Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng tới Đại hội Công đoàn Nghệ An nhiệm kỳ 2023-2028
(Baonghean.vn) - Hướng về Đại hội Công đoàn Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2023-2028, nhiều cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động đã bày tỏ niềm tin, kỳ vọng của mình đối với tổ chức công đoàn và hoạt động công đoàn trong thời gian tới.
Chị Chu Thị Hoàn - Đoàn viên công đoàn Công ty TNHH Hitex: Mong muốn Công đoàn quan tâm, hướng dẫn, nâng cao chất lượng hội nghị dân chủ cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định.
Đối với công nhân lao động chúng tôi, việc được làm việc trong một môi trường có mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, người lao động được tôn trọng và ghi nhận là điều hết sức ý nghĩa. Nó không chỉ góp phần mang lại kết quả tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn mang lại sự ổn định về mặt tư tưởng để người lao động nỗ lực hết mình trong công việc. Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, điều này càng có ý nghĩa trong việc tháo gỡ những tâm tư, nguyện vọng của người lao động cũng như đẩy mạnh phát triển và tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Muốn có được điều đó, theo tôi tổ chức công đoàn trở thành cầu nối, giúp lãnh đạo doanh nghiệp lắng nghe ý kiến của người lao động thông qua các hoạt động như hội nghị người lao động theo định kỳ và những lúc nảy sinh các vấn đề nóng. Các phương thức khác như khảo sát, hộp thư góp ý… cũng là những cách làm hiệu quả để giúp cho tiếng nói người lao động được trình bày những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn.
Thời gian tới, tôi kỳ vọng công đoàn cấp trên quan tâm hơn nữa việc chỉ đạo công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, hội nghị Người lao động để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm chăm sóc sức khỏe, có thêm những hoạt động phúc lợi hướng tới đoàn viên, mang lại lợi ích thiết thân cho đoàn viên công đoàn, người lao động.
Anh Vũ Xuân Hiệu - Công nhân Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An: Mong muốn công đoàn và doanh nghiệp quan tâm đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Sau những ngày làm việc căng thẳng, việc được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm tuyệt vời. Các hoạt động này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn là sợi dây thắt chặt tinh thần đoàn kết, thân ái giữa các đoàn viên, là “liều thuốc tinh thần” giúp cho người lao động lấy lại được sự cân bằng giữa hoạt động chuyên môn và giải trí để có thể công tác và rèn luyện một cách tốt nhất.
Vì vậy, người lao động rất mong mỏi tổ chức công đoàn tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai các hoạt động thi đua trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao trước các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương và của tổ chức Công đoàn. Đồng thời, cũng cần phát huy hơn nữa vai trò thủ lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn, đảm bảo tính tiên phong, nhiệt huyết trong việc tham gia các hoạt động này để trở thành cầu nối với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trong tham mưu triển khai các hoạt động. Để các hoạt động này phù hợp với điều kiện về con người, kinh phí và cơ sở vật chất, cũng như nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Ngoài ra, cần đa dạng hơn nữa các loại hình hoạt động, không chỉ các bộ môn hiện đại như cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi mà cũng nên có những bộ môn dân gian như kéo co, đẩy gậy…
Bước vào nhiệm kỳ mới, mong rằng công đoàn các cấp coi trọng hơn việc nâng cao đời sống tinh thần, tạo không khí phấn khởi, vui tươi thi đua lao động, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị.
Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân Công ty CP Quản lý và Xây dựng cầu đường Nghệ An - thuộc Công đoàn ngành Giao thông vận tải: Tạo điều kiện tối đa cho công nhân trong vấn đề nhà ở
Hiện tại, rất nhiều công nhân và gia đình của họ đang phải sống trong những căn nhà trọ chật hẹp. Nhiều căn phòng trên dưới 10m2, chỉ đủ kê chiếc giường ngủ, một bàn học cho con và bếp nấu ăn. Phía trên là mái fibro xi măng che nắng, che mưa. Mùa Đông gió lạnh ập vào, mùa Hè phòng trọ hầm hập như thiêu đốt. Vậy nhưng, họ phải chấp nhận thuê những căn phòng trọ giá rẻ đó bởi vì nếu thuê căn phòng rộng hơn, tốt hơn thì nguồn thu nhập ít ỏi từ mức lương công nhân sẽ chẳng còn lại bao nhiêu để trang trải cuộc sống mưu sinh.
Thực tế, nhiều công ty, đơn vị doanh nghiệp hoặc người đứng đầu địa phương vẫn chưa dành một sự quan tâm xứng đáng đến vấn đề trên. Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, nhất là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn.
Trong khi đó, tôi được biết, tại Khoản 4, Điều 4, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định các khu công nghiệp phải dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích để xây nhà ở cho công nhân. Vì vậy, bước vào nhiệm kỳ mới, tôi mong muốn các cấp Công đoàn vào cuộc hiệu quả hơn nữa để lan tỏa nguyện vọng, mong muốn của công nhân liên quan đến vấn đề nhà ở này tới các doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân. Từ đó, sớm có giải pháp để Dự án khu nhà ở công nhân và các thiết chế thể thao, văn hoá cho công nhân trong các khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP sớm được thực hiện.
