7 vi chất dinh dưỡng quan trọng dễ thiếu hụt khiến bạn đau xương, mệt mỏi, móng tay giòn...

Thiên Châu 09/08/2023 11:00

Các triệu chứng thường là manh mối đầu tiên cho thấy bạn đang thiếu 1 hoặc nhiều loại vitamin hoặc khoáng chất quan trọng. Dưới đây là những dấu hiệu ban đầu giúp nhận biết sự thiếu hụt 7 chất dinh dưỡng phổ biến.

1. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng thiết yếu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Ví dụ, thiếu hụt canxi và vitamin D có thể gây ra chứng loãng xương hoặc gãy xương. Không đủ chất sắt gây thiếu máu, làm giảm mức năng lượng của cơ thể.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của sự thiếu hụt các vi chất quan trọng thường gặp. Mọi người nên chú ý quan sát những bất thường của cơ thể để đi khám bệnh kịp thời.

2. Thiếu canxi: Ngón tay tê, ngứa ran và nhịp tim bất thường

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Canxi là vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với cơ thể, canxi xây dựng hệ xương, hệ răng trong cơ thể, canxi còn tham gia quá trình điều hòa huyết áp, đông máu. Trong đó 99% canxi tạo nên cấu trúc của xương hoặc răng, móng chân, móng tay, chỉ có 1% canxi tồn tại trong máu giúp kiểm soát chức năng cơ, tín hiệu tế bào, điều hòa hormone và sức khỏe của hệ tuần hoàn.

Theo Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), canxi rất quan trọng để duy trì xương chắc khỏe và kiểm soát chức năng cơ và thần kinh. NIH cho biết, các dấu hiệu của thiếu hụt canxi bao gồm các ngón tay tê, ngứa ran và nhịp tim bất thường.

z1.jpg
Khi xuất hiện triệu chứng tê đầu ngón tay không do tác động cơ học, người bệnh cần đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ rõ, mỗi ngày người lớn cũng như trẻ em cần khoảng 500mg canxi, riêng phụ nữ có thai và cho con bú thì nhu cầu tăng gấp đôi (1.000 1.200mg/ngày/người). Phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi cần 1.200 mg. Sự thiếu hụt canxi khiến sức khỏe gặp nguy hiểm vì có thể dẫn đến loãng xương và một số vấn đề khác liên quan đến hệ thần kinh.

3. Thiếu vitamin D: Mệt mỏi, đau xương, thay đổi tâm trạng

Vitamin D là một loại vitamin có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương và cũng giúp ngăn ngừa một số bệnh cho cơ thể. Các triệu chứng thiếu vitamin D thường mơ hồ, không rõ ràng như thường xuyên mệt mỏi, đau xương, thay đổi tâm trạng và đau nhức hoặc yếu cơ.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu vitamin D được khuyến nghị là: Ở trẻ < tuổi là 400 IU/ngày. Ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành < 50 tuổi là 600 IU/ngày. Người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là 800 IU/ ngày.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc dành thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời từ 10- 30 phút vài lần một tuần sẽ giúp cơ thể tổng hợp lượng vitamin D cần thiết.

4. Thiếu kali: Yếu cơ, táo bón, nhịp tim không đều

TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Phượng - Bệnh viện Hữu Nghị cho hay, trong cơ thể, kali là một trong những chất điện giải chính cùng với natri tham gia điều hòa cân bằng nước và điện giải giúp duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan. Kali đảm bảo hiệu điện thế màng, tính chịu kích thích của thần kinh - cơ giúp cho hoạt động của cơ bắp trong đó có cơ tim.

Kali giúp tim, dây thần kinh và cơ của bạn hoạt động bình thường, cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào đồng thời loại bỏ chất thải. Kali còn là một chất dinh dưỡng hữu ích giúp bù đắp tác động tiêu cực của natri đối với mức huyết áp.

Cơ thể thường bị thiếu kali trong thời gian ngắn do mất nước khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, đổ mồ hôi quá nhiều, dùng thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu; uống quá nhiều rượu hoặc mắc bệnh mạn tính như bệnh thận. Các triệu chứng thiếu hụt kali bao gồm yếu cơ, co giật hoặc chuột rút; táo bón; ngứa ran và tê; và nhịp tim bất thường hoặc đánh trống ngực,...

5. Thiếu sắt: Mệt mỏi, khó thở, tay chân lạnh, móng tay giòn

z2.jpg
Khi bị thiếu máu thiếu sắt, một số người có các triệu chứng rõ ràng, trong khi những người khác không có dấu hiệu gì cả.

