầm tôm ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) cho biết, cách đây 15 năm về trước, ông đã từng nuôi tôm sú kéo dài nhiều năm liền. Loại tôm này không phù hợp với thời tiết lạnh, không thích hợp với ao phủ bạt, mà chỉ phù hợp với ao đất, và loại tôm này chỉ sống dưới tầng nước đáy, vì thế con tôm sú dễ nhiễm bệnh.

Thêm nữa, tôm sú mật độ thả thưa, chỉ trên dưới 20 con/m2, thời gian nuôi kéo dài 5 - 7 tháng, nên năng suất thấp. Ngoài nuôi tôm sú đòi hỏi khi xuất bán phải đạt trọng lượng 30 - 40 con/kg mới đảm bảo chất lượng.

bna_Hiện nay gần như 100% diện tích nuoi tôm trên địa bàn Nghệ An là tôm thẻ chân trắng. Ảnh Xuân Hoàng.jpg
Hiện nay, gần 100% diện tích ao đầm nuôi tôm mặn lợ của Nghệ An là nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Xuân Hoàng

“Tôm sú nuôi quảng canh trong ao đất, nên khi kéo dài thời gian nuôi tôm dễ bị nhiễm bệnh, do vậy người nuôi tôm chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng là điều đương nhiên. Bởi tôm thẻ chân trắng nuôi trong ao lót bạt, mật độ thả cao, năng suất đạt cao, mỗi năm có thể nuôi 2 – 3 lứa”, ông Nguyễn Cường cho hay.

Huyện Quỳnh Lưu có 450 ha ao đầm nuôi tôm. Theo bà con cho rằng, trong nhiều năm nay người dân bỏ hẳn tôm sú, chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Bùi Xuân Trúc - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Với 450 ha ao đầm nuôi tôm hiện nay của Quỳnh Lưu thì gần như 100% là nuôi tôm thẻ chân trắng.

“Từ năm 2010 về trước, vẫn còn một số hộ nuôi tôm sú, nhưng sau đó bà con chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Bởi tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, năng suất cao, thời gian nuôi ngắn, trong khi tôm sú nuôi quảng canh, thời gian nuôi kéo dài và năng suất thấp, dù thị trường ưa chuộng nhờ thịt ngon, nhưng bà con vẫn không nuôi”, ông Bùi Xuân Trúc chia sẻ.

Ông Lê Văn Hướng - Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản cho biết: Hàng năm, Nghệ An nuôi thả trên 2.200 ha tôm mặn lợ trên địa bàn các huyện ven biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai, TP Vinh. Mặc dù tôm sú có đặc trưng chắc thịt, mùi vị thơm, ngon, ngọt và dai; hàm lượng chất dinh dưỡng cao, nhiều nhất là protein và các khoáng chất khác, tuy nhiên, khi giống tôm thẻ chân trắng vào địa bàn nhiều thì bà con chuyển sang nuôi giống tôm thẻ chân trắng. Và hiện nay gần như toàn bộ diện tích ao đầm trên địa bàn tỉnh chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, chiếm khoảng 98% diện tích ao đầm, và nay chỉ còn một số hộ ở xã Hưng Hoà (TP Vinh) nuôi tôm sú.

tom-the-chan-trang_1671509127.jpg
Tôm thẻ chân trắng đang được nông dân Nghệ An đầu tư nuôi thâm canh đạt năng suất cao. Ảnh: Internet

Nguyên nhân, do thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn ngày hơn tôm sú. Tôm sú có thể nuôi 5 - 7 tháng, nhưng tôm thẻ chân trắng chỉ nuôi từ 3 - 4 tháng, mỗi năm có thể thả 2 - 3 vụ. Sản lượng của tôm thẻ chân trắng cũng cao hơn nhiều so với tôm sú. Bởi tôm sú thả với mật độ 15 - 20 con/m2, trong khi tôm thẻ chân trắng mật độ thả trên 100 con/m2, thậm chí có những nơi nuôi công nghệ cao có thể thả lên tới hơn 200 con/m2. Đặc biệt là hiện nay nhiều chủ đầm đầu tư nuôi áp dụng công nghệ cao nên nuôi được quanh năm, có thể 4 - 5 vụ/năm.

Tuy nhiên, ông Hướng lo ngại rằng, đi đôi với nuôi mật độ dày, năng suất cao thì lượng thức ăn tiêu tốn nhiều, đồng nghĩa với chất thải của tôm ra môi trường lớn. Điều đó nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cao. Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua vùng nuôi tôm bị ô nhiễm nặng, từ đó con tôm dễ nhiễm dịch bệnh./.

Xuân Hoàng