Đạt được điều đó, người lao động mới có thể an tâm làm việc, nỗ lực phấn đấu để gắn bó lâu dài với công ty, tạo ra một khối đoàn kết vững chắc để xây dựng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Chị Lê Thị Thanh Trà - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An: Tiếp tục nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Công tác trong ngành Y tế nhiều năm qua, bản thân tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân chấn thương do tai nạn lao động hoặc mắc phải các căn bệnh nghề nghiệp đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, dai dẳng cho sức khỏe và cuộc sống của họ. Vấn đề này dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết trong việc cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo an toàn lao động trong các môi trường công nghiệp, xưởng sản xuất và trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc thù.
Trong nhiệm kỳ mới, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn Nghệ An là điểm dừng chân thì việc tạo ra một môi trường văn hóa làm việc an toàn, đảm bảo vệ sinh trong doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Theo tôi, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong vấn đề này, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi các cấp, phát tờ rơi, áp phích, sổ tay công tác an toàn, vệ sinh lao động nhằm giúp người lao động có điều kiện tiếp cận thường xuyên hơn. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được các cấp Công đoàn coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Lấy Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới” để thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Từ đó, từng bước cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động.
Riêng đối với ngành Y tế, cũng là một ngành đặc thù, vì vậy, nhiệm kỳ tới chúng tôi mong muốn tổ chức công đoàn tiếp tục sát cánh cùng đoàn viên người thầy thuốc, người lao động trong lĩnh vực y tế để đảm bảo quyền lợi và những chế độ chính sách xứng đáng với công sức phù hợp với đặc thù của ngành, đặc biệt những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm độc hại cao.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu: Công đoàn cần tuyên truyền, giáo dục cho người lao động nâng cao nhận thức kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp
Có thể thấy, người lao động ở Nghệ An rất chịu khó, siêng năng, cần cù, đó là những tố chất quý giá mà không phải địa phương nào cũng có được. Thời gian qua, chất lượng nguồn lao động tại Nghệ An đã được nâng cao, tuy nhiên, trong xu thế phát triển không ngừng của xã hội, các tiêu chí đặt ra với các sản phẩm hàng hóa ngày càng cao thì người lao động cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích cực học tập nâng cao trình độ tay nghề.
Theo quan sát, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp kỹ thuật trở lên còn ít, thiếu lực lượng công nhân lành nghề về điện tử, cơ khí... Cùng với đó, lao động có trình độ tốt nghiệp THPT chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, còn mang nặng phong cách của lao động tự phát mà thiếu đi yêu cầu của công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại của các doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, về phía doanh nghiệp chắc chắn cần tạo điều kiện về thời gian cho đoàn viên, người lao động để tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; gắn việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, công nhân lao động với trách nhiệm của người sử dụng lao động. Đồng thời, vận động công nhân lao động học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Còn về phía tổ chức công đoàn cần cần có sự tác động mạnh mẽ để nâng cao nhận thức đối với người lao động trong nỗ lực nâng cao tay nghề. Công đoàn cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xác định nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và nguyện vọng học tập nâng cao chuyên môn, tay nghề của người lao động. Đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động. Đồng thời, chủ động đề xuất với công đoàn cấp trên và ban giám đốc trong việc phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất phối hợp với các cơ sở đào tạo trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp cho công nhân, người lao động. Kịp thời phối hợp biểu dương những người lao động say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động.
Chỉ có vậy mới giúp công nhân lao động có việc làm ổn định, thu nhập tăng lên, đời sống được cải thiện; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn với mục tiêu và phương châm hành động “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện nghĩa Đàn: Mong muốn Công đoàn luôn là mái ấm của đoàn viên, là chỗ dựa tin cậy của người lao động
Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2023 - 2028, là sự kiện chính trị quan trọng của đội ngũ công nhân viên chức, người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn tỉnh Nghệ An.
Tôi hy vọng Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX sẽ lựa chọn ra Ban chấp hành khóa mới thật sự tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, bản lĩnh, có khả năng tập hợp, đoàn kết người lao động để tiếp tục xây dựng tổ chức Công đoàn Nghệ An lớn mạnh, đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Trước những cơ hội và thách thức đặt ra trong thời gian tới, tôi mong Ban Chấp hành Công đoàn tỉnh phải thể hiện rõ tầm nhìn dài hạn không chỉ của nhiệm kỳ này mà cho cả những nhiệm kỳ tiếp theo, định hướng xây dựng phong trào phải bắt kịp, đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Đồng thời, phát huy tốt hơn nữa vai trò cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn để phù hợp, thích ứng với tình hình thực tiễn theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đó là tiền đề quan trọng để tiếp tục quan tâm làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động…
Với một niềm tin sâu sắc, tôi tin tưởng Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ tạo nên nhiều đột phá, thực sự trở thành mái ấm của đoàn viên, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.