Sắt cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ sắt xuống quá thấp dễ xảy ra tình trạng thiếu hồng cầu, dẫn đến thiếu máu. Một số nhóm có nguy cơ thiếu sắt cao bao gồm phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, những người đang phát triển (chẳng hạn như trẻ em và phụ nữ mang thai) và những người theo chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay.

Các triệu chứng thiếu máu thường bao gồm suy nhược và mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, da nhợt nhạt, đau đầu, tay chân lạnh, lưỡi đau hoặc sưng, móng tay giòn, dễ gãy,...

Khi thiếu máu, thiếu sắt sẽ có biểu hiện da xanh, niêm nhợt, tim nhanh, mệt, khó thở, chóng mặt, ù tai, lượng kinh nguyệt ít hơn bình thường ở nữ. Thiếu máu càng nặng thì triệu chứng càng rõ ràng hơn. Ngoài ra, còn có tình trạng tính tình dễ kích thích, đôi khi trầm cảm, rụng tóc, cảm giác lạnh.

6. Thiếu vitamin B12: Cảm giác tê, mệt mỏi, sưng lưỡi

Theo NIH, vitamin B12 hỗ trợ sản xuất tế bào hồng cầu và ADN, đồng thời cải thiện chức năng dẫn truyền thần kinh. Người ăn chay và thuần chay có nguy cơ thiếu vitamin B12 nhiều hơn vì thực vật không tạo ra chất dinh dưỡng này và những người đã phẫu thuật giảm cân cũng có thể thiếu B12 vì quy trình này khiến cơ thể khó chiết xuất chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

Các triệu chứng thiếu vitamin B12 nghiêm trọng bao gồm tê chân, tay hoặc chân; các vấn đề về đi lại và giữ thăng bằng; thiếu máu; mệt mỏi; cảm giác yếu cơ; lưỡi sưng, viêm; trí nhớ kém và suy nghĩ khó khăn. Những triệu chứng này có thể xuất hiện nhanh chóng hoặc dần dần và vì có nhiều triệu chứng như vậy nên bạn có thể không nhận thấy chúng trong một thời gian.

7. Thiếu folate: Mệt mỏi, tiêu chảy, lưỡi trơn

Folate hay axit folic, là một loại vitamin B đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Folate hỗ trợ sự phát triển và chức năng khỏe mạnh, đồng thời có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là những dị tật liên quan đến ống thần kinh (não và cột sống).

Sự thiếu hụt folate có thể làm giảm tổng số tế bào và tế bào hồng cầu lớn, đồng thời gây ra dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, phụ nữ mang thai nên đảm bảo nhận được 400mcg axit folic mỗi ngày. Các triệu chứng thiếu folate bao gồm mệt mỏi, khó chịu, tiêu chảy, tăng trưởng kém và lưỡi có cảm giác mềm, trơn.

8. Thiếu magie: Chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi

TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Phượng cho biết, magie cũng tham gia vào hoạt động của cơ bắp, điều hòa hệ thống thần kinh, đảm bảo cho cơ tim co bóp bình thường. Magie tham gia vào hơn 600 phản ứng sinh hóa trong cơ thể, tham gia quá trình tạo năng lượng, tổng hợp protein từ các axit amin .

Theo NIH, magie giúp hỗ trợ sức khỏe của xương và hỗ trợ sản xuất năng lượng, và người trưởng thành cần từ 310-420 mg, tùy thuộc vào giới tính và độ tuổi.

z3.jpeg
Các thực phẩm giàu magie nên ăn thường xuyên.

Mặc dù sự thiếu hụt magie khá hiếm gặp ở những người khỏe mạnh, nhưng một số thuốc (bao gồm một vài loại thuốc kháng sinh và thuốc lợi tiểu) và tình trạng sức khỏe (chẳng hạn như bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh Crohn) có thể hạn chế sự hấp thụ magie hoặc làm tăng sự mất chất dinh dưỡng này khỏi cơ thể.

Thiếu magie có các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn và nôn, mệt mỏi và suy nhược. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, thiếu magie cũng có thể dẫn đến tê và ngứa ran, chuột rút hoặc co thắt cơ, co giật, nhịp tim không đều, thay đổi tính cách hoặc co thắt mạch vành.

Nếu gặp phải những triệu chứng kể trên và bạn nghi ngờ mình bị thiếu vi chất dinh dưỡng, hãy đến gặp bác sĩ. Cách tốt nhất để tránh và khắc phục tình trạng thiếu hụt các vitamin và khoáng chất là đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng. Những người có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có chế độ ăn đặc biệt (chẳng hạn như người ăn chay hoặc chế độ ăn kiêng hạn chế thiếu trái cây và rau quả) cần bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu này qua thực phẩm bổ sung dưới sự tư vấn và giám sát của chuyên gia y tế.

Thiên Châu