Bài thuốc trị chứng thoát vị

TTND.BS Trần Xuân Thủy (Hội Đông y Việt Nam) 11/08/2023 10:00

Thoát vị là tình trạng một cơ quan hay một phần của một cơ quan trong cơ thể bị thay đổi vị trí, lồi ra ngoài...

Trong Đông y, thoát vị thuộc phạm vi của chứng sán khí, nguyên nhân chủ yếu là do khí hư hạ hãm.

Biểu hiện là tinh thần mệt mỏi , khí vận hành không thông suốt, cơ thể thường đau vô cớ, cơ thịt nhão, vận động suy giảm… dẫn tới các chứng bệnh như sa dạ dày, sa dạ con, trĩ ngoại (lòi rom), tiêu chảy mạn tính, tâm trạng không ổn định, giảm sút các chức năng sinh lý như miễn dịch, tiêu hóa, bài tiết…

Đối với chứng thoát vị, Đông y thường dùng bài 'Bổ trung ích khí 'để điều trị. Đây là một bài thuốc cổ phương kinh điển có tác dụng bổ khí thăng dương, đối với tất cả các chứng thoát vị (sán khí): Nội tạng bị sa xuống có kết quả trị liệu tương đối khả quan.

d1.jpg
Các vị thuốc trong bài thuốc chữa chứng thoát vị.

- Thành phần bài thuốc: Hoàng kỳ 24gam, cam thảo 10gam, nhân sâm 12gam, đương quy 10gam, trần bì 12gam, thăng ma 12gam, sài hồ 12gam, bạch truật 12gam.

- Cách bào chế:Hoàng kỳ mật sao, cam thảo chích, nhân sâm bỏ cuống, đương quy tẩy rượu, trần bì bỏ xơ trắng. Các vị trên + nước 1800ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml.

- Công dụng:Điều bổ tỳ vị, thăng dương ích khí.

- Cách dùng:Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 3 lần.

- Ứng dụng lâm sàng:Chữa các chứng do khí hư, khí trệ phát nhiệt, làm cho âm nang sưng to khi mệt nhọc, lao động nặng hoặc chạy nhảy kèm theo mình nóng ra mồ hôi, khát nước nhưng thích uống nước ấm, đau đầu sợ lạnh hoặc các chứng khí hư hạ hãm, thoát giang, sa tử cung…

- Phương giải bài thuốc:

+ Hoàng kỳ: Có tác dụng giải độc , cố biểu, liễm hãn, bổ khí, ích huyết; dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, huyết hư, thiếu máu, chóng mặt, kém ăn, các bệnh ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm.

+ Nhân sâm: Có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, sinh tân dịch, giải khát; dùng trong trường hợp tỳ hư, ăn kém, mỏi mệt, ho, phiền khát hay thiếu máu, vàng da, bệnh bạch huyết, làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu.

d2.jpg
Thăng ma, vị thuốc dùng trong các trường hợp khí hư hạ hãm dẫn thoát vị.

+ Cam thảo: Có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.

+ Bạch truật: Có tác dụng bổ tỳ vị, trừ thấp nhiệt, sinh tân dịch; dùng trong các trường hợp công năng của tỳ vị hư nhược, tiêu hóa không tốt, bụng đầy trướng, đau, buồn nôn, phù thũng, tiểu tiện khó khăn, chữa sốt ra mồ hôi.

+ Đương quy: Có tác dụng bổ huyết, điều kinh, lợi gan, thông huyết, tiêu sưng.

+ Sài hồ: Có tác dụng thông khí, nhuận gan, thăng dương; dùng trong trường hợp ngực sườn đau trướng, sa dạ con. + Trần bì: Có tác dụng kiện tỳ, lý khí, táo thấp; chủ trị thượng vị đầy trướng, ăn kém, nôn mửa, tiêu chảy.

+ Thăng ma: Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thăng dương; dùng trong các trường hợp trung khí bị hạ hãm dẫn đến các chứng như sa trực tràng, sa dạ con.

Cơ thể khỏe mạnh được quyết định bởi thể chất, các vị thuốc trong bài thuốc hợp với nhau trong có tác dụng bổ trung ích khí, bồi bổ trung tiêu, tăng khí lực bệnh có thể từ đó tự ổn định.

TTND.BS Trần Xuân Thủy (Hội Đông y Việt Nam)